Hà Nội dừng 5 tuyến buýt từ 1/4, người dân đi lại thế nào?
5 tuyến buýt số 10, 14, 18, 44, 145 sẽ dừng hoạt động từ ngày 1/4 do có mức trợ giá cao trên 95%.
Hiện đơn vị quản lý và vận hành đã hoàn tất công tác điều chỉnh lộ trình một số tuyến buýt khác để kết nối thuận tiện, tránh ảnh hưởng tới việc đi lại của hành khách.
Dừng những tuyến buýt không hiệu quả
Ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho biết, thành phố vừa hoàn tất việc rà soát toàn bộ mạng lưới buýt trên địa bàn.
Trung tâm đã rà soát, đánh giá sự phù hợp của mạng lưới tuyến trước khi đưa ra lộ trình điều chỉnh phù hợp, giảm thiểu tối đa các tác động, ảnh hưởng đối với hợp đồng đã ký với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hài hòa lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp.
Qua thực tiễn và kế thừa kinh nghiệm, bài học từ quốc tế, Sở GTVT Hà Nội đã đưa ra các nhóm chỉ tiêu để đánh giá mạng lưới tuyến xe buýt.
Nguyên tắc điều chỉnh, đánh giá các tuyến buýt được thực hiện trên 5 tiêu chí cơ bản như: Hệ số trùng lặp tuyến (phản ánh khả năng kết nối đồng thời khả năng thu hút hành khách của tuyến); Hệ số đường không thẳng (phản ánh chất lượng của công tác vạch tuyến); Tỷ lệ trợ giá so với chi phí (phản ánh hiệu quả của góc độ tài chính); Tỷ lệ trợ giá bình quân cho 1 hành khách (phản ánh hiệu quả của việc trợ giá khi so sánh với kết quả đầu ra); Hệ số sử dụng sức chứa (phản ánh kết quả của hoạt động vận tải).
Từ các chỉ tiêu này sẽ đề xuất phương án xử lý đối với các tuyến như: Điều chỉnh lộ trình tuyến; tần suất dịch vụ; sức chứa phương tiện; Kết hợp các phương án nêu trên; Dừng hoạt động tuyến không hiệu quả...
Kết quả rà soát toàn bộ mạng lưới tuyến của Hà Nội cho thấy có 71 tuyến phải điều chỉnh lộ trình, tần suất dịch vụ và 5 tuyến phải dừng hoạt động. Đến nay, sau khi được UBND TP Hà Nội, Sở GTVT chấp thuận, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng đã thông báo dừng hoạt động các tuyến buýt số 10, 14, 18, 44, 145 do Tổng công ty Vận tải Hà Nội, Công ty CP Xe khách Hà Nội và Công ty CP Xe điện Hà Nội vận hành.
Ngoài ra, Sở GTVT Hà Nội điều chỉnh lộ trình 10 tuyến, điều chỉnh lộ trình kết hợp điều chỉnh tần suất dịch vụ 43 tuyến khác.
Các đơn vị bán tem vé tháng được yêu cầu dừng nhận bản đăng ký làm thẻ và bán tem vé tháng 1 tuyến của các tuyến dừng hoạt động, hướng dẫn hành khách có nhu cầu đổi vé đến các điểm bán vé tháng để đổi.
Nếu khách tiếp tục có nhu cầu sử dụng vé tháng 1 tuyến của tuyến khác hoặc đổi sang vé tháng liên tuyến sẽ trả thêm phần chênh lệch giá vé. Trong trường hợp khách hàng không có nhu cầu sử dụng sẽ được hoàn tiền.
Các tuyến thay thế vẫn đảm bảo kết nối thuận tiện
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, đây là lần đầu tiên Hà Nội dừng hoạt động các tuyến buýt không đảm bảo chất lượng.
Với phương án điều chỉnh 71 tuyến buýt, dừng 5 tuyến, Sở GTVT Hà Nội cho biết, sẽ tiết giảm được khoảng 11,45 triệu km hành trình/năm, tương ứng với chi phí tiết kiệm được là khoảng 212,23 tỷ đồng/năm.
Theo ông Phương, sau khi dừng hoạt động các tuyến buýt nói trên, đơn vị quản lý và vận hành đã rà soát các tuyến buýt cùng mạng lưới để đảm bảo kết nối thuận tiện cho hành khách. Chẳng hạn, tuyến buýt số 10A dừng hoạt động, hành khách có thể sử dụng tuyến buýt số 54 và các tuyến khác trên mạng lưới để thực hiện các chuyến đi kết nối dọc đường như tuyến 04, 08(A,B), E05, E07, E09, 17, 36, 42, 98, 47A…
Tuyến buýt số 10B dừng hoạt động, hành khách có thể sử dụng tuyến buýt số 42 và các tuyến buýt khác trên mạng lưới để thực hiện chuyến đi như: 17, 98, 100, E05, E07, E09…
Cùng đó, sau khi tuyến buýt số 14 dừng hoạt động, hành khách có thể sử dụng tuyến buýt số 45 và các tuyến buýt khác trên mạng lưới để thực hiện các chuyến đi như: 09A, 28, 31, 58…
Khi tuyến buýt số 18 dừng hoạt động, hành khách có thể sử dụng các tuyến buýt khác trên mạng lưới để thực hiện các chuyến đi như: 08A, 47B, 25, 28, 32, 41, E08, 142…
Sau khi tuyến buýt số 44 dừng hoạt động, hành khách có thể sử dụng các tuyến buýt khác trên mạng lưới để thực hiện các chuyến đi như: 02, 35A, 03A, 19,49, 51, 24, 40, 43, 42,48.
Tuyến buýt số 145 dừng hoạt động, hành khách có thể sử dụng các tuyến buýt khác trên mạng lưới để thực hiện các chuyến đi như: 60A, 22A, 50, 60A, 60B, E03, E07, 45, 144…
TS Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông cho hay, việc rà soát lại toàn bộ các tuyến buýt, đưa các giải pháp tổng thể là bước đi đúng đắn, tránh gây lãng phí nguồn ngân sách. Cơ quan quản lý đã lưu tâm đưa ra các giải pháp, kéo các tuyến buýt khác vào cùng lộ trình để ít ảnh hưởng nhất tới người dân.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho rằng, việc dừng hoạt động các tuyến buýt đã được cơ quan chuyên ngành nghiên cứu kỹ lưỡng, song song với việc bố trí các tuyến buýt khác.