Hà Nội đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp

Việc chuyển đổi số, đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí.

Hiểu rõ điều này nên thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tập trung đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp, trang bị cho nông dân những kiến thức mới để ứng dụng vào thực tiễn canh tác, tạo ra nhiều nông sản có chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chăm sóc hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh). Ảnh: Đỗ Tâm

Chăm sóc hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh). Ảnh: Đỗ Tâm

Thay đổi thói quen canh tác

Thời gian qua, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ứng dụng công nghệ số vào sản xuất với quy mô lớn, tạo ra nhiều nông sản có chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Bị (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Viết Hùng, để tiết kiệm chi phí, nhân công lao động, vụ xuân 2024, hợp tác xã sử dụng máy bay không người lái để gieo sạ trên diện tích gần 400ha. Việc cơ giới hóa trong làm đất, ứng dụng máy bay không người lái trong gieo sạ mang lại rất nhiều lợi ích. Cây lúa không chỉ sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao, mà còn giảm chi phí và cho giá trị cao gấp 2-3 lần so với phương thức sản xuất truyền thống.

Hợp tác xã Rau sạch Chử Tâm (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) chuyên sản xuất các loại rau ăn lá, gồm: Rau cải, các loại rau muống, rau bí, rau mồng tơi, rau gia vị... và các loại củ, quả: Bầu, cà tím, cà chua, dưa chuột, đậu, cà rốt... Giám đốc Hợp tác xã Rau sạch Chử Tâm Trần Văn Tuấn cho biết, với mục đích đưa nông sản sạch từ trang trại đến bàn ăn, hợp tác xã đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, như: Tưới phun, nhỏ giọt, gieo trồng trong nhà kính, nhà lưới và ứng dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, thu hoạch đến sơ chế, đóng gói. Ngoài ra, hợp tác xã còn ứng dụng công nghệ màng phủ nông nghiệp, phương pháp IPM (quản lý dịch hại tổng hợp). Hiện tại, mỗi ngày Hợp tác xã cung ứng cho thị trường từ 2 đến 3 tạ rau sạch, doanh thu đạt 50-70 triệu đồng/tháng.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Vũ Thị Hương, áp dụng công nghệ số là một trong những nội dung quan trọng mà trung tâm đang phối hợp với các địa phương hỗ trợ nông dân. Thông qua tập huấn, các hợp tác xã, nông dân được hướng dẫn cách xây dựng mô hình áp dụng công nghệ số trong sản xuất, triển khai hệ thống giám sát bằng công nghệ thông minh và cách quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số. Tại các buổi tập huấn, trung tâm cũng giải đáp những vướng mắc trong quá trình thực hiện, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, nhất là trang bị cho người sản xuất kỹ năng đẩy mạnh quảng bá, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, hiện ngày càng có nhiều mô hình đưa cơ giới hóa, công nghệ số vào sản xuất, làm thay đổi thói quen canh tác của người nông dân.

Tích cực hỗ trợ nông dân

Hiệu quả đã rõ, song việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất còn gặp không ít khó khăn, do quy mô nhỏ lẻ, trình độ của người nông dân không đều, thiếu cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại...

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, việc xây dựng nền nông nghiệp thông minh và thị trường số là yêu cầu cấp bách đặt ra đối với sản xuất nông nghiệp, cần có sự chung tay, hỗ trợ của các ngành chức năng để ngành Nông nghiệp Hà Nội phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Về phía nông dân, hợp tác xã, đại diện trang trại Mê Linh F-Farm (huyện Mê Linh) Nguyễn Tiến Dũng nêu kiến nghị, các ngành chức năng cần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư ứng dụng công nghệ số. Cùng với đó, thành phố cần hỗ trợ đầu tư hạ tầng đường giao thông, kênh mương nội đồng, hình thành sản xuất quy mô lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số trong nông nghiệp. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, từ đó đẩy mạnh tiêu thụ nông sản an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm để tái sản xuất.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số phục vụ canh tác; hỗ trợ nông dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin; đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân.

Để cụ thể hóa Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 4-7-2023 của HĐND thành phố Hà Nội về quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội, thành phố cũng sẽ cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện năm 2024-2025 từ nguồn ngân sách của thành phố. Theo đó, UBND thành phố Hà Nội bố trí hơn 10 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ máy móc, thiết bị để chuyển đổi số nông nghiệp. Đây là điều kiện thuận lợi cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đưa công nghệ số vào sản xuất. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tiếp tục xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; giới thiệu các nền tảng số, nền tảng thương mại điện tử liên quan, giúp người dân nắm bắt kiến thức, thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp trên môi trường số. Các địa phương xây dựng chương trình, dự án, mô hình điểm về công nghệ số đối với cây trồng chủ lực, sau đó nhân rộng mô hình, quảng bá sản phẩm và từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng thông minh, hiện đại hơn.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-dua-cong-nghe-so-vao-san-xuat-nong-nghiep-675366.html