Vì sao điểm chuẩn lớp 10 công lập Hà Nội 2025 'hạ nhiệt'?
Sở GD&ĐT Hà Nội đã chính thức công bố điểm chuẩn lớp 10 THPT công lập năm 2025. Đáng nói là, phần lớn các trường đều ghi nhận xu hướng giảm đáng kể. Sự 'hạ nhiệt' này được lý giải bởi nhiều yếu tố.
Nguyên nhân điểm chuẩn lớp 10 năm 2025 thay đổi
Theo số liệu, có tới 95 trên tổng số 115 trường THPT công lập ghi nhận mức điểm chuẩn thấp hơn năm ngoái. Điều này được lý giải bởi sự sụt giảm hơn 5.000 học sinh dự thi, trong khi tổng chỉ tiêu lớp 10 lại tăng gần 5.000, tạo nên một sự dịch chuyển đáng kể trong bức tranh tuyển sinh.
Mặc dù điểm chuẩn chung có xu hướng giảm, các trường tốp đầu ở khu vực trung tâm, nơi có mật độ dân số cao và ít trường học, vẫn giữ mức khá cao. Điển hình, Trường THPT Kim Liên và THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông dẫn đầu với 25,5 điểm. Với công thức xét tuyển mới, thí sinh cần đạt trung bình 8,5 điểm/môn mới có thể trúng tuyển vào những trường này.
Ngay sau đó là Trường THPT Việt Đức và THPT Phan Đình Phùng với 25,25 điểm, đòi hỏi thí sinh đạt trung bình 8,41 điểm/môn. Các trường như THPT Nguyễn Gia Thiều, THPT Yên Hòa, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Thăng Long cũng nằm trong nhóm điểm cao.
Ngược lại, các trường ở ngoại thành Hà Nội như THPT Minh Quang, THPT Thọ Xuân, THPT Bắc Lương Sơn, THPT Đại Cường, THPT Lưu Hoàng, THPT Ứng Hòa B có điểm chuẩn thấp nhất. Thí sinh chỉ cần tổng điểm 3 môn đạt 10, tức trung bình hơn 3 điểm/môn, là đã có thể trúng tuyển, cho thấy sự chênh lệch rõ rệt giữa các khu vực.

Thí sinh dự thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2025.
Trao đổi về lý do điểm chuẩn giảm, ông Đoàn Minh Châu - Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Phương chia sẻ: "Điểm chuẩn một số trường thấp hơn so với năm học trước chủ yếu do chỉ tiêu tăng đáng kể. Chẳng hạn, Trường THPT Xuân Phương năm nay tuyển 17 lớp, tăng 2 lớp so với năm trước, dẫn đến điểm chuẩn giảm 0,8 điểm, còn 20 điểm".
Phân tích sâu hơn, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định việc điểm chuẩn giảm là điều đã được dự báo. Ông chỉ ra hai nguyên nhân chính: đề thi năm nay ở mức cơ bản, không đánh đố học sinh, và đặc biệt là sự thay đổi trong cách tính điểm trúng tuyển – không còn nhân đôi điểm môn Toán và Ngữ văn.
Ngoài ra, thành phố đã đầu tư xây dựng thêm trường học, phòng học mới, giúp chỉ tiêu tuyển sinh tăng từ 61% năm ngoái lên 64% trong năm nay. Sự đa dạng của các hệ thống giáo dục như giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp cũng mang đến nhiều lựa chọn hơn cho học sinh. Dự kiến trong vài tháng tới, ba trường THPT mới sẽ hoàn thiện và đi vào hoạt động tại các khu vực nóng về tuyển sinh như Hoàng Mai, Cầu Giấy, Đông Anh, bổ sung khoảng 1.500 chỉ tiêu vào lớp 10.
Lý giải sâu hơn về điểm chuẩn thi vào lớp 10 năm nay thấp hơn năm ngoái, ông Nghiêm Văn Bình – Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Hà Nội) đã đưa ra những phân tích cụ thể:
Thứ nhất, cách tính điểm xét tuyển năm nay đã thay đổi, không nhân đôi điểm Toán và Ngữ văn như các năm trước. Việc này kéo tổng điểm tối đa từ 50 xuống còn 30, nên điểm chuẩn giảm là điều dễ hiểu.
Thứ hai, đề thi năm nay thiết kế theo hướng đánh giá năng lực, gắn với yêu cầu của Chương trình GDPT mới. Đề thi có độ phân hóa vừa phải, giúp học sinh trung bình làm bài tốt hơn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến phổ điểm "dịu" hơn, góp phần giảm điểm chuẩn ở nhiều trường.
Thứ ba, học sinh năm nay là lứa đầu tiên học hoàn toàn theo Chương trình GDPT 2018, với nhiều đổi mới về phương pháp học, kiểm tra và chuẩn đầu ra. Do đó, biến động điểm số không hoàn toàn nói lên chất lượng dạy học, mà phản ánh quá trình chuyển đổi của hệ thống giáo dục.
Ngoài ra, số lượng chỉ tiêu tuyển sinh tăng mạnh cũng ảnh hưởng. Năm nay, hệ thống các trường THPT công lập không chuyên Hà Nội có gần 76.000 chỉ tiêu, tăng gần 5.000 chỉ tiêu so với năm trước. Một số trường được giao tăng chỉ tiêu, làm giảm tỷ lệ chọi, kéo điểm chuẩn hạ.
Góc nhìn từ giáo viên
Cùng chung nhận định về những thay đổi tích cực này, cô Nguyễn Thu Huệ - giáo viên dạy Toán cấp THCS tại Hà Nội chia sẻ từ góc độ người trực tiếp đứng lớp: "Với đề thi không quá đánh đố và cách tính điểm mới, chúng tôi thấy học sinh bớt áp lực hơn rất nhiều.
Việc không nhân đôi điểm Văn, Toán cũng giúp các em cân bằng hơn trong việc học các môn, không còn quá chú trọng vào hai môn này để "vượt vũ môn". Điều này cũng thúc đẩy giáo viên chuyển dịch sang việc rèn luyện năng lực toàn diện cho học sinh, thay vì chỉ "luyện gà chọi" cho các bài thi điểm số đơn thuần".