Hà Nội: Công an xã cất công lên nương, đồng bào Dao 'gửi trao' vũ khí
Ít ai ngờ rằng, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội ồn ào, náo nhiệt không xa lại có những triền núi non hùng vĩ, là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Hành trình vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ ở một xã miền núi Ba Vì (huyện Ba Vì, TP Hà Nội) đã mang đến không ít bất ngờ và những khoảnh khắc đáng nhớ cho lực lượng công an xã nơi đây.
Chúng tôi tìm đến xã miền núi Ba Vì, một trong những xã nằm sâu trong vùng núi phía Tây của Hà Nội, nơi mà có tới 94% đồng bào Dao sinh sống và câu chuyện vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ đã trở thành kỷ niệm đáng nhớ của những cán bộ, chiến sĩ công an xã nơi đây.

Các chiến sĩ men theo những lối mòn lên nương rẫy… tìm đồng bào
Lên nương... tìm đồng bào
Để đến được những thôn, bản nằm sâu trong núi, các cán bộ công an phải vượt qua những con đường đất đỏ trơn trượt, có khi phải đi bộ hàng giờ liền men theo những lối mòn để lên nương rẫy tìm đồng bào.
Trong hình dung của nhiều người, Hà Nội luôn là những con phố đông đúc, những tòa nhà cao tầng. Thế nhưng, khi chiếc xe chuyên dụng bắt đầu len lỏi qua những con đường dốc quanh co, hai bên là những vạt rừng xanh thẳm, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoang sơ và sự khác biệt rõ rệt so với trung tâm thành phố. Để tiếp cận các thôn bản nằm rải rác trên sườn núi, các cán bộ công an xã phải vượt qua những con đường đất đá gập ghềnh, có đoạn chỉ vừa đủ một người đi.

Qua những phong tục tập quán của đồng bào đòi hỏi cán bộ công an xã không chỉ có kiến thức pháp luật mà còn phải am hiểu về văn hóa địa phương để có thể giao tiếp, vận động
Những chiếc xe máy trở thành phương tiện di chuyển chủ yếu, nhưng không ít lần, các anh phải "cuốc" bộ hàng giờ liền để đến được những ngôi nhà ẩn mình sau những ngọn đồi.
Đại úy Nguyễn Huy Vinh, Phó trưởng Công an xã Ba Vì chia sẻ: "Lúc mới về nhận công tác, tôi cũng bất ngờ. Không nghĩ rằng Hà Nội lại có những nơi địa hình khó khăn như thế này, bà con dân tộc mình sinh sống giản dị mà vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống."
Một trong những điều khiến chúng tôi ngỡ ngàng nhất chính là sự đa dạng văn hóa của cộng đồng dân cư nơi đây. Bên cạnh người Kinh, xã Ba Vì còn là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao… qua những phong tục tập quán của đồng bào đòi hỏi cán bộ công an xã không chỉ có kiến thức pháp luật mà còn phải am hiểu về văn hóa địa phương để có thể giao tiếp, vận động một cách hiệu quả.
"Địa bàn mình quản lý rộng, dân cư lại sống rải rác trên các sườn núi. Nhiều khi muốn gặp được một hộ gia đình phải đi bộ cả buổi trời. Mùa mưa thì đường sá lầy lội, nguy hiểm. Nhưng nghĩ đến sự an toàn của bà con, anh em lại động viên nhau cố gắng", Đại úy Nguyễn Huy Vinh nói.
Khó khăn không chỉ đến từ địa hình hiểm trở mà còn từ những rào cản về mặt nhận thức. Với nhiều đồng bào, việc tàng trữ súng tự chế đã trở thành một thói quen, thậm chí là một "vật dụng" không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, từ săn bắn đến bảo vệ mùa màng.
Bám cơ sở, nắm địa bàn
Để thay đổi quan niệm này, công an xã đã phải kiên trì "mưa dầm thấm lâu", những buổi tuyên truyền, vận động được tổ chức tại nhà văn hóa xã… thậm chí các chiến sĩ không quản ngại khó khăn, đến từng hộ gia đình, gặp gỡ từng người dân để giải thích về sự nguy hiểm của vũ khí, vật liệu nổ, về những quy định của pháp luật. Họ sử dụng tiếng dân tộc, kể những câu chuyện thực tế về những tai nạn thương tâm do vũ khí tự chế gây ra, từ đó dần dần lay động ý thức của người dân.

Để thay đổi quan niệm này, công an xã đã phải kiên trì biện pháp "mưa dầm thấm lâu" qua những buổi tuyên truyền
Anh Dương Trung Dậu, một người dân tộc Dao ở thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì cho hay: "Ngày trước, nhà nào ở đây cũng có súng tự chế để bắn chim. Công an xã đến vận động nhiều lần, ban đầu mình cũng không muốn giao nộp vì nghĩ nó thô sơ và đơn giản chỉ để bắn chim, cò. Nhưng khi các anh kiên trì giải thích, còn đưa cả hình ảnh những người bị thương vì súng tự chế cho mình xem. Dần dần mình cũng hiểu ra, giữ súng nguy hiểm thật."

... và mang lại kết quả tích cực
Sự kiên trì, bền bỉ của lực lượng công an xã đã dần mang lại những kết quả tích cực. Từ những ánh mắt nghi ngại ban đầu, bà con đã bắt đầu cởi mở hơn, lắng nghe và hiểu được những lời vận động chân thành.
Nhiều người đã tự nguyện mang những khẩu súng kíp cũ kỹ đến giao nộp cho công an xã. Để có được sự chuyển biến này, vai trò của công an xã trong việc "bám cơ sở, bám địa bàn" là vô cùng quan trọng. Họ không chỉ là những người thực thi pháp luật mà còn là những người bạn, người đồng hành của bà con.
Trong quá trình vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, lực lượng công an xã đã gặp không ít khó khăn. Với một số đồng bào, đặc biệt là người lớn tuổi, việc tàng trữ súng tự chế đã trở thành một phần gắn liền với cuộc sống. Họ sử dụng chúng để săn bắn, bảo vệ nương rẫy và thay đổi quan niệm này không phải là việc "một sớm một chiều".

Anh Dương Trung Dậu giao nộp khẩu súng cồn tự chế cho Đại úy Nguyễn Huy Vinh, Phó trưởng Công an xã Ba Vì
Tuy nhiên, sự kiên trì và cách tiếp cận mềm mỏng, tôn trọng văn hóa của công an xã đã dần tạo được sự tin tưởng của người dân. Những buổi trò chuyện thân mật bên bếp lửa, những lời giải thích cặn kẽ bằng tiếng dân tộc đã giúp bà con hiểu được sự nguy hiểm của vũ khí tự chế và ý thức được trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo an ninh trật tự.

Ký biên bản giao nộp súng
Một kỷ niệm đáng nhớ mà Đại úy Nguyễn Huy Vinh chia sẻ là lần vận động một gia đình người Dao giao nộp khẩu súng cồn tự chế. Ban đầu, họ từ chối không đồng ý. Nhưng sau nhiều lần cán bộ công an đến thăm hỏi, trò chuyện, chia sẻ những câu chuyện về sự mất mát do tai nạn vũ khí gây ra, chủ súng đã hiểu rõ vấn đề và tự nguyện giao nộp.
Khoảnh khắc trao khẩu súng cho cán bộ công an, ánh mắt đượm buồn nhưng cũng đầy tin tưởng, đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng những người làm nhiệm vụ. Những kết quả đạt được trong công tác vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ ở xã Ba Vì là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của lực lượng công an xã. Họ không chỉ vượt qua những khó khăn về địa hình, ngôn ngữ, mà còn phải đối mặt với những rào cản về mặt nhận thức và tập quán.
Sự tận tâm, trách nhiệm và tinh thần "bám cơ sở, bám địa bàn" đã giúp họ xây dựng được mối quan hệ gắn bó mật thiết với người dân, từng bước thay đổi nhận thức và mang lại sự bình yên cho xã miền núi thuộc Hà Nội này.

Sự kiên trì vận động cùng tinh thần “công an xã gần dân, bám cơ sở” đã tạo nên sức mạnh, vai trò quan trọng của lực lượng công an xã trong việc đảm bảo an ninh trật tự ở những địa bàn đặc biệt
Câu chuyện về công tác vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ ở công an xã Ba Vì chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh chung của công tác đảm bảo an ninh trật tự ở vùng sâu, vùng xa. Qua đó, cho thấy sự tận tâm, trách nhiệm và những nỗ lực không ngừng nghỉ của lực lượng công an cơ sở.
Chính những bước chân không mỏi trên những con đường khó khăn, sự kiên trì vận động và tinh thần “công an xã gần dân, bám cơ sở” đã tạo nên sức mạnh, vai trò quan trọng của lực lượng công an xã trong việc đảm bảo an ninh trật tự ở những địa bàn đặc biệt này.