Hà Nội giữ vai trò đầu tàu trong xây dựng nông thôn mới
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, Hà Nội vượt mục tiêu đề ra trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy, tạo tiền đề vững chắc để thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Những bước tiến vượt bậc về phát triển nông thôn mới
Theo kết quả thống kê từ Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, địa bàn thành phố hiện có 18 huyện, thị xã. Số huyện, thị xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) là 18, tỷ lệ đạt 100%.

Diện mạo nông thôn mới khang trang tại huyện Gia Lâm.
Hà Nội hiện có 5 đơn vị gồm: Thanh Trì, Gia Lâm, Hoài Đức, Đông Anh và Thanh Oai được công nhận là huyện đạt chuẩn NTM nâng cao (tỷ lệ hơn 29%). Việc có tới 5 huyện nâng tầm tiêu chuẩn trong thời gian ngắn đã giúp Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước đạt cùng lúc cả 5 tiêu chí then chốt của NTM ở cấp xã và huyện, gồm: huyện NTM; huyện NTM nâng cao; xã NTM; xã NTM nâng cao; xã NTM kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, việc hoàn thành tiêu chí xã NTM cũng ghi nhận bước tiến vượt bậc. Từ năm 2021 đến nay, Hà Nội công nhận thêm 14 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 382/382 xã, đạt tỷ lệ 100%, hoàn thành chỉ tiêu sớm hơn 4 năm so với mục tiêu đến năm 2025. Đặc biệt, nhiều xã không chỉ dừng lại ở việc "về đích" NTM, mà tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới chuẩn cao hơn.
Đến ngày 18/4, Hà Nội có 229 xã, chiếm 60% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, vượt 47% so với mục tiêu của chương trình; có 109 xã NTM kiểu mẫu, vượt 36% so với mục tiêu của chương trình. Những con số này không chỉ cho thấy sự nỗ lực vượt bậc của chính quyền và nhân dân Thủ đô, mà còn chứng minh tính đúng đắn, hiệu quả trong định hướng phát triển của Thành phố.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, việc xây dựng NTM thời gian qua đã tạo chuyển biến rõ nét trong đời sống người dân. Đến năm 2024, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt khoảng 75 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt hơn 98%, lao động qua đào tạo đạt trên 74%, trong đó 54% có bằng cấp, chứng chỉ. Toàn thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn đa chiều.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại khu vực nông thôn tiếp tục được giữ vững. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 95%. Trên 95% thôn, làng giữ vững danh hiệu văn hóa; 95% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa. Đây là những con số phản ánh chất lượng sống ngày càng cải thiện rõ nét trong các vùng nông thôn của Thủ đô.
Ngành nông nghiệp cũng ghi nhận những kết quả tích cực, với tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2024 đạt hơn 66.300 tỷ đồng, tăng trên 12% so với năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vượt 2 tỷ USD, trong đó nông sản và thực phẩm chiếm hơn 1,4 tỷ USD, tăng gần 34% so với cùng kỳ.
Chung sức hiện thực hóa các mục tiêu
Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, mặc dù Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy chưa đi hết chặng đường 5 năm, nhưng với sự chỉ đạo sát sao và quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố cùng sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương và người dân, thành phố đã đạt được những chỉ tiêu đặt ra.
Cụ thể, 21/32 chỉ tiêu trong chương trình đạt và vượt kế hoạch; còn 11 chỉ tiêu chưa đạt, song đó là những chỉ tiêu mang tính giai đoạn, Hà Nội tiếp tục phấn đấu để đến hết năm 2025 hoàn thành toàn bộ 32 chỉ tiêu của Chương trình số 04-CTr/TU.

Người dân xã Bát Tràng đã và đang nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. Làng nghề đã tạo ra những sản phẩm gốm sứ tinh xảo.
Về các giải pháp thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU từ nay đến cuối năm, Hà Nội tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư để duy trì các tiêu chí NTM đã đạt; đồng thời, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Thành phố cũng đề nghị các địa phương chủ động cân đối, bố trí ngân sách để triển khai thực hiện, bảo đảm mục tiêu đề ra.
"Việc duy trì và nâng cao chuẩn NTM sẽ được triển khai trên tinh thần "có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc", thể hiện sự liên tục, bền vững của quá trình phát triển nông thôn", vị đại diện này cho hay.
Ông Ngọ Văn Ngôn, Phó chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội cho biết, thành phố cũng tập trung thực hiện cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, theo mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm diện tích trồng lúa, tập trung phát triển lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng cao; mở rộng diện tích trồng rau, tăng diện tích trồng hoa, cây cảnh.
Đối với chăn nuôi, thành phố đẩy mạnh phát triển đàn lợn, đàn trâu, đàn bò; phát triển chăn nuôi theo vùng, ứng dụng công nghệ cao, phát triển chăn nuôi theo nhu cầu thị trường, chuỗi giá trị…
Ngoài ra, thành phố tập trung xây dựng những sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với làng nghề và các giá trị tài nguyên du lịch khu vực nông thôn Hà Nội…
Đặc biệt, thành phố tiếp tục xây dựng NTM đi vào chiều sâu, bền vững, thực chất, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và hoàn thành cao nhất các mục tiêu trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy đề ra.
Mục tiêu đến năm 2030, 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Ít nhất 2.000 sản phẩm OCOP được thành phố đánh giá, phân hạng. Thu nhập nông dân khu vực nông thôn đạt 120 triệu đồng/người/năm.
Thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội.