Hà Nội dự kiến xây dựng sân bay thứ 2 ở huyện Ứng Hòa vào năm 2040
Với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Trong đó có nội dung đầu tư xây dựng sân bay thứ hai vào năm 2040, tại huyện Ứng Hòa.
Định hướng sân bay thứ 2
Nội dung trọng tâm của việc điều chỉnh quy hoạch nhằm thống nhất và đồng bộ với nghiên cứu Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự báo các nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới của Thủ đô, nắm bắt các cơ hội phát triển mới, định hướng cho các ngành kinh tế chủ đạo, như: Dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và các lĩnh vực kinh tế trọng tâm của Thủ đô Hà Nội.
Đồ án đưa ra các đề xuất mới về tập trung xây dựng Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm động lực phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia; xây dựng trục sông Hồng là trung tâm hội tụ, điểm nhấn quan trọng của vùng đô thị hóa Đồng bằng sông Hồng; mô hình thành phố trong Thủ đô; sân bay thứ 2 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại phía Nam; phát triển đô thị theo mô hình TOD, cải tạo và tái thiết đô thị; xây dựng hành lang xanh...
Đáng chú ý, sân bay thứ 2 của Thủ đô sẽ đặt tại phía Nam, tại một số xã của huyện Ứng Hòa. Sau khi cơ quan tư vấn chuyên ngành nghiên cứu báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định sẽ công bố vị trí, phạm vi, quy mô cụ thể.
Thời gian dự kiến đầu tư xây dựng sân bay thứ 2 vào năm 2040, đưa vào khai thác sử dụng vào năm 2050.
Kết nối phát triển sân bay phía Nam với đô thị Phú Xuyên được quy hoạch theo mô hình đô thị sân bay, để hình thành trung tâm đầu mối dịch vụ vận tải tổng hợp về đường không, đường sắt (đường sắt quốc gia, đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt đô thị), đường thủy (sông Hồng), đường bộ (cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, Quốc lộ - Tây Bắc, Quốc lộ 1, trục phía Nam), trở thành đầu mối giao thông quan trọng của vùng phía Bắc, đô thị cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội.
Ở khu đô thị trung tâm, Hà Nội sẽ phục dựng, nâng tầm kiến trúc đặc thù “phố Pháp" gắn liền với các hoạt động kinh tế cốt lõi, trung tâm tài chính, thương mại quốc gia. Bảo tồn và phục dựng các giá trị của các công trình kiến trúc và các trục không gian đô thị có giá trị như trục văn hóa biểu diễn Tràng Tiền- Nhà hát Lớn, Trục tài chính- ngân hàng Ngô Quyền, Trục thương mại- dịch vụ trung tâm Ga Hà Nội... nhằm xây dựng trung tâm kinh tế - tài chính - thương mại sầm uất nhất Thủ đô, khai thác giá trị di sản kết hợp với tiềm năng kinh tế năng động sẵn có.
Xây dựng các khu vực giáo dục
Ngoài xây dựng sân bay thứ hai, Hà Nội còn dự định quy hoạch khu đại học quốc gia rộng 1.000 ha ở Hòa Lạc. Định hướng phát triển các khu nghiên cứu, đào tạo gồm: Khu đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, huyện Thạch Thất. Quy mô khoảng 1.000ha. Định hướng là trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật công nghệ cao, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao, xã hội và nhân văn.
Khu giáo dục đào tạo tại Sơn Tây, tại khu vực Thị xã Sơn Tây. Quy mô khoảng 300-350ha. Định hướng là Trung tâm giáo dục, nghiên cứu và các dịch vụ hỗ trợ giáo dục như trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, trung tâm hỗ trợ nghiên cứu, lab cộng đồng, trung tâm dịch vụ... kinh tế, tài chính.
Khu giáo dục đào tạo tại Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ. Quy mô khoảng 150-200ha. Quy mô khoảng 200- 300ha. Định hướng phát triển thành cụm trường đào tạo, nghiên cứu phát triển ngành hàng không, logistic.
Cụm cơ sở nghiên cứu, giáo dục tại Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên. Quy mô khoảng 200-300 ha. Định hướng là khu vực đào tạo, nghiên cứu Khoa học công nghệ cao, nghiên cứu ngành Y - Dược - Sinh hóa phẩm.
Cụm cơ sở nghiên cứu, giáo dục Long Biên - Gia Lâm. Quy mô khoảng 200 ha. Định hướng đào tạo, nghiên cứu kinh tế - tài chính - kế toán.
Cụm cơ sở nghiên cứu, giáo dục Đông Anh - Mê Linh. Quy mô khoảng 100ha. Định hướng là Trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt nhấn mạnh đầu tư cho các ngành công nghiệp và dịch vụ kỹ thuật cao, thông minh, ứng dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh...