Hà Nội: Điểm chuẩn vào 10 chỉ hơn 3 điểm/môn, hiệu trưởng lý giải nguyên nhân
Hiệu trưởng một số trường trung học phổ thông tại Hà Nội lý giải nguyên nhân lấy điểm chuẩn vào lớp 10 thấp chỉ từ 10 điểm ba môn.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập không chuyên năm học 2025-2026.
Đây là năm đầu tiên các thí sinh dự thi vào lớp 10 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với ba môn gồm Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ. Khác với các năm trước khi điểm Toán và Ngữ văn nhân hệ số 2, năm nay, 3 môn thi năm nay đều hệ số 1, tổng điểm tính theo thang 30.
Theo danh sách công bố, có 6 trường lấy điểm chuẩn là 10, trung bình hơn 3,3 điểm/môn (Trung học phổ thông: Minh Quang, Thọ Xuân, Bắc Lương Sơn, Đại Cường, Lưu Hoàng, Ứng Hòa B).

Điểm chuẩn vào lớp 10 năm học 2025-2026 của một số trường Trung học phổ thông tại Hà Nội. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội
Điểm chuẩn thấp vì đặc thù địa bàn
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hoàng Chí Sỹ - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lưu Hoàng lý giải việc điểm chuẩn vào lớp 10 của trường ở mức thấp do đặc thù dân cư tại khu vực, điều này không bất ngờ và đã được lường trước từ nhiều năm.
Theo đó, Trường Trung học phổ thông Lưu Hoàng nằm khu vực phía Nam huyện Ứng Hòa (cũ), nơi có đặc thù dân cư thưa thớt, số lượng học sinh ít trong khi số lượng trường trung học phổ thông lại tăng lên.
Đáng chú ý, nhiều phụ huynh trong khu vực thường làm ăn xa hoặc sinh sống tại nội thành, kéo theo con em đi theo, khiến lượng học sinh còn lại trên địa bàn cũng giảm đi.
Vì vậy, mức điểm chuẩn đầu vào ở đây thường thấp và duy trì ở mức tương đương qua các năm - dao động quanh ngưỡng hơn 3 điểm mỗi môn.

Thầy Hoàng Chí Sỹ - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lưu Hoàng. Ảnh: NVCC
“Thực tế cho thấy các trường trong khu vực như Trường Trung học phổ thông Lưu Hoàng thường thiếu chỉ tiêu so với nhu cầu, nên vẫn có thể tuyển đủ học sinh thông qua các nguyện vọng bổ sung (nguyện vọng 2, nguyện vọng 3).
Việc điểm chuẩn thấp không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý lựa chọn trường của phụ huynh và học sinh, bởi họ vẫn đặt niềm tin vào chất lượng giảng dạy và thành quả học tập mà nhà trường đã và đang xây dựng qua nhiều năm.
Trong bối cảnh số lượng học sinh có xu hướng giảm, nhà trường vẫn duy trì được sức hút tuyển sinh nhờ việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể phong phú để tạo môi trường học tập thân thiện, hấp dẫn”, thầy Sỹ khẳng định.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, thầy Nguyễn Mạnh Quyền - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đại Cường cho rằng điểm chuẩn vào 10 của trường ảnh hưởng bởi một số nguyên nhân, dù thấp nhưng chưa hẳn phản ánh chất lượng thực sự.
“Ngoài Trường Trung học phổ thông Đại Cường, toàn thành phố Hà Nội cũng có một số trường khác có mức điểm chuẩn thấp tương tự. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do năm nay thay đổi cách tính điểm, các môn Toán và Ngữ văn không còn được nhân hệ số 2, dẫn đến tổng điểm tối đa chỉ còn 30 điểm.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho nhiều trường, trong khi số lượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tại địa phương lại không tăng, khiến nguồn tuyển trở nên hạn chế.
Dù lấy điểm chuẩn là 10 điểm nhưng thực tế thí sinh trúng tuyển vào 10 điểm cao nhất trường chúng tôi năm nay là 27,5 điểm. Đầu vào có những em 27,5 điểm, 27,25 điểm rồi 27 điểm. Số lượng từ 20 điểm trở lên thì chúng tôi có khoảng độ 70 học sinh ở nguyện vọng 1.
Nhà trường cũng tuyển sinh đồng thời cả nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3, mỗi nguyện vọng thì phải chênh thêm một điểm nữa”, thầy Quyền cho biết.
Cũng theo thầy Quyền, một khó khăn thực tế là nguồn tuyển tại địa phương không còn dồi dào khi số lượng học sinh ít nhưng lại có nhiều cơ sở giáo dục. Năm 2024, Trường Trung học phổ thông Đại Cường được giao chỉ tiêu tuyển sinh 450 học sinh lớp 10, nhưng chỉ có 294 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1.
Vì vậy, nhà trường phải trông chờ thêm vào học sinh từ nguyện vọng 2, 3 - không chỉ trong huyện mà còn từ các khu vực khác như Thường Tín, Hoàng Mai, Thạch Bàn, Gia Lâm…
Để thu hút học sinh từ những địa bàn xa hơn, nhà trường hiểu rằng điều kiện tiên quyết là phải duy trì chất lượng giảng dạy, xây dựng hình ảnh một ngôi trường có môi trường học tập tốt, đội ngũ giáo viên ổn định, tận tâm và đầu ra đáng tin cậy.
Đồng quan điểm, thầy Lê Khánh Toàn - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Lâm Nghiệp, Trường Đại học Lâm Nghiệp, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do yếu tố địa lý.
Ví dụ, tại các trường thuộc khu vực miền núi như trường Trung học phổ thông Minh Quang (Ba Vì) hay một số trường thuộc khu vực Thạch Thất, mật độ dân cư thưa thớt, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn khiến việc tuyển sinh gặp nhiều trở ngại.
Bên cạnh đó, việc thay đổi cách tính điểm xét tuyển năm nay cũng có những tác động nhất định. Ba môn thi - Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh đều tính hệ số một, học sinh buộc phải phân bổ thời gian học đều hơn, thay vì tập trung vào hai môn Toán và Ngữ văn được nhân đôi hệ số như trước đây.
Điều này tạo ra lợi thế cho những học sinh được đầu tư bài bản về môn Tiếng Anh, nhất là tại các khu vực thành thị. Ngược lại, ở những nơi chưa chú trọng đến việc học tiếng Anh thì sự thay đổi này có thể gây bất lợi.
Triển khai nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng dạy và học
Trước thực tế điểm đầu vào khiêm tốn, Trường trung học phổ thông Lưu Hoàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng lộ trình bồi dưỡng rõ ràng cho học sinh lớp 10, kéo dài đến lớp 12, nhằm củng cố kiến thức và rèn luyện kỹ năng học tập.
Với tinh thần ấy, dù điểm đầu vào thấp, nhưng trong nhiều năm qua, nhà trường vẫn đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%, nhiều học sinh đỗ đại học với điểm số trên 27. Đây là kết quả từ sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ giáo viên, học sinh và sự đồng hành sát sao của phụ huynh.
Bên cạnh đó, công tác phân luồng sau tốt nghiệp cũng được nhà trường quan tâm. Những học sinh có học lực tốt sẽ được định hướng thi vào các trường đại học, trong khi nhóm khác được hướng dẫn chọn học nghề phù hợp. Chính điều này giúp học sinh và phụ huynh yên tâm hơn trong việc lựa chọn trường dù điểm chuẩn đầu vào không cao.
Về lâu dài, nhà trường xác định phải đầu tư đồng bộ cả về chuyên môn và điều kiện vật chất: nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ học tập, đồng thời thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội như "kiềng ba chân" vững chắc trong quản lý và giáo dục học sinh.

Khuôn viên trường Trung học phổ thông Lưu Hoàng. Ảnh: NTCC
Trong khi đó, điểm chuẩn đầu vào năm học 2025-2026 của Trường trung học phổ thông Lâm Nghiệp là 14 điểm - được xem là mức trung bình, tương đương với các trường công lập như Trường Trung học phổ thông Chương Mỹ B hay Trường Trung học phổ thông Đông Quan, Trường trung học phổ thông Lý Tử Tân,...
Với chất lượng đầu vào này, Trường trung học phổ thông Lâm Nghiệp xác định cần siết chặt đầu ra để đảm bảo chất lượng đào tạo. Đồng thời, nhà trường cũng tăng cường các hoạt động kiểm tra, đánh giá để phản ánh đúng thực chất năng lực học sinh.
“Nhà trường cũng đã tính đến nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đầu vào và chuẩn bị hành trang tốt nhất cho học sinh sau khi tốt nghiệp. Dù vậy, trong vài năm tới, việc cải thiện chất lượng đầu vào vẫn còn là một thách thức lớn.
Nguyên nhân là do mức độ cạnh tranh ở khu vực ngoại thành chưa cao, và sự quan tâm của phụ huynh đến việc học của con cái còn hạn chế hơn so với các khu vực nội thành.
Vì vậy, nhà trường vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu giáo dục đại trà làm trọng tâm, đồng thời chú trọng phát hiện và bồi dưỡng những học sinh có năng lực nổi trội theo định hướng giáo dục mũi nhọn.
Việc duy trì kỷ luật học tập, nâng cao chất lượng kiểm tra đánh giá, tăng cường các môn học thiết yếu và định hướng rõ ràng cho từng nhóm đối tượng học sinh là những giải pháp mà nhà trường đang thực hiện để nâng cao hiệu quả giáo dục trong bối cảnh còn nhiều khó khăn”, thầy Toàn chia sẻ.
Đối với trung học phổ thông Đại Cường, sau khi hoàn tất tuyển sinh, nhà trường tổ chức các buổi tư vấn nhằm giúp học sinh lựa chọn tổ hợp môn học sát với năng lực, đồng thời bố trí đội ngũ giáo viên phù hợp cho từng nhóm đối tượng học sinh.
Với các học sinh có lực học trung bình hoặc yếu, trường có kế hoạch bồi dưỡng miễn phí từ sớm ngay sau khi năm học bắt đầu. Dù không tổ chức dạy thêm theo Thông tư 29, nhưng nhà trường vẫn cam kết có chính sách hỗ trợ học sinh yếu dưới hình thức phụ đạo ngoài giờ chính khóa.
Đó là cách để từng bước nâng mặt bằng học lực, không để học sinh bị tụt lại phía sau. Nhờ những nỗ lực đó, tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông của trường luôn duy trì ở mức cao: năm gần nhất đạt 100%, còn các năm trước đó cũng luôn từ 97% trở lên.
Ngoài ra, để nâng cao sức cạnh tranh trong tuyển sinh và thu hút học sinh, trường chú trọng đầu tư cả về môi trường học tập lẫn cơ sở vật chất. Hiện tại, tất cả các lớp học đều được trang bị máy chiếu hoặc màn hình hiện đại.
Nhà trường cũng đặc biệt quan tâm đến việc tạo dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, giúp học sinh có cảm giác yên tâm, gắn bó.
Song song với hoạt động chuyên môn, trường tổ chức nhiều câu lạc bộ, hoạt động đoàn thể. Về phía giáo viên, nhà trường có chính sách thi đua - khen thưởng rõ ràng để khích lệ đội ngũ: giáo viên có lớp đạt tốt nghiệp 100%, có học sinh giỏi, hoặc có điểm thi tốt nghiệp cao sẽ được động viên xứng đáng.
Mặc dù vậy, để đảm bảo chất lượng giáo dục, nhà trường đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ngay từ đầu năm học. Trường tiến hành phân loại học sinh thành các nhóm lớp phù hợp với năng lực và nguyện vọng học tập, chẳng hạn theo định hướng các khối A, C, D…, thay vì chia lớp theo mô hình “lớp chọn” truyền thống.
Trong các năm tới, nhà trường đặt ra mục tiêu cải thiện chất lượng đầu vào và đảm bảo đầu ra vững vàng cho học sinh - không chỉ đủ khả năng tốt nghiệp mà còn có thể học tiếp lên bậc cao hơn.
Để làm được điều này, Trường trung học phổ thông Đại Cường xác định ba yếu tố then chốt: cơ sở vật chất, môi trường giáo dục tích cực, và chính sách động viên - hỗ trợ hợp lý đối với cả giáo viên lẫn học sinh.