Hà Nội: Đến năm 2025 sẽ khắc phục tình trạng thiếu trường học
UBND TP. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu cơ sở vật chất của các trường THPT công lập trên địa bàn.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội 2020-2025 đề ra mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045 có nêu “Tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia: 80-85%”.
Với tiêu chí về lớp học nêu trên, các trường muốn phấn đấu “chuẩn quốc gia” không thể tuyển quá chỉ tiêu. Trong bối cảnh thiếu trường lớp học, giáo dục Hà Nội đang phải loay hoay giữa cùng lúc làm thế nào để đủ trường, lớp học vừa tiến tới mục tiêu "chuẩn quốc gia".
Chia sẻ về thực trạng thiếu trường học trên địa bàn Hà Nội hiện nay tại Hội nghị Tổng kết năm học 2022-2023 mới đây do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, Thủ đô có hơn 2,2 triệu học sinh, nhiều nhất cả nước và đang gặp sức ép lớn về việc dân số cơ học tăng nhanh. Mỗi năm, Hà Nội tăng khoảng 50.000 - 60.000 học sinh, tương ứng với 30 - 40 trường học. Nội thành “không còn đất”, việc xây trường mới ở ngoại thành cũng cần thời gian.
Trong khi đó, theo Thông tư 18 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để đạt chuẩn quốc gia, các trường phải đạt diện tích tối thiểu 6m2/học sinh (áp dụng với nội thành) và 10m2/học sinh (ngoại thành). Diện tích khu sân chơi, bãi tập chiếm ít nhất 25% tổng diện tích sử dụng của trường.
Bà Hà kiến nghị, Hà Nội được hưởng cơ chế đặc thù, gồm thay đổi tiêu chí đánh giá từ diện tích đất/học sinh sang diện tích sàn/học sinh; các trường trong khu vực nội thành được nâng tầng và xây thêm tầng hầm. Việc này để khai thác, sử dụng quỹ đất hiệu quả hơn, đáp ứng số lượng lớn học sinh.
Theo các quy định hiện nay, trường học ở Hà Nội xây dựng không quá 5 tầng. Trong đó, phòng học chỉ được phép bố trí từ tầng 4 trở xuống. Tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội trước đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn ủng hộ việc trường học ở Hà Nội xây cao hơn để có thêm chỗ cho học sinh.
Ông Sơn cho biết, hiện Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp để sửa quy định liên quan, tạo hành lang pháp lý để các trường cải thiện cơ sở vật chất. Tuy nhiên, ông Sơn nhấn mạnh làm gì cũng phải đảm bảo không gian và an toàn.
Mới đây, ngày 6/9, đoàn khảo sát của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đã làm việc với quận Hoàng Mai công tác tuyển sinh đầu cấp; xây dựng, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia và việc cải tạo, xây dựng mới trường mầm non, phổ thông của thành phố trên địa bàn quận.
Theo ông Võ Xuân Trọng - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, áp lực dân số tăng nhanh (năm 2004 quận có 18,7 vạn dân nhưng đến năm 2023 có trên 70 vạn dân), dẫn đến quá tải hệ thống giáo dục trên địa bàn quận. Trung bình mỗi năm tăng 4.000 học sinh, cơ sở vật chất của một số trường không đáp ứng kịp, lại thiếu quỹ đất để mở rộng trường học công lập, nên việc công nhận trường chuẩn quốc gia rất khó khăn. Hiện nay, mới có 41/59 trường công lập đạt chuẩn quốc gia.
Số phòng học không tăng theo kịp so với yêu cầu dẫn đến số học sinh/lớp tăng cao, trẻ trong độ tuổi nhà trẻ vào trường mầm non công lập đạt tỷ lệ thấp, học sinh tiểu học phải học luân phiên vào thứ 7 mới đảm bảo học 2 buổi/ngày tại quận Hoàng Mai. Đáng lưu ý, trên địa bàn quận có 19 khu đô thị có 68 ô đất quy hoạch trường học, nhưng số các ô quy hoạch trường học chưa được đầu tư xây dựng theo đúng tiến độ.
Trước những khó khăn trên, quận Hoàng Mai đề nghị Thành phố Hà Nội xem xét điều chỉnh quy hoạch các ô đất xây dựng trường học phù hợp để công tác giải phóng mặt bằng được thuận lợi. Khi thành phố phê duyệt quy hoạch các dự án, các khu đô thị, cần quy định tỷ lệ trường công lập để tránh khó khăn cho nhân dân trên địa bàn, mặt khác, đề nghị thành phố cho phép nâng thêm tầng cao.
Quận cũng đề nghị các chủ đầu tư khi triển khai các dự án mới cần có cam kết xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng các trường học, đồng thời, khi xây dựng chung cư đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trong khu dự án, tránh gây quá tải, áp lực cho các trường công lập trên địa bàn.
Để tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu thiếu trường học trên địa bàn Thủ đô hiện nay, Kế hoạch số 139 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội nêu cụ thể về đầu tư xây dựng, cải tạo các trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, trong giai đoạn 2021-2025 nhu cầu đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đào tạo là: 51.294 tỷ đồng với 1.649 dự án.
Theo báo cáo mới nhất từ Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội, thành phố hiện đang triển khai 514 dự án trường học, trong đó hơn 490 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư. Nếu các dự án trường học này hoàn thành sớm sẽ giảm áp lực quá tải trường công lập, nhất là đối với trường cấp 3 như hiện nay. Các quận, huyện sẽ phải tiếp tục rà soát các dự án chậm triển khai, cương quyết thu hồi các dự án đã hết thời hạn đầu tư, cho chuyển đổi quy hoạch làm trường học.
Thống kê của Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội cho thấy, năm học 2023-2024, số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh ở các lớp đầu cấp đều tăng mạnh so với năm học 2022-2023, đặc biệt là học sinh lớp 6. Theo đó, học sinh lớp 6 tăng xấp xỉ 38.000 em, học sinh lớp 1 tăng khoảng 11.600 em, học sinh lớp 10 tăng khoảng 1.000 em.