Hà Nội đẩy mạnh chương trình tín dụng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội
Ngày 2/7, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 17, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2024.
Nghị quyết nêu rõ, 6 tháng cuối năm 2024, tình hình kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn nên các cấp, ngành, doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô sẽ phấn đấu cao nhất để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, trọng tâm là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
Cùng với thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ đầu năm, HĐND thành phố nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp như: bảo đảm tăng trưởng ổn định kinh tế Thủ đô; kiểm soát lạm phát; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Thành phố đẩy mạnh thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ; chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Các cấp, ngành của thành phố tiếp tục rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công bám sát thực tiễn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm; thực hiện điều chuyển vốn từ các dự án chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư, các dự án chậm triển khai, giải ngân, không khắc phục được các vướng mắc sang các dự án có khả năng thực hiện, hấp thụ vốn tốt hơn; tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư.
Thành phố cũng tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, trong đó chú trọng sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm công nghiệp chủ lực; đẩy mạnh lưu thông các sản phẩm hàng hóa của Hà Nội, nhất là sản phẩm OCOP; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Aeon Mall quận Hoàng Mai, các thủ tục đầu tư trung tâm thương mại Aeon Mall quận Bắc Từ Liêm; phát triển mạnh thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt.
Cũng theo Nghị quyết, thành phố Hà Nội sẽ xây dựng, triển khai Đề án phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến du lịch dọc khu vực sông Hồng, hoàn thiện tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng - Đền thờ Chử Đồng Tử; phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản - di tích, làng nghề theo tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên, tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức; đẩy mạnh triển khai kế hoạch xúc tiến du lịch tại các thị trường trong nước và quốc tế theo hướng chuyên nghiệp, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Song song với đó, thành phố hoàn thành chương trình chỉnh trang, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn đến năm 2030; đẩy nhanh tiến độ khởi công, đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghiệp để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, sản xuất kinh doanh; tăng cường công tác xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại các khu, cụm công nghiệp, trong đó ưu tiên các dự án ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; tập trung vào các ngành công nghiệp bán dẫn.
Đặc biệt, HĐND giao UBND thành phố ban hành và chỉ đạo tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) ngay sau khi Quốc hội thông qua; phối hợp các bộ, ngành Trung ương tham mưu dự thảo các nghị định, nghị quyết, quyết định hướng dẫn thực hiện để Luật đi vào cuộc sống; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm các cơ chế, chính sách liên kết vùng, tạo đột phá để tiếp tục phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Vùng Thủ đô Hà Nội.
Bên cạnh đó, UBND thành phố thực hiện công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện 2 quy hoạch ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó, đặc biệt chú trọng các giải pháp cụ thể và tiến độ thực hiện các quy hoạch, nhất là việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức làm căn cứ để thực hiện...
UBND thành phố hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất; hoàn thiện cơ chế xác định giá đất, cơ chế chính sách tài chính về đất đai; các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản; quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến việc quản lý và sử dụng đất.
Về cải cách hành chính, thành phố tập trung rà soát chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn tổ chức bộ máy một số cơ quan, đơn vị ở quận, huyện, thị xã và các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện thí điểm một số mô hình tổ chức bộ máy mới; hoàn thành Đề án vị trí việc làm của các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND các quận, huyện, thị xã; triển khai thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025 của thành phố.
Đối với công tác đối ngoại, thành phố tiếp tục đàm phán ký kết thỏa thuận quốc tế với các đối tác lớn như: thành phố St. Petersburg (Nga), thành phố Rome (Italy), thành phố Los Angeles (Hoa Kỳ), thành phố Caracas (Venezuela), tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc), tỉnh Kanagawa và tỉnh Fukuoka (Nhật Bản); chú trọng các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, xúc tiến đầu tư, thương mại; thực hiện tốt các nội dung, chương trình hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
HĐND thành phố Hà Nội cũng giao UBND thành phố cùng các đơn vị liên quan tăng cường công tác thông tin, truyền thông, ngăn chặn kịp thời thông tin xấu, độc, sai sự thật, xuyên tạc, nhất là trên không gian mạng; làm tốt công tác dân vận, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể nhân dân, nhất là trong công tác giám sát, phản biện, góp phần tạo đồng thuận xã hội.