Hà Nội đảm bảo đưa các nghị quyết đi vào cuộc sống
Kỳ họp chuyên đề ngày 19/11, HĐND TP. Hà Nội đã biểu quyết thông qua với tỷ lệ thống nhất cao 15 nghị quyết và yêu cầu UBND thành phố tập trung tổ chức triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đảm bảo các nghị quyết đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực.
Thông qua đề án phát triển giao thông thông minh
Chiều ngày 19/11, tại kỳ họp chuyên đề HĐND TP. Hà Nội đã xem xét thông qua Đề án "Giao thông thông minh trên địa bàn TP. Hà Nội". Trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết thông qua Đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn TP. Hà Nội”. Ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải Hà Nội cho biết, trong nhiều năm qua, Hà Nội bước đầu đã xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông vận tải theo quy hoạch ứng dụng công nghệ thông tin 2 trong công tác quản lý, điều hành giao thông.
Qua kinh nghiệm thực tiễn triển khai trên thế giới cho thấy, việc hình thành phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS) giữ vai trò quan trọng, có tính nền tảng và là một trong các trụ cột chính của thành phố thông minh (không thể có được thành phố thông minh nếu không phát triển được hệ thống giao thông thông minh).
Việc triển khai đề án sẽ giải quyết các tồn tại, hạn chế hiện nay; hình thành hệ thống giao thông thông minh của thành phố theo các giai đoạn, thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới; là công cụ quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý, điều hành giao thông.
Giai đoạn 1 (2025 - 2027) sẽ hình thành và đưa vào khai thác vận hành Trung tâm quản lý và điều hành giao thông thành phố. Về kinh phí, trong giai đoạn 1 thành phố đề xuất 2 phương án. Phương án 1 sẽ thuê toàn bộ dịch vụ với chi phí 392,9 tỷ đồng/3 năm. Phương án 2 là đầu tư hạ tầng phần cứng kết hợp thuê toàn bộ hệ thống các phần mềm và dịch vụ vận hành, bảo trì hệ thống, với kinh phí dự kiến 402,8 tỷ đồng/3 năm...
Mục tiêu định hướng phương án hình thành hệ thống giao thông thông minh cho TP. Hà Nội theo từng giai đoạn cụ thể, trong đó có việc hình thành Trung tâm Quản lý điều hành giao thông chung của thành phố vào năm 2025; xác định được khung kiến trúc chung cho hệ thống giao thông thông minh và các chức năng chính cơ bản của hệ thống giao thông thông minh; định hướng các cơ chế chính sách trong quản lý, đầu tư, khai thác, vận hành hệ thống; phân công trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện.
Nguyên tắc xây dựng đề án bảo đảm phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo tính khoa học và thực tế; bảo đảm tính khả thi khi triển khai thực hiện; các ứng dụng của hệ thống giao thông thông minh thành phố phải có tính mở, cho phép người sử dụng có khả năng lựa chọn, ra quyết định, đồng thời đảm bảo sẵn sàng chia sẻ, phát triển...
Về định hướng phát triển theo các giai đoạn, TP. Hà Nội đề xuất lộ trình phát triển theo 3 giai đoạn, cụ thể giai đoạn 1 từ năm 2025-2027, giai đoạn 2 từ năm 2028-2030, giai đoạn 3 sau năm 2030.
Thông qua 15 nghị quyết với nhiều nội dung quan trọng
Phát biểu bế mạc cuộc họp chiều 19/11, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, cuộc họp đã biểu quyết thông qua với tỷ lệ thống nhất cao 15 nghị quyết, trong đó có nhiều nội dung, quy định, là cơ sở pháp lý rất quan trọng để kịp thời triển khai thi hành Luật Thủ đô và tháo gỡ, giải quyết hiệu quả các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong thực tiễn phát triển của thành phố.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, ngay sau kỳ họp UBND thành phố, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tập trung tổ chức triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đảm bảo các nghị quyết của HĐND thành phố đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực, trong đó lưu ý một số nội dung.
Tại kỳ họp chiều 19/11, HĐND TP. Hà Nội cũng xem xét các nội dung về quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh việc xác định phân vùng môi trường; điều chỉnh quy hoạch. Thông qua nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Bắc Thường Tín; nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Phụng Hiệp, Sóc Sơn...
Đối với các nghị quyết được HĐND thành phố ban hành tại kỳ họp này về tổ chức bộ máy, biên chế; phân cấp, ủy quyền; cơ chế quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công và các quy định khác về xây dựng, quản lý, bảo vệ và phát triển Thủ đô.
Đây là nhóm chính sách mới để triển khai, thi hành Luật Thủ đô nên thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng, tạo sự đồng thuận và nhận thức cao trong triển khai thực hiện nghị quyết. Việc tổ chức triển khai thực hiện cần đảm bảo nguyên tắc “đồng bộ, hiệu quả, khách quan, công khai, minh bạch”, đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp với điều kiện của thành phố.
“Tiếp tục tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị được phân công chủ trì khẩn trương nghiên cứu, tham mưu, đề xuất HĐND, UBND thành phố ban hành đầy đủ, kịp thời các nghị quyết, văn bản triển khai, thi hành Luật Thủ đô theo kế hoạch đảm bảo quy định, tiến độ, với chất lượng cao nhất” - ông Tuấn nói.
Về chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất đối với một số cây trồng, vật nuôi bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão, UBND thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương tổ chức thực hiện hỗ trợ đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng quy định, tránh trục lợi chính sách; tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để sớm phục hồi và phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố.../.
Ngày 11/9, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Quy định việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn TP. Hà Nội.