Hà Nội duy trì và mở rộng sản xuất rau hữu cơ
Sản xuất rau hữu cơ trên địa bàn thành phố bước đầu đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng. Tuy nhiên, do quy trình sản xuất hữu cơ nói chung và rau hữu cơ nói riêng tương đối nghiêm ngặt nên trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương, doanh nghiệp, nông dân còn gặp một số khó khăn...
Hiệu quả nhưng còn gặp khó
Trên địa bàn thành phố hiện có mô hình sản xuất rau hữu cơ tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn; rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng); mô hình rau hữu cơ của trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất); Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Việt Liên sản xuất rau hữu cơ với diện tích 3ha tại phường Cự Khối (quận Long Biên)... Đến nay, thành phố đã có nhiều siêu thị và cửa hàng tiện ích tiêu thụ rau hữu cơ như: Chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển, Bác Tôm; Siêu thị Unimart, Vinmart…
Trong khi các loại rau an toàn đều khó khăn về đầu ra thì rau hữu cơ tiêu thụ ổn định với giá bán buôn tương đối cao từ 15.000-20.000 đồng/kg. Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) Hoàng Thị Hậu cho hay, Hợp tác xã đang duy trì hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với 12 công ty, 45 điểm bán hàng trên địa bàn thành phố. Mỗi năm, Hợp tác xã cung cấp cho thị trường gần 1.000 tấn rau, củ, quả, doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, Hợp tác xã có 18 sản phẩm rau được UBND thành phố công nhận Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nên việc tiêu thụ càng thuận lợi.
Bên cạnh thuận lợi, việc sản xuất rau hữu cơ cũng gặp nhiều khó khăn. Bà Lưu Thị Hằng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, kinh phí cấp chứng nhận cho sản phẩm rau hữu cơ tương đối cao so với thu nhập của các hộ nông dân và đây cũng chính là rào cản lớn cho việc mở rộng diện tích trồng.
Sản xuất rau hữu cơ là hướng phát triển mới đối với nông dân, tiêu chuẩn yêu cầu nghiêm ngặt nên việc áp dụng, nhân rộng sản xuất còn hạn chế. Nguồn nước ở một số nơi bị ô nhiễm chưa thích hợp cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng hàng hóa; hệ thống thu mua sản phẩm, các điểm giới thiệu và bán sản phẩm còn thiếu và yếu.
Hỗ trợ và giám sát chất lượng
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ nói chung và rau hữu cơ nói riêng đang là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp sạch. Theo bà Trương Kim Hoa, chủ trang trại trồng rau hữu cơ Hoa Viên, xã Yên Bình (Thạch Thất), để thị phần rau hữu cơ phát triển ổn định, có chỗ đứng trên thị trường, các bộ, ngành cần tiếp tục tham mưu Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp triển khai mô hình sản xuất hữu cơ, xây dựng khu sơ chế sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao trong toàn bộ quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ; đồng thời có chính sách giảm thuế, miễn thuế có thời hạn đối với doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rau hữu cơ; hỗ trợ tiền thuê cửa hàng cho doanh nghiệp trong thời gian đầu để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng cho biết, thời gian tới, Chi cục tiếp tục phối hợp với các địa phương mở các lớp tập huấn các kỹ thuật tiên tiến về sản xuất rau hữu cơ cho người dân; tăng cường ứng dụng các chế phẩm sinh học, tác nhân phòng trừ sinh học, chế phẩm sinh học xử lý môi trường nông nghiệp, sản phẩm phân bón hữu cơ hiệu quả vào sản xuất. Các địa phương cần có quy hoạch dành quỹ đất đủ lớn ở những nơi đủ điều kiện (đất, nước, không khí...) để sản xuất rau hữu cơ; thu hút sự đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực này.
Để tháo gỡ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ nói chung và rau hữu cơ nói riêng, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 220/KH-UBND ngày 15-8-2022 về phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, diện tích rau hữu cơ toàn thành phố đạt 515ha (trong đó diện tích được chứng nhận đạt 138ha, diện tích canh tác chuyển đổi hữu cơ đạt 377ha). Cùng với đó, hoàn thiện quy trình kỹ thuật theo hướng ứng dụng công nghệ cao kết hợp phát huy kiến thức bản địa, sản xuất hữu cơ gắn với chuỗi giá trị.
Để đạt mục tiêu nói trên, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với quy trình kỹ thuật tiên tiến, được kiểm soát chặt chẽ; sản phẩm được cấp giấy chứng nhận theo quy định quốc gia, quốc tế về nông nghiệp hữu cơ. Các địa phương cần có kế hoạch cụ thể hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp theo hướng đồng bộ từ hạ tầng sản xuất, tập huấn kỹ thuật đến xây dựng thương hiệu.
Có thể nói, tiêu thụ sản phẩm rau hữu cơ đang được người tiêu dùng trong nước và thế giới tin dùng bởi không chỉ phục vụ sức khỏe con người mà còn hướng đến giá trị nhân văn khác như: Bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hợp tác xã, nông dân, doanh nghiệp tham gia, mở rộng diện tích trồng rau hữu cơ.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-duy-tri-va-mo-rong-san-xuat-rau-huu-co-651264.html