Hà Nội đa dạng hóa các hoạt động lấy ý kiến nhân dân tham gia xây dựng chính sách mới
Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội lưu ý cần đẩy mạnh, đa dạng hóa hoạt động tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia đóng góp vào các chủ trương, cơ chế, chính sách mới của thành phố, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện sau khi ban hành.
Sáng 25/2, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị liên tịch triển khai kế hoạch xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân thành phố năm 2022 và các năm tiếp theo.
Báo cáo về kết quả xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật năm 2021, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn cho biết, theo danh mục năm 2021, Hội đồng nhân dân thành phố ban hành 19 nghị quyết quy phạm pháp luật, gồm 36 nội dung theo đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố. Tuy nhiên, có 8 nội dung các sở, ngành xin hoãn, lùi thời gian, hoặc chuyển sang xây dựng quyết định; 5 nội dung chưa trình hội đồng theo tiến độ, nên so với danh mục mới ban hành được 23 nội dung.
Năm 2022, trên cơ sở kết quả rà soát thống nhất giữa các cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng danh mục nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố đề nghị ban hành gồm 30 nội dung, chia theo kỳ họp hội đồng. Trong đó, kỳ họp giữa năm có 13 nội dung, kỳ họp cuối năm 16 nội dung, các kỳ không thường kỳ có 1 nội dung.
Để không ngừng nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đạt hiệu quả, bảo đảm quy định về thời gian, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố yêu cầu: Các dự báo kế hoạch ban hành nghị quyết Hội đồng nhân dân theo tiến độ xây dựng pháp luật của Quốc hội và các cơ quan Trung ương… báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố chậm nhất là ngày 31/12 hằng năm. Xây dựng Đề xuất ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới gửi Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố chậm nhất là 10/1 hằng năm. Thống nhất kế hoạch xây dựng nghị quyết Hội đồng nhân dân thành phố hằng năm sẽ hoàn thành trước tháng 2.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc thành phố thời gian tới cần nâng cao trách nhiệm, chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất, bám sát tiến độ, quá trình xây dựng các nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và thành phố để kịp thời tổ chức thi hành trên địa bàn. Đồng thời tích cực, chủ động chuẩn bị nội dung, thực hiện các bước trong quy trình xây dựng dự thảo nghị quyết, phối hợp chặt chẽ, từ sớm từ xa trong công tác tổ chức lấy ý kiến góp ý, thẩm định, thẩm tra.
“Phải nghiêm túc khắc phục tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản; khắc phục tình trạng chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, không bảo đảm về thời hạn xin ý kiến, thẩm định và chỉnh lý, hoàn thiện, thời hạn báo cáo Ủy ban nhân dan thành phố tổ chức họp thông qua theo quy trình, quy định”, đồng chí Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các cơ quan liên quan tăng cường tính chủ động, trách nhiệm, có kế hoạch hằng tháng, hằng quý và dự kiến thời gian hoàn thành trong công tác xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật. Đối với các nghị quyết cần ban hành mới phải làm rõ, cụ thể được tính cần thiết, căn cứ ban hành, định hướng nội dung cơ chế, chính sách, quy định và dự kiến lộ trình xây dựng nghị quyết.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội lưu ý cần đẩy mạnh, đa dạng hóa hoạt động tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia đóng góp vào các chủ trương, cơ chế, chính sách mới của thành phố, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện sau khi ban hành. Đặc biệt, với những nghị quyết riêng chỉ Hà Nội mới có trong lĩnh vực văn hóa, y tế... các sở, ngành của thành phố phải chủ động nghiên cứu, đề xuất ngay để kịp thời hạn. Những vấn đề ‘‘nóng’’, dân sinh bức xúc các cơ quan tham mưu cần chủ động xây dựng chủ trương trước, không chờ tới các kỳ họp mới trình, xin ý kiến’’!