Hà Nội đề nghị nâng tầng, xây tầng hầm cho nhà trường ở quận nội thành
Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn.
Những kết quả quan trọng
Chiều 18/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tham dự Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức. Chương trình được kết nối trực tuyến tới các điểm cầu ở 63 tỉnh/thành trên toàn quốc.
Phát biểu tại điểm cầu trực tuyến, bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước. Năm học 2022-2023, toàn thành phố có khoảng 2.870 trường Mầm non, trường phổ thông và Trung tâm GDTX với gần 2,2 triệu học sinh.
Được sự quan tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo hướng dẫn sâu sát của Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành Trung ương, công tác giáo dục của Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác giáo dục đào tạo luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm, tập trung chỉ đạo bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện.
Năm học vừa qua, UBND TP đã trình HĐND TP ban hành nhiều nghị quyết về GD&ĐT. Trong đó, thành phố đã ban hành Nghị quyết về giá dịch vụ giáo dục tạm thời để thực hiện thí điểm cơ chế đặt hàng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông sử dụng ngân sách nhà nước để nâng cao chất lượng giáo dục và thực hiện tự chủ đối với các trường học.
Bà Vũ Thu Hà cũng cho hay, Hà Nội đã xây dựng nghị quyết về hỗ trợ nhà giáo được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú trên địa bàn Thủ đô. TP cũng trình HĐND ban hành nghị quyết chuyên đề về đầu tư công trong lĩnh vực giáo dục.
Trong đó, giai đoạn 2021-2025, sẽ bố trí hơn 30.000 tỷ đồng để triển khai thực hiện 653 dự án đầu tư, xây dựng, sửa chữa các trường học trên địa bàn thành phố để phấn đấu đạt tỷ lệ trường chuẩn quốc gia từ 80-85%.
Thí điểm công tác đầu tư xây dựng mô hình trường học có nhiều cấp học tiên tiến với quy mô từ 5 hecta trở lên trên địa bàn Thủ đô.
Về giáo dục đại trà, Hà Nội đã được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức 3. Với giáo dục mũi nhọn cũng đạt thành tích cao. Thành phố đã có 8 giải quốc tế, 141 em đạt giải các kỳ thi chọn HSG quốc gia.
Để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, thu hẹp khoảng cách giữa các trường nội thành - ngoại thành, Thành phố đã triển khai thực hiện phong trào Nhà trường chung tay phát triển, thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm.
Đến nay, đã có 30/30 quận/huyện/thị xã; 80 trường THPT đã ký kết hợp tác về giáo dục. Nhiều chuyên đề được chia sẻ ở cấp trường và các địa phương. Nhiều trang thiết bị được trao tặng, chia sẻ.
Đặc biệt, công tác phát triển đảng viên trong trường học có sự chuyển biến rõ nét. Số học sinh các trường THPT thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội được kết nạp Đảng là 60 em.
Cần cơ chế hỗ trợ đặc thù
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà đã đưa ra một số kiến nghị gửi tới lãnh đạo Chính phủ, Bộ GD&ĐT để có thể tháo gỡ trong thời gian tới.
Thứ nhất, Hà Nội có đầy đủ các loại hình từ trường nhiều cấp học, trường chuyên, trường trọng điểm quốc gia với quy mô tương đối lớn. Tuy nhiên, tại Nghị định 120 của Chính phủ quy định mỗi đơn vị chỉ có không quá 2 cấp phó. Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý cho các trường có quy mô lớn, đặc thù.
Do đó, thành phố kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 120 cho phù hợp thực tế.
Thứ hai, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sớm triển khai số hóa SGK và sử dụng SGK điện tử. Điều này cũng phù hợp với xu thế chuyển đổi số trong giáo dục.
Thứ ba, quan tâm chế độ chính sách với cán bộ, giáo viên và nhân viên công tác trong lĩnh vực GD&ĐT. Để thực hiện chủ trương tại Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo. Theo đó, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có phụ cấp ưu đãi theo từng tính chất công việc.
Thứ tư, hiện nay, Thủ đô đang có tình trạng tăng dân số cơ học cao qua từng năm. Mỗi năm, dân số tăng từ 50.000 - 60.000 học sinh, tương đương cần xây mới 30 - 40 trường học. Tuy nhiên, một số quận nội thành hiện không còn quỹ đất.
"Để đáp ứng chuẩn xây dựng trường học, đề nghị các cấp xem xét cho phép Thành phố sử dụng chỉ tiêu diện tích sử dụng trên đầu học sinh thay thế cho chỉ tiêu diện tích đất trên học sinh. Chính phủ cho phép Hà Nội được nâng tầng với các khối nhà xây dựng; xây tầng hầm cho nhà trường ở quận nội thành để khai thác quỹ đất hiệu quả" - bà Vũ Thu Hà kiến nghị.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 của Hà Nội tổ chức ngày 16/8, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn yêu cầu Hà Nội tập trung thực hiện hiệu quả việc triển khai Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình. Đồng thời, tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp học; quan tâm đến đổi mới phương pháp, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường...