Hà Nội: Đã có 24 ca mắc uốn ván, 3 ca tử vong

Trên địa bàn Hà Nội vừa ghi nhận thêm một bệnh nhân mắc uốn ván. Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố đã có 24 ca mắc uốn ván (tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 3 trường hợp tử vong.

Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội ngày 20-11, cụ bà 84 tuổi ở huyện Phú Xuyên là ca mắc uốn ván thứ 24 trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay.

Bệnh nhân này có tiền sử tổn thương vùng sống mũi nhiều năm. Theo thời gian, tổn thương này ngày một to và đóng vảy đen.

Trước khi vào viện 10 ngày, cụ bà xuất hiện đau hàm, khó nuốt nhưng không sốt. 5 ngày sau đó, bệnh nhân khó há miệng, khó nói tăng dần.

Tiếp sau đó, bệnh nhân không nói được, khít hàm, tay chân cứng, khó đi lại. Bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Bạch Mai và được chẩn đoán mắc uốn ván.

Cứu sống một bệnh nhân mắc uốn ván nặng.

Cứu sống một bệnh nhân mắc uốn ván nặng.

Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố Hà Nội đã có 24 trường hợp mắc uốn ván (tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 3 trường hợp tử vong (trong khi cùng kỳ năm ngoái không có ca tử vong).

Theo các chuyên gia y tế, uốn ván là một loại bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao. Đây là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani phát triển tại vết thương gây ra.

Các triệu chứng của bệnh uốn ván được biểu hiện là những cơn co cứng cơ kèm theo đau. Trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ thân mình như ngực, cổ, lưng, bụng và mông. Việc co cơ mạnh, đột ngột, kéo dài gây đau cơ, có thể rách cả cơ và gãy xương. Các triệu chứng khác bao gồm sốt, nhức đầu, bồn chồn, khó chịu, bí tiểu, nóng rát khi đi tiểu và đại tiện mất kiểm soát.

Thời gian ủ bệnh thường trong khoảng 3-10 ngày nhưng cũng có thể tới 3 tuần. Thời gian ủ bệnh càng ngắn thì nguy cơ tử vong càng cao. Nếu không được điều trị kịp thời uốn ván sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: Gãy xương, gây khó thở, ngạt thở, suy hô hấp, động kinh, viêm phổi, thuyên tắc phổi, suy thận…

Thực tế cho thấy, tuy rất nguy hiểm và gây thách thức trong điều trị nhưng uốn ván là một bệnh có thể phòng ngừa được bằng việc tiêm vắc xin đầy đủ, trong đó quan trọng nhất là tiêm ngừa chủ động, trước khi bị vết thương.

Vắc xin uốn ván có hiệu lực từ 10-15 năm. Thậm chí, khi bị các vết thương vẫn có thể tiêm vắc xin để bệnh nhẹ đi. Việc tiêm phòng vắc xin uốn ván bắt buộc phải đầy đủ, theo đúng lịch hẹn (tối thiểu 3 mũi, mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng, mũi 3 cách mũi 2 tối thiểu 6 tháng) và nhắc lại mỗi 5-10 năm sau đó sẽ giúp tạo đủ kháng thể bảo vệ khỏi bệnh uốn ván.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-da-co-24-ca-mac-uon-van-3-ca-tu-vong-648559.html