Hà Nội đặt mục tiêu 50% tòa nhà công sở và nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 212/KH-UBND về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo trên địa bàn thành phố.
Kế hoạch được ban hành nhằm triển khai có hiệu quả, thực chất Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, chung tay cùng cả nước sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Theo đó, thành phố Hà Nội phấn đấu trong giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2,2% tổng điện năng tiêu thụ cho từng khu vực tiêu dùng, sử dụng điện trên địa bàn trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ; xây dựng; quản lý và tiêu dùng; nông - lâm - ngư nghiệp; các hoạt động khác. Cùng với đó là giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện đến năm 2025 đạt từ 3,5% trở xuống; Giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện trên địa bàn thành phố ít nhất 3% đến năm 2025 thông qua Chương trình quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện.
Đặc biệt, Hà Nội sẽ phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Đến hết năm 2025, phấn đấu 100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ quan, công sở, tòa nhà văn phòng, trường học, bệnh viện phối hợp với công ty điện lực tại địa phương xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch tiết kiệm điện cho đơn vị mình, bảo đảm hàng năm tối thiếu tiết kiệm 5,0% tổng điện năng tiêu thụ trong năm. Tận dụng và huy động các nguồn lực để lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời để giảm tiêu thụ điện. Đồng thời, nghiêm túc thực hiện Quyết định số 68/2011/QĐ-TTg ngày 12/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng được trang bị, mua sắm đối với cơ quan, đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước khi sửa chữa, thay thế hoặc mua mới các phương tiện, thiết bị.
Đối với các tổ chức, cá nhân quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng; hệ thống chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời phải tiết kiệm tối thiểu 30% tổng điện năng tiêu thụ hàng năm trong giai đoạn 2023-2025. Chủ động cải tạo, nâng cấp hệ thống chiếu sáng theo quy chuẩn, an toàn, hiệu quả và tiết kiệm điện; thay thế các đèn trang trí, đèn chiếu sáng, đèn quảng cáo bằng đèn tiết kiệm điện. Đối với các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư sẽ tắt hoặc giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời vào giờ cao điểm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
UBND thành phố Hà Nội khuyến khích các hộ gia đình sử dụng các thiết bị điện được dán nhãn năng lượng theo Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg ngày 9/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Thường xuyên tiết kiệm điện bằng cách tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị điện; chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết và sử dụng ở chế độ, mức nhiệt độ phù hợp (chế độ làm lạnh từ 26 độ C trở lên); Ưu tiên lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu theo hướng dẫn, quy định của pháp luật và hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời. Định hướng phát triển điện mặt trời phải kết hợp với pin lưu trữ khi giá thành phù hợp.
UBND thành phố Hà Nội cũng khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất triển khai chương trình các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận tự nguyện thực hiện các giải pháp về tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện, lắp đặt mặt trời mái nhà và tư vấn thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Các cơ sở sử dụng năng lượng có điện năng tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm trở lên phải tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm hoặc tiết kiệm ít nhất 2% tổng điện năng tiêu thụ trong năm.
UBND thành phố Hà Nội giao Sở Công Thương Hà Nội trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Công Thương về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, áp dụng cho hệ thống lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của các doanh nghiệp để tự sử dụng mà không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác nhằm phối hợp các Sở, ngành tham mưu, đề xuất UBND thành phố thống nhất chỉ đạo qua đó đẩy mạnh ứng dụng và phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn Thủ đô, tận dụng tiềm năng sẵn có và giảm áp lực lên hệ thống lưới điện quốc gia.
UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả, đồng bộ Chương trình quản lý nhu cầu điện, Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hàng năm và giai đoạn; đảm bảo phấn đấu tiết kiệm tối thiểu 2,2% tổng điện năng tiêu thụ hàng năm. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chủ trương và các quy định về tiết kiệm điện; cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời và các văn bản khác có liên quan tới đông đảo nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và doanh nghiệp.