Hà Nội đẹp như trong cổ tích qua bộ tiểu họa đặc biệt của họa sĩ Ngọc Linh
Họa sĩ Ngọc Linh (Vi Văn Bích) thuộc thế hệ mỹ thuật kháng chiến, là họa sĩ thiết kế cho 25 bộ phim nổi tiếng của điện ảnh cách mạng và ghi dấu ấn với nhiều triển lãm, nhất là triển lãm về Hà Nội. Ở tuổi 93, ông có một bất ngờ thú vị dành cho người yêu hội họa khi 'trình làng' tập sách hội họa đặc biệt 'Hà Nội tôi yêu', vào ngày 5/10, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Hà Nội.
“Hà Nội tôi yêu” không chỉ là cuốn sách đặc biệt với riêng lão họa sĩ mà còn là cuốn sách đặc biệt với nhiều người trong giới. Sách tập hợp gần 140 tranh sơn dầu mini về Hà Nội được họa sĩ Ngọc Linh sáng tác từ năm 1991, khi ông ở tuổi 60.
Ông cho biết, hồi ấy, cháu ngoại Nguyễn Ngọc Anh mới 7 tuổi, quen mẹ của bạn bán xổ số tiết kiệm, xin mấy tấm vé mang về. Vé số in trên giấy lụa, cỡ 7x10cm, một mặt in hình các thiếu nữ đẹp của Hà Nội. Nhìn thấy giấy lụa, ông quá thích, nên nhờ cháu xin cho 100 tờ rồi đóng thành quyển vẽ, đạp xe quanh phố, thấy chỗ nào yêu mến thì vẽ chơi. Ông vẽ trực họa bằng sơn dầu.
Kết quả, gần 140 tác phẩm tranh phong cảnh, phố xá Hà Nội được ra đời. Loạt tranh này chính là nguồn hứng khởi sâu đậm và là tư liệu độc đáo để ông sáng tác hơn 160 bức tranh phái sinh với nhiều kích cỡ và chất liệu khác nhau cho cuộc triển lãm “Hà Nội tôi yêu” năm 1995. Cuốn sách này giống như một triển lãm cho bộ tiểu họa gốc, mà người xem có thể lưu giữ để thưởng thức ở bất kỳ đâu, theo ý mình.
Chia sẻ về bộ sách và những tác phẩm gốc được trưng bày tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, nhà điêu khắc, NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho biết, đây là các tác phẩm đầy thi vị về Hà Nội. Trước đây, nếu người yêu hội họa từng có một Hà Nội thâm trầm, cổ kính trong tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái, thì đến nay, với bộ tiểu họa “Hà Nội tôi yêu” của họa sĩ Ngọc Linh, chúng ta có một Hà Nội khác – một Hà Nội vẫn đẹp, cổ kính nhưng vẫn đầy tươi mới, trẻ trung, trong sáng.
Họa sĩ Trịnh Lữ cũng cho rằng, người xem không cần phải hiểu biết về hội họa cũng sẽ xúc động trước những bức tiểu họa lạ lùng này. Vì chúng có vẻ đẹp ngây thơ mà sâu nặng, trong sáng mà thâm trầm, kỹ lưỡng mà phóng khoáng, với nhiều bất ngờ. Ví dụ như đúng là chợ Đồng Xuân mà lại như đền đài; tháp Hòa Phong thì “chạy sang đường”, đứng ngay cạnh Bách hóa Tổng hợp..., nhưng chả chướng tí nào. Riêng với cá nhân họa sĩ Trịnh Lữ thì bộ tiểu họa này là tiêu biểu nhất cho phong cách “dân gian đương đại” của họa sĩ Ngọc Linh – phong cách vẽ không bác học, mà đậm chất dân gian. Ngay từ hồi thiếu niên theo học Mỹ thuật khóa kháng chiến, danh họa Tô Ngọc Vân – người thầy đáng kính của họa sĩ Ngọc Linh và nhiều họa sĩ thế hệ kháng chiến cùng thời với ông đã nhận ra tư chất quý hiếm ấy, và đặc cách không gò ép họa sĩ vào khuôn phép kinh viện nên mới có họa sĩ Ngọc Linh một mình một kiểu và người yêu hội họa có dịp khám phá một Hà Nội đẹp như cổ tích như hiện nay.
Có một chi tiết khá đặc biệt là trong tổng số gần 140 tác phẩm hội họa mini của họa sĩ Ngọc Linh về Hà Nội thì có đến 80 tác phẩm vẽ trong quận Hoàn Kiếm. Họa sĩ Ngọc Linh được coi là “giai phố cổ” nhưng ông lại là người Tày và cũng thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt. Ông là cháu nội của Tổng đốc Hà Đông Vi Văn Định. Ngọc Linh là bí danh ông dùng khi đi theo cách mạng. Sau khi theo học lớp mỹ thuật kháng chiến do họa sĩ Tô Ngọc Vân đích thân giảng dạy, ông về công tác tại Xưởng Phim truyện Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu.
Với điện ảnh, ông ghi dấu ấn với vai trò họa sĩ thiết kế cho nhiều bộ phim nổi tiếng, trong đó có “Vợ chồng A Phủ”, “Chung một dòng sông”, “Sao tháng Tám”… Ngoài ra, ông còn tham gia thiết kế nhiều vở Chèo, Kịch nói, Nhạc kịch nổi tiếng, trong đó có tác phẩm “Cô Sao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Họa sĩ Ngọc Linh cũng từng tổ chức thành công 11 triển lãm, trong đó có nhiều triển lãm tại Hà Nội và về Hà Nội. Lão họa sĩ còn cho biết, ông dự định sẽ tổ chức một triển lãm khác vào năm 2024, đúng dịp sinh nhật tuổi 95 (tính theo âm lịch).
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, bà Trần Việt Hoa còn cho biết, họa sĩ Ngọc Linh là học trò của họa sĩ Bùi Trang Chước – tác giả của Quốc huy Việt Nam, 1 trong 2 bảo vật quốc gia đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Họa sĩ Ngọc Linh cũng là người đã dành nhiều tâm huyết để trả lại tên tác giả Quốc huy Việt Nam cho người thầy của mình.
Cũng theo bà Trần Việt Hoa, hiện nay, có khoảng 200 văn nghệ sĩ nổi tiếng đang tin cậy gửi Trung tâm bảo quản các tư liệu gốc của bản thân, trong đó có nhiều tư liệu gốc của họa sĩ Bùi Trang Chước và họa sĩ Ngọc Linh. Các tác phẩm gốc bộ tiểu họa “Hà Nội tôi yêu” nói trên nằm trong khối tài liệu này. Việc trung tâm phối hợp với gia đình họa sĩ Ngọc Linh tổ chức ra mắt sách, trưng bày tác phẩm hội họa “Hà Nội tôi yêu” là một trong những hoạt động nhằm phát huy giá trị khối tài liệu và trung tâm sẽ còn nhiều hoạt động khác tương tự trong thời gian tới.