Hà Nội dừng hoạt động hàng loạt tuyến buýt có trợ giá từ 1/4

Hàng loạt tuyến xe buýt có trợ giá của Hà Nội sẽ dừng hoạt động từ ngày 1/4 tới đây nhằm hợp lý hóa mạng lưới, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách của thành phố.

Tuyến buýt số 10A (Long Biên-Từ Sơn) sẽ dừng hoạt động từ ngày 1/4 tới đây. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Tuyến buýt số 10A (Long Biên-Từ Sơn) sẽ dừng hoạt động từ ngày 1/4 tới đây. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo thông tin từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, từ ngày 1/4 tới, Thủ đô sẽ dừng hoạt động 5 tuyến buýt có trợ giá, bao gồm các tuyến số 10 (10A và 10B), 14, 18, 44, 145.

Đây là các tuyến buýt do Tổng công ty Vận tải Hà Nội, Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội và Công ty cổ phần Xe điện Hà Nội đảm nhận.

Cụ thể, sau khi tuyến buýt số 10A (Long Biên-Từ Sơn) và 10B (Long Biên-Trung Màu) dừng hoạt động, hành khách có thể sử dụng tuyến buýt số 54 (Long Biên-Bắc Ninh) và 42 (Giáp Bát-Đức Giang) và các tuyến khác trên mạng lưới để thực hiện chuyến đi.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, tuyến buýt số 54 sẽ thực hiện 172 lượt xe/ngày (tăng 46 lượt xe/ngày) và tăng thêm 5 xe hoạt động trên tuyến.

Sau khi tuyến buýt số 14 (Bờ Hồ-Cổ Nhuế) dừng hoạt động, hành khách có thể sử dụng tuyến buýt số 45 (Khu đô thị Times City-Nam Thăng Long) và các tuyến khác trên mạng lưới để thực hiện chuyến đi.

Với các tuyến buýt số 18 (Đại học Kinh tế Quốc dân-Đại học Kinh tế Quốc dân), tuyến số 44 (Trần Khánh Dư-Bến xe Mỹ Đình) và tuyến số 145 (Trung tâm thương mại Big C Thăng Long-Công viên nước Hồ Tây) dừng hoạt động, hành khách có thể sử dụng rất nhiều tuyến buýt khác trên mạng lưới để di chuyển.

Ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội cho biết đơn vị này dừng nhận làm thẻ và bán tem vé tháng 1 tuyến của 5 tuyến buýt nói trên.

Trường hợp hành khách đã mua tem vé tháng 1 tuyến có nhu cầu đổi sáng vé tháng 1 tuyến của tuyến khác hoặc đổi sang vé liên tuyến (bằng cách trả thêm phần chênh lệch giá vé) hoặc không có nhu cầu sử dụng vé tháng muốn được hoàn tiền có thể đến các điểm bán vé tháng để được hướng dẫn.

Trước đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội khẩn trương rà soát, đánh giá hiệu quả từng tuyến để hợp lý hóa mạng lưới, từ đó góp phần sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách của thành phố cho hoạt động vận tải hành khách công cộng.

Sở Giao thông Vận tải cho biết, mức trợ giá của vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của thành phố trung bình giai đoạn 2020-2022 cao hơn so với giai đoạn 2015-2019 là 857,4 tỷ đồng; trong đó, năm 2022 cao nhất với mức trợ giá lên tới gần 3.000 tỷ đồng, cao hơn trung bình giai đoạn 2020-2022 khoảng hơn 670 tỷ đồng./.

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, thành phố Hà Nội hiện có tổng số 154 tuyến buýt đang khai thác, vận hành (trong đó 132 tuyến buýt trợ giá; 8 tuyến buýt không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến buýt City tour). Hiện có 11 đơn vị khai thác vận hành thực hiện 132 tuyến buýt trợ giá (trong đó 122 tuyến đấu thầu và 10 tuyến đặt hàng). Số lượng xe buýt trợ giá là 2.034 xe với 277 xe sử dụng năng lượng sạch.

Hiện, ngân sách thành phố hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp; hỗ trợ 30% giá vé tháng đối với cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể; miễn tiền vé đối với người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo. Vé gồm 3 loại là vé lượt; vé tháng (1 tuyến, liên tuyến); vé miễn phí.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-dung-hoat-dong-hang-loat-tuyen-buyt-co-tro-gia-tu-14-post936396.vnp