Hà Nội đưa ra quy định mới về việc lát đá vỉa hè

Trước việc vỉa hè độ bền 70 năm sau vài năm đã vỡ, Sở Xây dựng Hà Nội vừa ban hành một loạt quy chuẩn thi công và quy định về chất lượng đá lát hè.

Trao đổi với Zing, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết theo quy định mới các đơn vị phải rà soát lại toàn bộ thiết kế, vật liệu tại các dự án lát đá vỉa hè trên địa bàn để nâng cao chất lượng, đảm bảo tuối thọ cho công trình.

Các quận, huyện đang sử dụng loại đá marble (đá hoa) Thanh Hóa cần nghiên cứu tăng độ dày vật liệu bởi loại đá này có độ chịu uốn, chịu lực và độ cứng nhỏ hơn đá granit rất nhiều.

Tuân thủ quy trình 3 bước

"Hiện, Sở Xây dựng đang đưa ra các khuyến nghị cho các quận, huyện lựa chọn loại vật liệu và hướng dẫn quy trình chuẩn cho việc thi công. Còn trách nhiệm lựa chọn đá và thực hiện là của chủ đầu tư", ông Phong nói.

Trong hồ sơ mời thầu, các đơn vị cần quy định rõ cơ sở xét thầu về vật liệu đá lát. Đá lát hè sử dụng đá tự nhiên phải quy định rõ tiêu chuẩn kỹ thuật đối với nhóm đá granit và nhóm đá hoa về độ bền uốn, độ hút nước, độ cứng vạch bề mặt, độ chịu mài mòn.

Các quận, huyện kiểm soát chặt nguồn gốc đá lát, tránh hiện tượng đá nhập về chưa sử dụng đã nứt, vỡ, sứt mẻ. Ngoài ra, khi nhập đá cần kiểm tra phương pháp khai thác do một số cơ sở dùng mìn nổ khiến khi gia công, chế tạo không đảm bảo chất lượng.

 Loại đá granit mà Hà Nội đang sử dụng để lát quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Sơn Hà.

Loại đá granit mà Hà Nội đang sử dụng để lát quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Sơn Hà.

Về quy trình thi công, Sở Xây dựng đề nghị các quận, huyện tuân thủ nghiệm thu tại 3 bước.

Một, các đơn vị chỉ lát hè khi hoàn thành hạ tầng kỹ thuật như hạ ngầm hệ thống cấp thoát nước, trồng cây xanh, chiếu sáng, cấp điện, thông tin liên lạc.... Xung quanh các hố ga, miệng cống, ống cấp thoát nước... phải bảo đảm kín khít, tránh hiện tượng rò rỉ nước làm rút cát, nền đất gây sụt lún nền hè.

Toàn bộ mặt nền hè đường phải được đầm chặt bảo đảm theo yêu cầu thiết kế, bảo đảm độ dốc thiết kế từ ranh giới lát hè đến hàng bó vỉa và phải tổ chức nghiệm thu trước khi đổ bê tông.

Hai, bê tông phải bảo đảm về cường độ và chiều dày đối với từng loại kết cấu hè theo quy định; bảo đảm độ dốc, cao độ vỉa hè theo thiết kế; lấy mẫu kiểm tra cường độ bê tông theo quy định và phải nghiệm thu trước khi lát đá.

Ba, đối với các vị trí lát đá sát các gốc cây, tủ điện, cột điện, hố ga, các góc cong... phải được thi công bảo đảm yêu cầu mỹ thuật. Với các gốc cây có kích thước lớn, rễ cây nhô lên cao cần được thiết kế cụ thể bó gốc cây bảo đảm tuyệt đối an toàn cho cây xanh.

"Đơn vị nào không thực hiện đúng quy trình, quy chuẩn hoặc làm chưa tốt thì phải làm lại cho đúng yêu cầu. Sở sẽ có các đoàn kiểm tra giám sát vấn đề này", Giám đốc Sở Xây dựng nhấn mạnh.

Hứa hẹn độ bền 50-70 năm, vỡ sau 2 năm

Năm 2017, nhiều quận nội thành Hà Nội như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm lát lại đá vỉa hè các tuyến phố lớn theo đề án chỉnh trang đô thi được UBND Hà Nội đưa ra cuối năm 2016. Loại đá dùng khi đó được giới thiệu là đá tự nhiên, độ bền 50-70 năm.

Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm, chất lượng vỉa hè các tuyến mới lát bắt đầu xuống cấp. Đá lát bị vỡ, hỏng, nứt xuất hiện dày đặc ở nhiều tuyến phố. Có những đoạn vết nứt, vỡ lên đến vài mét vuông.

 Đá lát hè bị vỡ ở đường Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Sơn Hà.

Đá lát hè bị vỡ ở đường Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Sơn Hà.

Tháng 2/2018, Thanh tra Hà Nội chỉ ra nhiều tồn tại trong việc lát đá vỉa hè và chỉ ra các quận để xảy ra sai phạm. Các quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân chưa thực hiện đầy đủ chỉ đạo của thành phố.

Theo các chuyên gia, Hà Nội đã thí điểm nhiều loại vật liệu đá lát vỉa hè và chưa vật liệu nào ổn định lâu dài nên cứ thí điểm hết lần này đến lần khác. Bên cạnh đó, việc đá lát vỉa hè vỡ hàng loạt như vậy nguyên nhân một phần do việc thiếu kiểm tra giám sát của chủ đầu tư đối với nhà thầu.

Để khắc phục vấn đề này, ông Trịnh Hoàng Tùng, Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm - đơn vị thi công lát hè quanh hồ Gươm, cho biết quận đã sử dụng loại đá granit sản xuất ở Bình Định thay cho loại đá Thanh Hóa trước kia.

Loại đá mới dày hơn, có độ chịu uốn, chịu lực rất cao. Bên cạnh đó, loại đá này còn được giới thiệu có độ bền vĩnh vửu nếu đảm bảo các điều kiện thi công và chất lượng mà thành phố đưa ra. Với việc đảm bảo các quy chuẩn thi công và điều kiện của thành phố, ông Tùng nhận định đá lát có thể "bền vĩnh cửu".

Sơn Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ha-noi-dua-ra-quy-dinh-moi-ve-viec-lat-da-via-he-post1103136.html