Hà Nội: Gen Z mang mái ấm đến người vô gia cư

Từ quê lên Hà Nội học tập và làm việc, nhóm bạn trẻ Gen Z không chỉ mang theo nhiệt huyết tuổi trẻ mà còn mang cả tấm lòng nhân ái của mình đến với Thủ đô. 'Hà Nội chung tay' là dự án xuất phát từ tấm lòng nhân ái giúp những người già neo đơn có chỗ tránh nắng, tránh mưa mỗi ngày.

Minh Sơn, Vương Anh và Thanh Hải (từ trái sang) tại mái ấm cho người vô gia cư. (Ảnh: Quỳnh Nguyễn)

Minh Sơn, Vương Anh và Thanh Hải (từ trái sang) tại mái ấm cho người vô gia cư. (Ảnh: Quỳnh Nguyễn)

Chuyện thật tưởng như đùa

Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh nhóm ba bạn trẻ 10X tự bỏ tiền túi ra thuê một căn nhà cho những người vô gia cư sinh sống. Hình ảnh nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, rất nhiều người đều bất ngờ trước hành động thiện nguyện của ba chàng trai trẻ. Bởi ở lứa tuổi trẻ như vậy lại còn lên thành phố lập nghiệp, thông thường chi tiêu cho bản thân còn phải chắt bóp chứ lấy đâu ra tiền dư dả để thuê nhà cho người vô gia cư ở.

Chuyện thật tưởng như đùa ấy lại chính là những gì mà ba chàng trai Lê Thanh Hải (23 tuổi), Lê Minh Sơn (21 tuổi) và Nguyễn Vương Anh (21 tuổi) đang thực hiện. Được biết, ba chàng trai đều là những người bạn thân từ nhỏ, đều sinh ra và lớn lên tại quê hương Thanh Hóa. Trong đó, Sơn và Vương Anh đã ở Hà Nội học tập từ trước, còn Hải vừa mới lên Hà Nội làm công việc giáo viên mầm non được khoảng 4 tháng.

Dù đều có tuổi đời rất trẻ và cũng không quá dư dả về tài chính nhưng cả ba đã tự đứng ra góp tiền để thuê nhà cho những người già vô gia cư về sinh sống. Với tâm niệm “Máu đỏ, da vàng, mình là người Việt Nam. Mình phải yêu thương chính đồng bào của mình”, dự án “Hà Nội chung tay” đã được lập nên để giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh không may mắn.

Được biết, ý tưởng của dự án xuất hiện khi Hải đi đường vào ban đêm, gặp một cụ ông co ro ở góc vườn hoa trong tiết trời lạnh khoảng 11 độ. Hình ảnh này đã khiến Hải bị ám ảnh, dù trước đó đã nhiều lần đi phát cơm từ thiện vào những ngày mưa rét nhưng Hải vẫn tự nhủ bản thân phải làm được điều gì đó để giúp đỡ cho những hoàn cảnh như vậy. Sau nhiều lần suy nghĩ, Hải đã quyết tâm rủ hai người bạn thân là Sơn và Vương Anh làm nên dự án “Hà Nội chung tay”.

Niềm vui của ông Quý là được đánh cờ cùng Hải. (Ảnh: Hà Nội chung tay)

Niềm vui của ông Quý là được đánh cờ cùng Hải. (Ảnh: Hà Nội chung tay)

Ba chàng trai bắt đầu chắt bóp chi tiêu, gom góp được số tiền ít ỏi để bắt tay thực hiện. Với số tiền khởi đầu là 30 triệu đồng, nhóm bắt đầu chạy đôn chạy đáo khắp thành phố để tìm thuê nhà, xây dựng mái ấm cho các cụ. Sau bao tìm kiếm, cuối cùng nhóm cũng tìm được một căn 4 tầng khang trang, sạch sẽ ở ngõ Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội. Địa điểm đã có, nhóm bắt tay vào sửa sang lại nhà và bắt đầu tìm kiếm, thuyết phục những người vô gia cư về sinh sống.

Những tưởng việc tìm kiếm những người cần giúp đỡ là việc đơn giản nhưng cũng đầy khó khăn. Với mong muốn giúp được đúng người, cả nhóm dành 1 tháng đi khắp vỉa hè dọc phố cổ Hà Nội từ 12h đêm đến 2h sáng để tìm hiểu cuộc sống của những người vô gia cư cũng như phân biệt những người vô gia cư thật hay giả.

Sau bước xác minh, nhóm đến giai đoạn thuyết phục các cụ dọn vào ở nhưng điều đó không phải dễ dàng. Thế rồi cũng có người đầu tiên bước vào, rồi người thứ hai, thứ ba, mỗi lần như vậy đều là thành quả sau nhiều ngày tìm hiểu, tiếp cận và tạo niềm tin với các cụ. Được biết, mỗi người ở tại mái ấm chung đều có hoàn cảnh đặc biệt, không có chốn nương thân ở cái tuổi mà các cụ đang được an hưởng tuổi già.

Như cụ Đỗ Văn Phương (90 tuổi) thường đi nhặt ve chai trên phố, ông Đặng Thế Quý (72 tuổi) phải bán nhà vì hoàn cảnh, sống tạm bợ ở ven sông Hồng, ông Nguyễn Bá Thành quê ở Hải Phòng, buôn bán lang thang nhiều năm. Thành viên mới nhất là cụ Tiến (83 tuổi) thường đi nhặt giấy vụn để bán, tối đến chỉ biết ngủ tại vỉa hè, ngày nắng hay ngày mưa cũng vậy. Đến hiện tại, ngôi nhà chung của nhóm đang hỗ trợ cho 4 cụ và trong tương lai sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm những thành viên mới về với nhà chung.

“Đừng gọi tôi là vô gia cư”

Dự án “Hà Nội chung tay” được ba bạn trẻ thành lập với mong muốn đây không chỉ là mái nhà cho những người vô gia cư mà còn muốn gửi gắm thông điệp “Đừng gọi tôi là vô gia cư”. Đây vừa là thông điệp, vừa là mục tiêu giúp họ tìm được công việc, tự tạo ra thu nhập cho bản thân để không phải ra đường bám víu người khác.

Để minh chứng cho thông điệp này, nhóm đặt ra một số nguyên tắc như không kêu gọi hỗ trợ, không ra đường ăn xin, các cụ phải về nhà trước 11 giờ đêm,… Đây cũng là cách để thay đổi cái nhìn của xã hội theo thông điệp “Đừng gọi tôi là vô gia cư”. Ngày đón những người vô gia cư về nhà, nhóm tự tin treo tấm bảng trước cửa: “Hà Nội chung tay - Đừng gọi tôi là vô gia cư”.

Đặc biệt, nhóm bạn trẻ không coi các cụ là những người khó khăn được giúp đỡ mà luôn coi các cụ như người thân trong gia đình để có thể giúp đỡ tận tâm hơn. Mỗi khi rảnh rỗi, các bạn lại đến thăm hỏi, trò chuyện với các cụ, như niềm vui của ông Quý chính là được đánh cờ cùng Hải. Ngoài ra, các bạn còn tổ chức cho các cụ những hoạt động ý nghĩa như tổ chức sinh nhật, đưa các cụ đi thăm Bảo tàng Lịch sử Quốc gia,…

Có những ngày khó khăn không đủ tiền mua thức ăn, nhóm cũng sẽ tiếp tế sữa, đồ ăn, cháo tận tình cho các cụ. Ba chàng trai cũng luân phiên nhau đến nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa cũng như để hỗ trợ các cụ trong tình huống khẩn cấp. Bởi họ hiểu việc chăm sóc người lớn tuổi không đơn thuần là lo bữa ăn, giấc ngủ mà phải có trách nhiệm với sức khỏe, tính mạng của mỗi người.

Các bạn trẻ trực tiếp đến nhà chung để thăm hỏi, động viên. (Ảnh: Hà Nội chung tay)

Các bạn trẻ trực tiếp đến nhà chung để thăm hỏi, động viên. (Ảnh: Hà Nội chung tay)

Bên cạnh việc có trách nhiệm với các cụ, các chàng trai còn rất có trách nhiệm với xã hội. Trước khi đón các cụ về nhà chung, nhóm đã xác minh nhân thân, gọi điện thoại cho người thân để xin phép, khai báo tạm vắng, tạm trú, đăng ký thông tin cá nhân và báo cáo kế hoạch thiện nguyện với cảnh sát khu vực, tổ dân phố theo quy định. Hiện thủ tục về mặt pháp luật đã hoàn tất.

Được biết, kế hoạch ban đầu của “Hà Nội chung tay” chỉ kéo dài 3 tháng nhưng chỉ sau vài ngày triển khai cả nhóm nhận thấy rằng không thể bỏ rơi các cụ nên nhóm quyết định sẽ tiếp tục thực hiện dự án. Tính đến nay, dự án đã đi vào hoạt động được nửa năm và trong tương lai nhóm dự định sẽ nuôi các cụ trọn vẹn, tạo hình thức kinh doanh phù hợp với tuổi già sức yếu của các cụ như mô hình xe nước ép trái cây để các cụ dễ dàng đẩy bán hàng trong khu vực sinh sống.

“Hà Nội chung tay” không chỉ là dự án giúp đỡ người vô gia cư mà còn mang sứ mệnh lan tỏa tấm lòng thiện nguyện đến với cộng đồng. Các trang mạng xã hội của nhóm được rất nhiều người quan tâm và theo dõi. Trong đó có rất nhiều bình luận khen ngợi như: “Rất biết ơn nhóm vì đã làm những điều có ích cho xã hội, mong sẽ có nhiều người biết tới và chung tay cùng dự án”; “Khi chứng kiến nghĩa cử cao đẹp của các bạn tôi không khỏi xúc động. Tôi muốn được góp sức mình cùng các bạn, rất vui nếu có cơ hội đó”;… Cũng có rất nhiều bạn trẻ đã qua trực tiếp mái ấm để thăm hỏi, động viên cũng như gửi quà với mong muốn góp phần nào đó mang lại cuộc sống tốt hơn cho các cụ.

Dù được cộng đồng biết đến nhưng hiện nhóm vẫn đang gặp khó khăn về kinh tế cũng như cân bằng giữa công việc và hoạt động thiện nguyện. Thế nhưng, ba chàng trai đều khẳng định sẽ không từ bỏ mà nỗ lực duy trì và cố gắng đón thêm được nhiều người vô gia cư có nhu cầu về ở. Có thể thấy, mặc dù ba bạn trẻ không giàu có về mặt vật chất nhưng họ lại vô cùng giàu có tình yêu thương và tấm lòng nhân ái.

Linh Chi

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ha-noi-gen-z-mang-mai-am-den-nguoi-vo-gia-cu-post482108.html