Hà Nội hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, TP Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn, công nghệ cũng như kết nối trực tiếp và trực tuyến với đối tác, khách hàng trong và ngoài nước.
Tạo cơ chế chính sách trong việc thu hút nguồn vốn
Thời gian qua, sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, TP. Hà Nội dành cho các doanh nghiệp được đánh giá cao khi đã tạo ra cơ chế chính sách trong việc thu hút nguồn vốn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Bên cạnh đó, đã tạo ra các "sân chơi", các sự kiện, hội chợ, hội thảo, triển lãm để kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, tính đến nay, trên địa bàn TP. Hà Nội có khoảng 960 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, với trên 320 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới.
Công nghiệp hỗ trợ phát triển sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng các chỉ số phát triển công nghiệp trên địa bàn thành phố, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, và tăng trưởng GRDP đạt mục tiêu đặt ra của năm 2023.
TP Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn, công nghệ cũng như kết nối trực tiếp và trực tuyến với đối tác, khách hàng trong và ngoài nước.
"Đồng thời, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội, ngành hàng trên địa bàn TP. Hà Nội, đặc biệt là Hiệp hội doanh nghiệp của Nhật Bản và Phòng Thương mại Italia tại Việt Nam-Hiệp hội Doanh nghiệp Italia tại Việt Nam (ICHAM) để kết nối khu vực châu Á cũng như khu vực châu Âu, nhằm thúc đẩy cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội", bà Trần Thị Phương Lan cho hay.
Sở cũng tổ chức các hội thảo tư vấn hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam có thêm nhiều kiến thức khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là việc kết nối trực tiếp của các doanh nghiệp trong các buổi hội thảo cũng như trong các chương trình xúc tiến thương mại, từ đó, thúc đẩy cho công nghiệp của Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung phát triển.
Đẩy mạnh hoạt động công nghiệp hỗ trợ
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân, phát triển và hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, kết nối tiêu thụ sản phẩm và nâng cao nguồn nhân lực là một trong những mục tiêu trọng tâm của HANSIBA riêng trong năm 2023. HANSIBA đang nỗ lực giúp các doanh nghiệp cùng phát triển bằng việc kết nối các doanh nghiệp có được bạn hàng trong nước và quốc tế.
Đồng thời, tiếp tục phát triển hội viên, quy tụ các doanh nghiệp đã, đang và sẽ tham gia hiệp hội để hiểu rõ năng lực cũng như nhu cầu của mỗi hội viên trong từng lĩnh vực để kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp về nguồn vốn, chính sách đất đai, vật tư thiết bị đầu vào, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng từng bước đẩy mạnh hoạt động công nghiệp hỗ trợ của thành
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội Nguyễn Hoàng cho biết, TP. Hà Nội sẽ thuê chuyên gia tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuộc các ngành nghề, lĩnh vực, mặt hàng sản xuất thuộc danh mục sản phẩm ưu tiên phát triển; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất.
Đồng thời, tạo môi trường gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội, kết nối giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp nhằm giúp các doanh nghiệp Hà Nội tham gia cung ứng cho các doanh nghiệp trong nước và chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu trong công nghiệp chế tạo.
Thành phố cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại; mua bản quyền, sáng chế, phần mềm (bao gồm cả chuyển đổi số); nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu…
Mới đây, Hội chợ công nghiệp hỗ trợ Hà Nội 2023 đã diễn ra trong 3 ngày từ 23 đến 25/8, tại Hà Nội, nhằm kết nối kinh doanh B2B dành cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế tạo. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội chợ công nghiệp hỗ trợ Hà Nội 2023 (FBC Asean 2023), được tổ chức tại số 1 Đỗ Đức Dục, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Đây là sự kiện quy tụ gần 200 doanh nghiệp chế tạo, đặc biệt có gần 40 hãng mua hàng đến từ Nhật Bản, Mỹ, Thái Lan, Việt Nam… tham gia theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với tổng số lượng nhu cầu tìm nhà cung cấp tại Việt Nam là gần 100 đơn vị. Điều này giúp cho việc giao thương tại sự kiện có trọng điểm hơn, các cuộc giao thương có thể nhanh chóng thiết lập thành các hợp đồng giao dịch ngay tại khuôn khổ sự kiện.
Một số nhu cầu tìm kiếm nhà cung cấp tiêu biểu là: gia công cơ khí, khuôn mẫu, linh kiện dập, đúc, xử lý nhiệt, linh kiện điện tử, nguyên vật liệu… Trong số các nhu cầu này, cũng có nhiều lĩnh vực mà Việt Nam đang có thế mạnh, vì vậy sự kiện kỳ vọng có thể tạo ra hàng nghìn cuộc kết nối giao thương đem đến các cơ hội kinh doanh với giá trị nhiều triệu USD cho các doanh nghiệp tham gia và khách tham quan.