Hà Nội đề xuất xây dựng 9 khu nhà ở xã hội| Hà Nội tin mỗi chiều
Hà Nội đề xuất xây dựng 9 khu nhà ở xã hội; Hà Nội sẽ mở thêm điểm trông xe không dùng tiền mặt; Nỗi lo đuối nước với trẻ em dịp hè... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.
Hà Nội đề xuất xây dựng 9 khu nhà ở xã hội
9 khu nhà ở xã hội tập trung, với tổng quy mô diện tích đất nghiên cứu quy hoạch gần 669 ha, tại quận Hà Đông, huyện Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm và Mê Linh.
Trước đó, Hà Nội đã bố trí vốn ngân sách để thực hiện 5 khu nhà ở xã hội tập trung, với tổng quy mô sử dụng đất 248 ha tại các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh, Thanh Trì và Thường Tín. Nếu đề xuất này được chấp thuận, Hà Nội sẽ có 14 khu nhà ở xã hội tập trung với diện tích hơn 917 ha.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, Hà Nội là một trong các đô thị lớn có nhu cầu cao về nhà ở xã hội, nhưng đầu tư còn hạn chế.
Từ nay đến hết 2025, thành phố dự kiến hoàn thành ba dự án với 1.700 căn hộ, đáp ứng 9% nhu cầu về nhà ở của người lao động có thu nhập thấp. Trong khi đó, theo chỉ tiêu được giao tại đề án phát triển ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ, đến năm 2025, Hà Nội phải hoàn thành 18.700 căn hộ.
Từ năm 2021 đến nay, thành phố mới hoàn thành 5 dự án nhà ở xã hội với 5.200 căn hộ. Việc này cũng khiến nhà ở giá rẻ tại Thủ đô ngày càng khan hiếm.
Thực tế vẫn còn rất nhiều vấn đề vướng mắc, trong đó có thủ tục, tính pháp lý của địa điểm phát triển nhà ở xã hội và nguồn vốn. Bên cạnh đó là việc thiếu quỹ đất, nguồn vốn tín dụng từ ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, thủ tục xây dựng còn chưa đồng bộ và thời gian thực hiện kéo dài.
Ngoài ra, một số địa phương đang xuất hiện tình trạng nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng các cấp chính quyền cũng chưa quan tâm, tạo điều kiện trong việc lựa chọn chủ đầu tư dự án để triển khai xây dựng.
Một số dự án nhà ở xã hội đã khởi công nhưng các doanh nghiệp không triển khai thi công hoặc thi công chậm tiến độ. Vẫn có tình trạng nhiều doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội chưa đảm bảo tiêu chí, điều kiện được vay theo pháp luật về tín dụng; một số địa phương cũng chưa công bố danh mục nhà ở xã hội đủ điều kiện vay.
Mới đây, tại hội nghị đối thoại với công nhân, lao động Thủ đô, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã thừa nhận việc triển khai nhà ở xã hội trên địa bàn còn chậm. Theo ông, ngoài một số nguyên nhân khách quan, thì còn có nguyên nhân do "lỗi của lãnh đạo thành phố, UBND thành phố, các sở ngành, các quận, huyện".
Do đó, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội và các sở, ngành khác phải "đau đáu vấn đề này", với tinh thần xử lý nhanh nhất, quyết liệt nhất để có quỹ nhà cung ứng cho công nhân, người lao động và phải xác định đây là món nợ với người lao động, công nhân trên địa bàn thành phố.
Hà Nội sẽ mở thêm điểm trông xe không dùng tiền mặt
Tại 14 điểm gửi xe để phục vụ hành khách đi tàu điện tại ga Cát Linh, chủ phương tiện có thể thanh toán qua QR tài khoản ngân hàng. Sắp tới, chủ xe còn có thể thanh toán bằng tài khoản giao thông qua công nghệ hiện đang sử dụng trong thu phí tự động không dừng ETC tại các trạm thu phí. Việc thanh toán này sẽ giúp thống kê, giám sát xe ra vào điểm, thu đúng, thu đủ và triệt tiêu tình trạng gian lận trong thu tiền.
Việc triển khai mô hình trông giữ xe thanh toán không dùng tiền mặt được ví như một mũi tên trúng ba đích. Đối với người dân, khi triển khai mô hình này đều đồng thuận, nhất trí cao bởi sẽ hạn chế được tiêu cực, thu đúng giá, công khai minh bạch, dịch vụ chất lượng tốt, thuận tiện, dễ tìm kiếm đặt chỗ, giảm chi phí thời gian.
Về phía chính quyền, mô hình này góp phần chống thất thu về thuế. Còn đối với doanh nghiệp, khi triển khai mô hình này sẽ kinh doanh hiệu quả, bền vững.
Theo ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, việc áp dụng công nghệ thông minh trong hoạt động trông giữ xe là cần thiết. Bởi thông qua các thiết bị công nghệ, an ninh có thể kiểm soát, quản lý chặt xe ra vào bãi đỗ. Mô hình này sẽ giúp cho hoạt động trông giữ xe được minh bạch, chuẩn chỉ hơn về giá cước, thuế phí.
Theo báo cáo mới nhất từ UBND thành phố Hà Nội, tỷ lệ thu không dùng tiền mặt tại các bãi đỗ xe thí điểm thu phí đạt trên 50% đối với xe máy, gần 70% đối với ô tô.
Hà Nội có 57 bãi đỗ xe trong trung tâm thương mại, chung cư, bệnh viện, trường học và khoảng 640 điểm đỗ dưới lòng đường. Tính trong ba năm (từ 2021 - 2023), 101 điểm giữ xe trên địa bàn Hà Nội thu phí được 248 tỷ đồng. Để việc thu phí trông giữ phương tiện được thuận lợi, tăng nguồn thu ngân sách, các sở, ngành của thành phố đang hoàn thiện ứng dụng thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt.
Nỗi lo đuối nước với trẻ em dịp hè
Những vụ tai nạn đuối nước gần đây tại Việt Nam, trong đó có sự việc đau lòng xảy ra trên sông Sài Gòn và ở bể bơi tại Quảng Ninh, đã gợi lên nhiều sự quan tâm và lo lắng từ cộng đồng.
Tại Hà Nội, gần đây đã xảy ra bốn vụ đuối nước. Tất cả các vụ đều do các em rủ nhau ra sông, hồ tắm khi trời nắng nóng.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đông Anh, dù mới đầu hè nhưng đây là thời điểm mà nguy cơ đuối nước đối với học sinh cao nhất.
Thời tiết giao mùa, trời nắng nóng nên các em có nhu cầu tắm sông suối, hồ. Hơn nữa, mới đầu mùa hè nên phụ huynh còn có tâm lý chủ quan, không nhắc nhở, kiểm soát chặt chẽ, để con em trốn đi bơi tại những nơi không đảm bảo an toàn.
Theo Tổ chức y tế thế giới, trong thập kỷ vừa qua, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người.
Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, tỷ suất cao nhất so với khu vực Đông Nam Á và cao gấp 8 lần các nước phát triển. Nhiều trẻ biết bơi nhưng vẫn tử vong do bơi tại khu vực nước sâu nguy hiểm. Có những trẻ bị tử vong ngay trong hồ, bể bơi tại nhà như vụ hai em nhỏ ở Quảng Ninh vừa qua.
Các vụ tai nạn thương tâm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các bậc phụ huynh trong việc quản lý, giáo dục kỹ năng tự phòng vệ cho con em mình.
Nhằm giảm thiểu tai nạn đuối nước thương tâm với trẻ em, các quận, huyện, thị xã đồng loạt tổ chức các lớp dạy bơi, tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em trong dịp hè. Tuy nhiên do thiếu cơ sở vật chất, thiếu quỹ đất và kinh phí vận hành khiến công tác phổ cập bơi thời gian qua ở nhiều địa phương chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Một giáo viên tổng phụ trách ở một trường ngoại thành Hà Nội nói rằng, ước mong lớn nhất của cô là mỗi nhà trường có ít nhất một bể bơi, để dù có nghỉ hè, thì trường học vẫn sẽ là điểm đến an toàn nhất cho các em học sinh.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước mới chỉ có trên 2.200 trường có bể bơi trên tổng số hơn 25 nghìn trường học. Tỷ lệ học sinh biết bơi mới đạt trên 33%.
Trước các mối nguy, phụ huynh thường cấm đoán trẻ nhưng quên mất rằng, không thể kiểm soát con mọi lúc, mọi nơi, bởi vậy, việc giải thích, hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng tự phòng vệ để con nhận thức được nơi nào nguy hiểm cần tránh xa là vô cùng cần thiết.
Việc dạy bơi và học bơi là cả một quá trình, không phải việc ngày một ngày hai, trong khi tai nạn đuối nước luôn rình rập. Phòng tránh đuối nước không chỉ nằm ở việc học bơi, biết bơi mà điều quan trọng hơn là các em cần được người lớn chỉ dẫn vui chơi ở đâu, chơi như thế nào để đảm bảo an toàn. Những nỗ lực của người lớn sẽ góp phần lớn mang lại một mùa hè vui khỏe, bổ ích, an toàn cho trẻ.