Hà Nội đến để yêu

Vẻ đẹp cổ kính của Hà Nội được hiện lên từ văn hóa ứng xử, văn hóa ẩm thực đến kiến trúc hay các di tích, danh lam thắng cảnh. Đến Hà Nội để chiêm ngưỡng nét đẹp sâu lắng, nhẹ nhàng của vùng đất đã trải qua mấy nghìn năm văn hiến.

Thủ đô Hà Nội từ lâu đã là điểm đến thu hút rất nhiều du khách. Không chỉ những du khách từ nước ngoài sang thăm thú và tìm hiểu văn hóa Việt, mà Hà Nội còn là nơi những người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc tìm đến để thưởng ngoạn những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, để thêm yêu, thêm trân trọng vẻ đẹp của đất nước.

Kiến trúc tôn giáo của Việt Nam nói chung và ở Hà Nội nói riêng vô cùng đa dạng với hệ thống chùa, tháp, đền, miếu, nhà thờ,... Mỗi công trình đều mang một vẻ đẹp và sức hút riêng, đồng thời thể hiện văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của con người nơi đây.

Ảnh minh họa: Bảo Thoa

Ảnh minh họa: Bảo Thoa

Nói về chùa ở Hà Nội, không thể không nhắc đến chùa Hương, chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, rồi chùa Bộc, chùa Linh Ứng,... Là những kiến trúc tâm linh mang hình dáng, vẻ đẹp riêng. Đặc điểm của những ngôi chùa tại Hà Nội là vẻ cổ kính, tĩnh mịch đặc trưng, vừa mang âm hưởng tôn giáo vừa mang giá trị nghệ thuật trong kiến trúc. Chùa là nơi linh thiêng, khách du lịch đến không chỉ để tham quan hay vãn cảnh, mà còn là tìm về sự an yên, cầu sự bình an, khỏe mạnh hay mong học hành đỗ đạt, sự nghiệp hanh thông.

Đối với đền, Hà Nội nổi tiếng và tự hào với Thăng Long Tứ Trấn gồm bốn ngôi đền thiêng được xây dựng để trấn giữ bốn phương của kinh thành khi xưa, đó là đền Bạch Mã, đền Voi Phục, đền Kim Liên và đền Quán Thánh được coi là linh khí của đất Thăng Long.

Ngoài các kiến trúc đặc trưng của Đông Nam Á, Hà Nội còn có những công trình đại diện cho sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Điển hình nhất chính là các hệ thống nhà thờ, trong đó, Nhà thờ Lớn và Nhà thờ Cửa Bắc được biết đến với lối kiến trúc đặc trưng của tín ngưỡng phương Tây.

Để có được ngày hôm nay, Hà Nội đã phải trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, biến cố trong lịch sử. Những dấu tích, những trang sử hào hùng ấy đã được ghi tạc vào trong trái tim của những người con Thủ đô qua các di tích lịch sử.

Quen thuộc nhất đối với người dân có lẽ chính là Hồ Hoàn Kiếm - gắn liền với sự tích “Hồ Gươm”, là địa điểm lý tưởng để đi dạo tận hưởng những phút thảnh thơi sau những tất bật của cuộc sống. Tháp Rùa nằm giữa hồ chính là biểu tượng của Thủ đô với nét kiến trúc độc đáo, “không thể lẫn đi đâu” của nơi đây.

Kế đó, là khu thành cổ, dù trải qua bao biến thiên của lịch sử, Hoàng Thành Thăng Long không còn vẹn nguyên, nhưng nơi đây vẫn giữ được nét đẹp cổ xưa, mang hơi thở của cả một triều đại oai hùng của lịch sử Đại Việt. Sau đó là trường đại học đầu tiên của Việt Nam - Văn Miếu Quốc Tử Giám, nơi đây đã từng diễn ra các cuộc thi tuyển chọn để tìm ra những bậc hiền tài góp phần dựng xây đất nước. Cho đến nay, Văn Miếu Quốc Tử Giám không chỉ là một địa điểm du lịch hấp dẫn mà còn là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa.

Quay về năm 1945, lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh đã từng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại lễ đài giữa Quảng trường Ba Đình khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Và giờ đây, nơi ấy trở thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, là công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị sâu sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, có giá trị thiết thực đối với việc giáo dục đạo đức... cho mỗi người dân.

Ngoài ra, xứ Kinh kỳ còn nổi tiếng với ba mươi sáu phố phường với các con phố cổ rêu phong, những con ngách len lỏi giữa các con đường lớn. Tất cả các ngôi nhà được xây theo kiểu nhà ống, bề ngang hẹp nhưng chiều dài sâu, khiến cho các ngôi nhà đều ở vị trí rất sát nhau. Nhà ở phố cổ thường sơn vàng mang vẻ đẹp của một thời xưa, điểm xuyết trong những ngõ nhỏ yên bình. Đó luôn là những con phố thân thương, gần gũi với người dân Hà Nội, dẫu đi qua bao nhiêu thế hệ đi chăng nữa.

Thời kỳ lịch sử cũng đã để lại cho Hà Nội rất nhiều các công trình kiến trúc lớn như Nhà hát Lớn, Khách sạn Sofitel Metropole, “nhà trăm mái” trụ sở Bộ Ngoại giao, Chợ Đồng Xuân, Tháp nước Hàng Đậu,…

Không chỉ có những dấu ấn từ những ngày xưa cũ, Hà Nội còn có những nét đẹp ngay trong cả các công trình hiện đại. Cũng nhờ nền văn hóa lâu đời và phong phú, Hà Nội ngày nay có cho mình những dấu ấn rất riêng trong kiến trúc. Điển hình như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Sân vận động Mỹ Đình, Lotte Centre, cầu Nhật Tân,...

Hà Nội - Thủ đô của đất nước Việt Nam, với nền văn hóa đặc sắc, mang đậm âm hưởng của khu vực Đông Nam Á, đã ghi dấu ấn trong lòng người dân bản địa lẫn những vị khách ghé thăm qua vẻ đẹp ấn tượng lại khó phai. Là trung tâm văn hóa và chính trị của cả nước, Hà Nội là nơi tập trung nhiều địa điểm văn hóa giải trí và công trình quan trọng. Quả thật là một điều tuyệt vời khi Hà Nội vẫn luôn có thể giữ vững các giá trị văn hóa, truyền thống bao đời.

Đến với Hà Nội, ai rồi cũng sẽ cảm nhận được sự nhộn nhịp của cuộc sống, sự đa dạng trong ẩm thực cùng bề dày văn hóa, lịch sử và sự thân thiện của con người. Từ những ngõ ngách trong Thành phố, những quán sá vỉa hè với những món ẩm thực địa phương phong phú, hay cách người Hà Nội sử dụng phương tiện giao thông cũng trở thành những ấn tượng khó quên trong lòng du khách khi đến với Thành phố này.

Danh lam thắng cảnh của Hà Nội kể bao nhiêu cũng không hết, bởi chỉ khi trực tiếp trải nghiệm mới có thể cảm nhận được vẻ đẹp cổ kính người ta hay nói đến mỗi khi nhắc tới Hà Nội. Và tôi tin rằng, cốt cách của con người Hà Nội cũng đẹp như vậy. Mong rằng mỗi con người Thủ đô đều ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với việc trân trọng và gìn giữ những nét đẹp quý báu của nơi mình đang sống.

Đinh Bảo Anh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ha-noi-den-de-yeu-154130.html