Hà Nội đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh dịch Covid-19
Sáng nay, 19-10, Thành ủy - UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị 'Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố trong bối cảnh dịch Covid-19'. Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội dự, phát biểu khai mạc hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.
Dự hội nghị, về phía các cơ quan trung ương có các đồng chí: Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế; Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và đại diện Bộ Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan; đại diện Đại sứ quán Singapore, Mỹ, Pháp, Anh, Đức; hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Eurocham và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trên địa bàn.
Về phía Hà Nội dự hội nghị còn có các đồng chí: Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố...
Hà Nội là điểm đến an toàn, hấp dẫn, ổn định cho các doanh nghiệp
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, với mong muốn thu hút nhiều nguồn lực đầu tư vào Thủ đô, chính quyền thành phố Hà Nội đã và đang tập trung tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố đã thu hút được 6.625 dự án đầu tư nước ngoài đang còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký vào khoảng 48,7 tỷ USD.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị.
Trong năm 2018 và năm 2019, thành phố Hà Nội đã dẫn đầu trên cả nước về thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, với số vốn tương ứng là 7,5 tỷ USD và 8,67 tỷ USD; Năm 2020, thành phố Hà Nội đứng thứ 3 trên cả nước với số vốn là 3,83 tỷ USD;
Trong 9 tháng năm 2021, mặc dù Hà Nội chịu nhiều tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng, lạc quan với môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố, đã đầu tư vào Hà Nội với số vốn đăng ký là 1,28 tỷ USD; qua đó đã đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế xã hội chung của thành phố, với khoảng 10% tổng thu ngân sách, 12,6% vốn đầu tư phát triển, 30% tổng việc làm và 45% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả thành phố.
Đây là một minh chứng vững chắc về môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố Hà Nội, và là điểm đến an toàn, hấp dẫn, ổn định cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài…
Cùng với các địa phương trên cả nước, Hà Nội phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức đặt ra. Trước yêu cầu và bối cảnh đó, chính quyền thành phố Hà Nội đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế; tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm: Phòng, chống dịch từ sớm, từ xa và luôn chuẩn bị các điều kiện, các phương án phòng, chống dịch ở cấp độ cao hơn để tránh bị động, bất ngờ khi gặp tình huống dịch xấu hơn; không lơ là, chủ quan, nóng vội trong mọi tình huống của dịch bệnh.
Đến nay, thành phố Hà Nội cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch và đang từng bước thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch, đưa Hà Nội trở lại trạng thái bình thường mới.
Tổng sản phẩm GRDP của thành phố Hà Nội 9 tháng năm 2021 tuy vẫn tăng trưởng dương 1,28% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn so với kế hoạch đề ra; mặc dù số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 77%, nhưng số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lại giảm 12%, doanh nghiệp giải thể tăng 22%, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp bị đình trệ, một số chuỗi cung ứng hàng hóa tại một số thời điểm nhất định bị gián đoạn; việc giao thương hàng hóa, đi lại của các chuyên gia, các nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức quốc tế cũng gặp nhiều khó khăn và bị xáo trộn bởi đại dịch Covid-19.
Trước tình hình đó, chính quyền thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai đồng bộ ngay các giải pháp: Gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất của năm 2021...
Hiện, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đang xem xét và sẽ sớm ban hành thêm các chính sách miễn thuế, giảm thuế nhằm tiếp tục hỗ trợ khó khăn cho các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Chung sức, đồng lòng phục hồi mạnh mẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh
Các đại biểu dự hội nghị.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, với vai trò và vị thế của Thủ đô, chính quyền thành phố đặt mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố "xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại", xây dựng thành phố thông minh, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực, duy trì tốc độ phát triển nhanh, bền vững và toàn diện.
Để đạt được mục tiêu đó, thành phố Hà Nội sẽ tập trung đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên phát triển ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Phát triển hạ tầng số, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô. Thành phố đẩy mạnh công tác chỉnh trang, phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững; tạo chuyển biến căn bản đối với các vấn đề dân sinh cấp bách về giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, quá tải bệnh viện...
Với tiềm năng, lợi thế và chính sách ưu việt của mình, Thủ đô Hà Nội sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để chào đón và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực đến và đầu tư kinh doanh trên địa bàn Thủ đô. Chính quyền thành phố Hà Nội cam kết sẽ bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.
Hà Nội tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư; tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức thành phố.
Đồng thời, chính quyền thành phố Hà Nội cũng đề nghị các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam; thực hiện đúng, đầy đủ, có chất lượng các dự án đầu tư theo đúng Giấy phép đầu tư và các cam kết của nhà đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm và cầu thị, chính quyền thành phố Hà Nội mong muốn được lắng nghe sự chia sẻ các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài đang gặp phải trên địa bàn thành phố; đặc biệt là những kiến nghị, đề xuất, những sáng kiến, kinh nghiệm để chính quyền thành phố có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy quá trình khôi phục và phát triển kinh tế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn và lành mạnh cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trên địa bàn Thủ đô...
"Chúng tôi tin tưởng, với quyết tâm cao của chính quyền các cấp, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân; cùng ý chí và tinh thần sáng tạo, vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta sẽ sớm vượt qua đại dịch Covid 19, phục hồi mạnh mẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng", Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nói.
Tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị.
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài và hỗ trợ doanh nghiệp 9 tháng, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, 9 tháng năm 2021, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) chỉ tăng được 1,28% so với cùng kỳ, một số nhóm ngành cơ bản vẫn duy trì được tăng trưởng dương như: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3%; Công nghiệp và xây dựng tăng 1,88%; Dịch vụ tăng 0,85%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 2,24%. Thu ngân sách nhà nước đạt 177,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ, đảm bảo cân đối cho chi ngân sách, nhất là chi đầu tư phát triển, phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ ổn định an sinh xã hội. Hệ thống tín dụng, ngân hàng vẫn hoạt động ổn định và hiệu quả.
Thành phố đã triển khai các chính sách an sinh xã hội để kịp thời hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp tạo nền tảng ổn định cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các cấp, các ngành của thành phố đã thực hiện hỗ trợ cho người dân, hộ kinh doanh và các doanh nghiệp trên địa bàn với tổng kinh phí hỗ trợ trên 1.550 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư trong nước 9 tháng đạt 9.650 tỷ đồng, gồm: 12 dự án mới với tổng vốn 1.799 tỷ đồng và 59 dự án tăng vốn 7.852 tỷ đồng. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đạt 17.328 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 232,3 nghìn tỷ đồng; điều đáng mừng là có 8.310 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 77% so với cùng kỳ. Đến hết tháng 9-2021, trên địa bàn thành phố có tổng cộng 318.789 doanh nghiệp. ...
Với tinh thần luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch nhằm biến “nguy” thành “cơ”, Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố luôn coi công tác hỗ trợ doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Thành phố đã ban hành kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; phê duyệt chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hiện nay đang hoàn thiện Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế, tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn.
Với mong muốn và quyết tâm nhanh chóng đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sớm phục hồi và phát triển kinh tế, thành phố đã xây dựng và tập trung các nguồn lực để triển khai 6 nhóm nhiệm vụ trong thời gian tới. Trong đó, thành phố tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 với phương châm: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ tiêm phủ đầy đủ 2 mũi vắc xin cho toàn bộ người dân Thủ đô khi được phân bổ; ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19; Kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, trong các khu, cụm công nghiệp và các địa phương…
Đại diện Eurocham phát biểu tại hội nghị.
Doanh nghiệp mong muốn chủ động hơn về phương án chống dịch
Hội nghị chuyển sang phần đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Eurocham cho biết, Eurocham ấn tượng với tiêm phủ vắc xin tại Việt nói chung và thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội nói riêng. Doanh nghiệp và cộng đồng người nước ngoài tại Việt Nam cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người nước ngoài. Tuy nhiên, tại khối khách sạn, vẫn còn nhân viên chưa được tiêm mũi 2.
Doanh nghiệp vui mừng vì Chính phủ đã ban hành quy tắc thích ứng mới. Song, ở khu vực quy mô nhỏ cấp xã, phường, ngành Y tế có thể đánh giá độ rủi ro ở từng khu vực để doanh nghiệp và người dân biết. Hà Nội đã mở cửa trở lại, doanh nghiệp hy vọng đường bay từ Hà Nội đến các địa phương khác và quốc tế được mở, đồng thời mở cửa trường học để người lao động yên tâm trở lại làm bình thường. Đại diện Eurocham cũng đề xuất, thời gian tới doanh nghiệp được tự chủ hơn hơn về phương án chống dịch, tránh vì 1 ca nhiễm mà đóng cửa toàn bộ nhà máy...
“Chúng tôi tin rằng, đầu tư từ châu Âu sang Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Hà Nội là điểm đến tiềm năng của doanh nghiệp châu Âu. Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung tiếp tục cải cách như năm qua sẽ là điểm đến của dòng FDI chất lượng cao từ doanh nghiệp châu Âu. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với Hà Nội và Việt Nam trong tương lai”, ông Nguyễn Hải Minh nhấn mạnh.
Theo ông Inouce, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) từ thực tiễn thời gian qua, phương án đề xuất được cho là hiệu quả hơn trong trường hợp sau này nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp là không áp dụng biện pháp 3 tại chỗ mà cho phép người lao động có chứng nhận đã tiêm phòng vắc xin từ 1 mũi trở lên hoặc có chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính được phép đi làm từ nhà không liên quan đó là vùng dịch hay không; chỉ yêu cầu xét nghiệm đối với một số lượng người nhất định; gia hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính là khoảng 2 tuần.
Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị.
Ông Inoue mong muốn thành phố thống nhất tiêu chí áp dụng tại những khu vực trên địa bàn và thực hiện thủ tục cấp phép theo các tiêu chí, qua đó đẩy nhanh quy trình hành chính. Trong trường hợp phát sinh ca nhiễm F0 tại nhà máy thì có thể khoanh vùng cho dây chuyền sản xuất trong phạm vi cần thiết tối thiểu.
Liên quan đến nới lỏng quy định vận tải hàng hóa, việc xét nghiệm RT-PCR đối với lái xe chở hàng hóa làm tăng chi phí vận tải. Ngoài ra, khi áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại khu vực có phát hiện ca nhiễm cộng đồng thì các phương tiện vận tải hàng hóa không được đi qua khu vực quận, huyện đó, gây cản trở lớn đến việc cung cấp vật tư, hàng hóa cần thiết phục vụ sản xuất nhu yếu phẩm của nhân dân và hoạt động sản xuất của nhà máy. Hơn thế, biện pháp 3 tại chỗ đối với doanh nghiệp vận tải cũng làm hạn chế nhiều đến số lượng lao động làm việc.
Phương án đề xuất giải quyết cho vấn đề này là nới lỏng tần suất xét nghiệm RT-PCR đối với lái xe chở hàng hóa nếu họ đã tiêm vắc xin, cho phép lưu thông qua cả khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội nằm trên tuyến đường lưu thông có điểm đầu và điểm cuối là địa phương không thuộc diện giãn cách xã hội...
Đại diện Gamuda phát biểu tại hội nghị.
Ở lĩnh vực xây dựng, chủ đầu tư Dự án xây dựng khách sạn cao cấp 5 sao và văn phòng hiện đại tại lô B3CC1 Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây, ông Park Seung Bae, Tổng Giám đốc Công ty TNHH JR22 Việt đề xuất, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên tiến độ thực hiện dự án đã bị chậm lại, gây ra nhiều khó khăn. Đặc biệt, dự án này là một dự án phát triển tiêu biểu, có sự tham gia trực tiếp của nhiều tổ chức tài chính Hàn Quốc, trong đó lần đầu tiên một lượng vốn lớn đã được đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn thành phố Hà Nội giúp đỡ, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục hành chính để dự án được triển khai một cách thành công.
Đại diện Bệnh viện Việt Pháp đánh giá cao việc xử lý dịch bệnh của thành phố. Bệnh viện Việt Pháp cũng đã đầu tư dự án mở rộng quy mô với những công nghệ mới. Tuy nhiên, dịch Covid-19 gây ra những khó khăn trong việc hoàn thiện cấp phép cho dự án đầu tư, cho phép gia hạn để đẩy nhanh quá trình cấp phép và thông qua, nhất là quá trình làm việc với các bộ liên quan để gia hạn giấy phép. Trước tình trạng thiếu chuyên gia để cung cấp những dịch vụ chất lượng cao, bệnh viện mong muốn có giải pháp cấp phép nhanh hơn để các chuyên gia được vào làm việc; ngoài ra, tiếp tục các chính sách gia hạn thuế giúp các doanh nghiệp hồi phục kinh doanh sau đại dịch.
Đại diện Bệnh viện Việt Pháp phát biểu tại hội nghị.
Đại diện Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý, cho biết: "Nhà máy của chúng tôi đi vào hoạt động sẽ xử lý 70% rác thải sinh hoạt của toàn thành phố Hà Nội. Được xây dựng từ tháng 8-2019, dự kiến sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2021, đầu 2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên bị chậm tiến độ. Hiện, nhà máy đang hoàn thiện và nghiệm thu, chúng tôi gặp khó khăn điều chỉnh bổ sung quy hoạch điện, đến nay chưa được Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan phê duyệt, đề nghị Bộ sớm phê duyệt để chúng tôi sớm triển khai đóng điện, đưa nhà máy đi vào vận hành nhằm cùng Hà Nội xử lý các vấn đề về rác thải của thành phố"...
Ngoài ra, một số đại diện doanh nghiệp khác cũng đề nghị rút ngắn thời gian xin cấp phép cho chuyên gia nước ngoài vì hiện nay chuyên gia phải chờ từ 1 đến 2 tháng mới hoàn thiện thủ tục vào làm việc. Cần lập ra một đơn vị giải quyết những khó khăn cho các doanh nghiệp FDI, tránh để doanh nghiệp phải đi đến quá nhiều bộ, sở, ngành mà không biết đơn vị nào sẽ giải quyết; tạo cơ chế về thuế suất, các quy chế được giản đơn, hấp dẫn, dễ kiểm soát, tạo sự cạnh tranh không chỉ trong nước mà cả quốc tế; giảm thuế, miễn thuế nhưng không nên dùng cơ chế giãn thuế vì doanh nghiệp đang đuối sức thì việc giãn thuế không hỗ trợ được doanh nghiệp; khi doanh nghiệp phục hồi có lãi vẫn được áp dụng chính sách miễn, giảm thuế. Phải tạo được niềm tin cho tất cả các doanh nghiệp FDI để mang chất xám phát triển Việt Nam, thành phố Hà Nội.
Đối với chi phí logistics, các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam đối mặt với rất nhiều vấn đề như chồng chéo nhiều chi phí, gây ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu của doanh nghiệp…
Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn phát biểu tại hội nghị.
Lãnh đạo các sở: Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Du lịch và Cục Thuế Hà Nội đã ghi nhận, tiếp thu cũng như giải đáp cụ thể, chi tiết những ý kiến, đóng góp của các doanh nghiệp. Trong đó, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết, trên cơ sở các ý kiến của doanh nghiệp đưa ra, Cục Thuế Hà Nội nghiên cứu, kiến nghị Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính để thời gian tới có giải pháp căn cơ, phù hợp, sát thực tiễn. Dự kiến, trong tháng 11, Cục Thuế Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị với các doanh nghiệp FDI triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trao đổi với các đại biểu tham dự hội nghị.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh trao đổi với các đại biểu dự hội nghị.
Đồng hành cùng Hà Nội giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư
Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đã trả lời cụ thể ý kiến của các doanh nghiệp và việc quản lý lao động người nước ngoài tại Việt Nam, nhập cảnh chuyên gia, gia hạn giấy phép cho lao động nước ngoài.
Theo đó, việc nhập cảnh của các nhà đầu tư và chuyên gia trong bối cảnh dịch bệnh đã được quy định rõ và có cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm xử lý hồ sơ. Việc xử lý nhanh hay chậm tùy thuộc vào các địa phương. Theo quy định mới, giấy phép cho lao động người nước ngoài hết hạn cần được cấp mới, thủ tục đã thuận lợi hơn rất nhiều.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu tại hội nghị.
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, mục tiêu của Chính phủ là bảo vệ tối đa sức khỏe người dân, hạn chế ca mắc và tử vong, khôi phục, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, căn cứ Nghị quyết 128/NQ-CP ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, UBND các tỉnh, thành phố cần bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất từ trung ương đến địa phương, bảo đảm cho các doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa chống dịch tốt. Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, trong đợt dịch thứ 4, khi ca F0 xuất hiện tại phân xưởng nhà máy, chúng ta đã thực hiện theo nguyên tắc chỉ phong tỏa phân xưởng, sàng lọc, phun trùng khử khuẩn, sau 24 giờ, phân xưởng được hoạt động trở lại, chứ không phong tỏa cả nhà máy như các giai đoạn trước.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức đối thoại với doanh nghiệp trong bối cảnh cả nước hướng tới mục tiêu phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới, thể hiện sự tiên phong của Thủ đô, sự quyết tâm của lãnh đạo, chính quyền thành phố trong cải thiện môi trường kinh doanh. Điều này cũng cho thấy sự cải thiện lớn trong tư duy quản lý, từ quản lý doanh nghiệp sang hỗ trợ doanh nghiệp.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết đồng hành cùng Hà Nội để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại hội nghị.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho rằng, dịch Covid-19 vẫn hiện hữu nên phải tiếp tục đặt công tác chống dịch lên hàng đầu. Tuy nhiên, cần có hướng dẫn chống dịch, thích ứng với dịch thật cụ thể để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện. Về phục hồi kinh tế, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dễ tiếp cận, chính sách đủ dài và đủ lớn…
Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến tham gia, chia sẻ trách nhiệm, tâm huyết của cộng đồng doanh nghiệp và các đại biểu dự hội nghị đối với những khó khăn chung mà thành phố và cả nước đang đối mặt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cũng như những đề xuất, kiến nghị đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới. Sau gần 2 tiếng làm việc khẩn trương, hội nghị đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, hiến kế trọng tâm, chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đối với sự phát triển của thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu bế mạc hội nghị.
Tiếp thu, tổng hợp những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, cùng với những đề xuất, kiến nghị đã được giải đáp, hướng dẫn tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh giao các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung triển khai 5 nhóm nhiệm vụ.
Đồng chí Chu Ngọc Anh khẳng định, lãnh đạo thành phố cam kết sẽ luôn đồng hành, kiên trì, quyết liệt để tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn đại dịch Covid-19 nhằm tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới, xây dựng Hà Nội trở thành một Thủ đô thông minh, hiện đại.