Hà Nội đóng góp tích cực vào kết quả thi hành án của cả nước
'Năm 2019, công tác thi hành án dân sự (THADS), theo dõi thi hành án hành chính của TP Hà Nội cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao, đóng góp tích cực vào kết quả thi hành án của cả nước', Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá tại Hội nghị triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác THADS năm 2020 của TP Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh, năm 2019, trong bối cảnh tổng số thụ lý mới về việc và về tiền đều tăng so với năm 2018 (tăng 24.200 việc và tăng trên 65.000 tỷ đồng (tăng 97,14%) nhưng các cơ quan THADS toàn quốc đã thi hành xong trên 579.000 việc (đạt 78,59%), đặc biệt, đã thi hành xong trên 52.715 tỷ đồng (đạt 35,43%), tăng trên 18.207 tỷ đồng (tăng 52,77%).
“Đây là kết quả cao nhất về giá trị từ trước đến nay. Trong những kết quả, thành tích đạt được nêu trên có sự đóng góp tích cực của THADS TP Hà Nội”, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng điểm tnhững kết quả nổi bật trong công tác THADS năm qua của Hà Nội. Đó là: Tổ chức thi hành xong 30.372 việc (đạt 75.53%, vượt 2.53% so với chỉ tiêu của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS giao) tương ứng với số tiền trên 4.328 tỷ đồng, tăng trên 1.156 tỷ đồng (tăng 27%) so với năm 2018; Công tác xác minh, phân loại án, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tiếp tục được chú trọng, bảo đảm chính xác, đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn kinh tế - xã hội của Thủ đô. Đáng chú ý, việc thi hành các vụ việc liên quan đến thu hồi tài sản cho ngân sách Nhà nước, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ án trọng điểm, các vụ việc liên quan đến các khoản nợ của tổ chức tín dụng được tập trung chỉ đạo giải quyết.
Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của Hà Nội, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh lưu ý: Trong thời gian tới, cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội của đất nước, đã và đang đặt ra những khó khăn, thách thức mới cho công tác THADS, dự báo số việc và tiền thụ lý sẽ tiếp tục tăng, nhất là về tiền, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp; yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân đặt ra đối với công tác THADS ngày càng cao…
Thứ trưởng đề nghị, Cục THADS TP Hà Nội khẩn trương triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác THADS ngay từ những ngày đầu năm công tác, phấn đấu nâng cao chất lượng, tỷ lệ THADS đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2020. Trong đó: Tập trung chỉ đạo rà soát, xác minh, phân loại án chính xác, đồng thời, xây dựng kế hoạch cụ thể, từng bước xử lý dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành nhưng còn tồn đọng, kéo dài, các vụ việc bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản; Tiếp tục nâng cao hiệu quả thi hành các khoản thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, các bản án liên quan đến tín dụng ngân hàng…
Đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng đề nghị các cơ quan THADS tập trung rà soát những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn tổ chức thi hành án tại địa phương, đầu tư nghiên cứu, đóng góp chất lượng, hiệu quả cùng Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp tổ chức tổng kết thi hành Luật THADS, làm cơ sở khoa học, thực tiễn cho việc sửa đổi, bổ sung Luật THADS thời gian tới, theo tinh thần “tinh gọn thủ tục, rút ngắn thời gian thi hành án”.
Trước đó, thông tin kết quả năm 2019, Phó Cục trưởng Cục THADS TP Hà Nội – ông Chu Quang Tiến cho biết, năm 2019, công tác THADS của TP Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp có hiệu quả của các ngành hữu quan và sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ công chức nên kết quả THADA có chuyển biến theo hướng tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác THADS của Hà Nội trong năm qua cũng còn những khó khăn, vướng mắc. Số việc, số tiền thụ lý mới, phải thi hành tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm 2018 (số việc thụ lý mới 34.884 việc, tăng 3.718 việc (11%) so với cùng kỳ; số tiền thụ lý mới 18.661.953.078.000 đồng, tăng 4.349.118.626.000 đồng (23%) so với cùng kỳ). Trong đó, số tiền phải thi hành án cho các tổ chức tín dụng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số thụ lý, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ của cơ quan THADS.
Phần lớn tại Cục và Chi cục đều có số lượng việc, tiền tăng cao so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt là án liên quan đến tín dụng ngân hàng số thụ lý tăng 848 việc tương đương trên 7.292 tỷ đồng, nhiều vụ việc phức tạp còn tồn của những năm trước chuyển sang chưa thể giải quyết được. Tài sản kê biên khi bán đấu giá rất khó bán phải giảm giá nhiều lần vẫn không bán được tài sản (có vụ giảm giá lần thứ 20 vẫn không có người tham gia đấu giá).
Một số vụ việc có giá trị thi hành lớn chưa kịp thời giải quyết ảnh hưởng đến chỉ tiêu hoàn thành về tiền như: vụ Hà Văn Thắm (còn phải thi hành án với số tiền trên 1 nghìn tỷ đồng) do Tòa án quận Thanh Xuân đang thụ lý xử lý tranh chấp tài sản chung vợ chồng nên cơ quan Thi hành án phải ra quyết định hoãn thi hành án; vụ Trịnh Khánh Hồng phải bồi thường cho Ngân hàng Nông nghiệp trên 1 nghìn tỷ đồng (vụ Cục mới thụ lý tháng 1-2019) có nhiều tài sản bán đấu giá ở nhiều quận, huyện như Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai. Đến ngày 27-9-2019, chấp hành viên mới bán đấu giá thành tài sản (đang trong thời hạn người mua trúng đấu giá nộp tiền) nên chưa kịp phân loại để giải quyết hồ sơ.
Vụ Giang Kim Đạt số tiền còn phải thi hành trên 200 tỷ đồng, Cục đã xử lý hết tài sản tại Hà Nội, họp liên ngành Trung ương không cho thực hiện việc ủy thác về TP HCM cũng là một trong những nguyên nhân khiến lượng tiền tồn đọng; hay vụ việc liên quan đến Cty SBIC (Ba Đình) với số tiền trên 525 tỷ đồng đang chờ xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương…
Cục trưởng Cục THADS Hà Nội Lê Xuân Hồng cho biết: Năm 2020, Hà Nội sẽ cố gắng hoàn thành chỉ tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2020, nhất là các chỉ tiêu về thi hành về việc và về tiền, trong đó thi hành hiệu quả án kinh tế, tham nhũng. Đặc biệt là những vụ việc có chỉ đạo của các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước và dư luận xã hội quan tâm; các vụ án liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng.
Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật; từng bước khắc phục những tồn tại, yếu kém, sai sót, vi phạm trong thi hành án; từng bước khắc phục khó khăn, hạn chế trong hoạt động thi hành án…