Hà Nội đề xuất giữ lại Sở Quy hoạch - Kiến trúc vì có tính 'đặc thù'

Thành ủy Hà Nội vừa có báo cáo việc tổng kết Nghị quyết số 18, trong đó nêu phương án đề xuất sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy thành phố. Đáng chú ý, theo phương án đề xuất, UBND thành phố Hà Nội có 16 sở và cơ quan tương đương sở, vượt mức 'không quá 15 sở' như gợi ý, định hướng của Ban chỉ đạo Chính phủ.

Kết thúc hoạt động của 3 Ban cán sự Đảng, 8 Đảng đoàn thuộc thành ủy

Theo đó, Thành ủy Hà Nội đề xuất thực hiện sáp nhập Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Thành ủy; kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối các cơ quan và Đảng ủy Khối doanh nghiệp thành phố. Thành ủy Hà Nội đề xuất tổ chức lại Đảng bộ khối các trường đại học, cao đẳng thành Đảng bộ các trường đại học, cao đẳng Hà Nội.

Theo phương án đề xuất, Hà Nội sẽ kết thúc hoạt động của 3 Ban cán sự Đảng, gồm: Ban cán sự đảng UBND thành phố, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân thành phố, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân thành phố. Kết thúc hoạt động của 8 Đảng đoàn thuộc Thành ủy, gồm: Đảng đoàn HĐND thành phố; Đảng đoàn Ủy ban MTTQ thành phố; Đảng đoàn Liên đoàn lao động thành phố; Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố; Đảng đoàn Hội Nông dân thành phố; Đảng đoàn Hội Cựu chiến binh thành phố; Đảng đoàn Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật thành phố; Đảng đoàn Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật thành phố.

Trụ sở UBND thành phố Hà Nội. Ảnh: PV.

Trụ sở UBND thành phố Hà Nội. Ảnh: PV.

Thành ủy Hà Nội đề xuất thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Thành ủy, gồm: Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, HĐND, tư pháp thành phố và Đảng bộ chính quyền thành phố.

Thành ủy Hà Nội cũng sẽ rà soát lại tất cả hoạt động của các ban chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ thực sự cần thiết.

Đối với các cơ quan của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; HĐND thành phố và HĐND quận, thị xã, Hà Nội đề xuất tiếp tục giữ nguyên tổ chức bộ máy như hiện nay.

Đối với các sở và cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, Thành ủy Hà Nội đề xuất tiếp tục duy trì 10 sở và cơ quan tương đương, gồm: Văn phòng UBND thành phố; Thanh tra thành phố; Sở Tư pháp; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Y tế; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Công Thương; Sở Xây dựng; Sở Giao thông vận tải; Sở Du lịch.

Thành ủy Hà Nội đề xuất hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính (tên gọi sau sắp xếp là Sở Kinh tế - Tài chính); hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tên gọi sau sắp xếp là Sở Nông nghiệp và Môi trường); hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ (tên gọi sau sắp xếp là Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông).

Theo phương án đề xuất của Thành ủy Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hợp nhất với Sở Nội vụ (tên gọi sau sắp xếp là Sở Nội vụ và Lao động); thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Sở Nội vụ và tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, tiền lương và việc làm trong khu vực doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; bình đẳng giới từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Sở Y tế sẽ tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội; trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Sở Công Thương sẽ tiếp nhận nguyên trạng Cục quản lý thị trường địa phương từ Bộ Công Thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương.

Ban Dân tộc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý Nhà nước về tôn giáo từ Sở Nội vụ; nhiệm vụ giảm nghèo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thành lập Ban Dân tộc - Tôn giáo.

Thành ủy Hà Nội cũng đề xuất sáp nhập Sở Ngoại vụ vào Văn phòng UBND thành phố.

Đề xuất 16 sở và cơ quan tương đương sau sắp xếp

Theo phương án đề xuất của Thành ủy Hà Nội, sau sắp xếp, dự kiến có 16 sở và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Hà Nội, gồm: Văn phòng UBND thành phố; Thanh tra thành phố; Sở Tư pháp; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Kinh tế - Tài chính; Sở Nông nghiệp và Môi trường; Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông; Sở Nội vụ và Lao động; Sở Y tế; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Công Thương; Ban Dân tộc - Tôn giáo; Sở Xây dựng; Sở Giao thông vận tải; Sở Du lịch; Sở Quy hoạch - Kiến trúc.

Theo phương án đề xuất, Hà Nội hợp nhất Ban Quản lý các khu Công nghiệp và Chế xuất và Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc. Dự kiến tên gọi sau sắp xếp là Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp thành phố. Thành phố giải thể Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố; chuyển chức năng, nhiệm vụ về các sở và cơ quan liên quan.

Về phương án duy trì Sở Quy hoạch - Kiến trúc, theo Thành ủy Hà Nội, lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc có tính đặc thù, chuyên sâu cao; công tác quy hoạch phải đi trước, có tầm nhìn chiến lược; đồng thời đáp ứng yêu cầu đối với việc quản lý quy hoạch để phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô…

Đáng chú ý, phương án đề xuất duy trì Sở Quy hoạch - Kiến trúc khác với định hướng, gợi ý của Ban chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Chính phủ tại Văn bản số 24/CV-BCĐTKNQ18 về định hướng, gợi ý một số nội dung về sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Cụ thể, Văn bản số 24/CV-BCĐTKNQ18 gợi ý cơ cấu, sắp xếp đối với các sở đặc thù, trong đó có Sở Quy hoạch và Kiến trúc theo hướng thực hiện sáp nhập sở này vào Sở Xây dựng và Giao thông. Trường hợp có yêu cầu đặc thù về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn, Hà Nội và TPHCM có thể xem xét, quyết định việc duy trì Sở Giao thông vận tải và thực hiện phương án sáp nhập Sở Quy hoạch và Kiến trúc vào Sở Xây dựng, bảo đảm phù hợp với tình hình, đặc điểm tại Hà Nội và TPHCM. Theo công văn này, Hà Nội và TPHCM có không quá 15 sở.

Theo phương án đề xuất của Thành ủy Hà Nội, sau sắp xếp, dự kiến có 16 sở và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Hà Nội, gồm: Văn phòng UBND thành phố; Thanh tra thành phố; Sở Tư pháp; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Kinh tế - Tài chính; Sở Nông nghiệp và Môi trường; Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông; Sở Nội vụ và Lao động; Sở Y tế; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Công Thương; Ban Dân tộc - Tôn giáo; Sở Xây dựng; Sở Giao thông vận tải; Sở Du lịch; Sở Quy hoạch - Kiến trúc.

Trường Phong

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ha-noi-de-xuat-giu-lai-so-quy-hoach-kien-truc-vi-co-tinh-dac-thu-post1705571.tpo