Hà Nội: Hơn 1,5 triệu người thi tìm hiểu về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến

Cuộc thi trực tuyến 'Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến' do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức sau 1 tháng đã thu hút 1.512.991 người tham gia dự thi, trở thành cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật có số lượng người dự thi cao nhất từ trước tới nay trên địa bàn Hà Nội.

Cuộc thi bắt đầu từ ngày 1/8/2023 và kết thúc vào 24h00 ngày 1/9/2023, với đối tượng dự thi là công dân Việt Nam và người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, hiện đang sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Cho biết đã trả lời đúng tất cả các câu hỏi trắc nghiệm, em Nguyễn Nhật Mai, sinh viên K47 khoa Pháp luật thương mại quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ: Cuộc thi thật sự rất hữu ích, giúp em hiểu đầy đủ thông tin về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến.

Nhờ trả lời các câu hỏi, em đã hiểu rõ thế nào là định danh điện tử, xác thực điện tử, ứng dụng VneID... biết được tài khoản định danh điện tử mức độ 1, mức độ 2 tích hợp những thông tin gì, sau khi kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 thành công có thể thực hiện những dịch vụ công trực tuyến nào, cần bảo mật tài khoản định danh điện tử ra sao...

Cuộc thi được tổ chức trực tuyến giúp người dân dễ dàng tham gia.

Cuộc thi được tổ chức trực tuyến giúp người dân dễ dàng tham gia.

Anh Nguyễn Văn Lực, trú tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì cho hay, cuộc thi có những thông tin khiến anh cảm thấy rất thú vị như giúp người dự thi hiểu được 12 số trên Thẻ Căn cước công dân (3 chữ số đầu tiên là mã tỉnh, thành phố hoặc quốc gia nơi công dân khai sinh; 1 chữ số tiếp theo là mã giới tính và mã thế kỷ sinh của công dân; 2 số tiếp theo là mã năm sinh của công dân và 6 chữ số cuối là khoảng số ngẫu nhiên).

“Trả lời các câu hỏi trắc nghiệm giúp tôi hiểu rõ hơn các thông tin được tích hợp trên Thẻ Căn cước công dân gắn chíp, biết có thể sử dụng thẻ để thực hiện các giao dịch, các thủ tục hành chính mà không phải mang theo nhiều loại giấy tờ. Đáng yên tâm là thông tin cho biết chíp gắn trên căn cước công dân không có chức năng định vị, theo dõi công dân, Thẻ căn cước công dân gắn chíp có độ bảo mật cao”, anh Lực nói.

Còn ông Nguyễn Minh Họa (trú tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ) cho biết, qua dự thi, ông đã có thêm nhiều thông tin hữu ích khi cần làm các dịch vụ công trực tuyến, biết có thể làm thủ tục đổi giấy phép lái xe trực tuyến, cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến, nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, ứng dụng VssID có thể tra cứu những tính năng gì... “Tôi thấy việc phổ biến pháp luật qua các cuộc thi tìm hiểu dạng này rất dễ hiểu, dễ nhớ”, ông Họa nói.

Kết thúc cuộc thi cho thấy, khá nhiều đơn vị có số người tham gia dự thi đông như: Huyện Đông Anh có 231.995 người tham gia dự thi; huyện Hoài Đức có 255.119 người tham gia dự thi, quận Cầu Giấy có 212.887 người tham gia dự thi, quận Thanh Xuân có 103.439 người tham gia dự thi, quận Bắc Từ Liêm có 93.233 người tham gia dự thi...

Nhiều học sinh, sinh viên tham gia cuộc thi.

Nhiều học sinh, sinh viên tham gia cuộc thi.

Bên cạnh đó, khối sở, ngành cũng có nhiều đơn vị có số lượng dự thi đông như Sở Giáo dục và Đào tạo với 8.858 người tham gia dự thi, Công an Thành phố với 4.008 người tham gia dự thi; Sở Y tế có 3.963 người tham gia dự thi, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có 1.971 người tham gia dự thi…

Hiện nay, Ban Giám khảo Cuộc thi đang chấm thi đối với phần thi tự luận theo Thể lệ Cuộc thi. Theo đó, Ban Giám khảo cuộc thi Thành phố, quận, huyện, thị xã triển khai chấm sơ khảo bằng hình thức lựa chọn 1.000 bài dự thi hợp lệ có điểm phần thi trắc nghiệm cao nhất, có tham gia bài thi tự luận để chấm phần thi tự luận, gồm 700 bài dự thi đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên và 300 bài dự thi đối với người dưới 18 tuổi.

Cuộc thi sẽ được Ban Tổ chức Thành phố trao giải cá nhân và tập thể. Giải cá nhân gồm 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 20 giải Ba và 20 giải Khuyến khích (dành cho người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi và người từ đủ 18 tuổi trở lên). Giải tập thể gồm 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 10 giải Ba dành cho các cơ quan, tổ chức, địa phương có số người tham gia cao nhất, nộp bài đúng hạn, có hình thức tổ chức tốt việc tuyên truyền về cuộc thi.

Theo Ban Tổ chức, cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến” nhằm phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật về định danh điện tử, dịch vụ công trực tuyến, từ đó tạo đồng thuận để người dân tích cực tham gia, sử dụng ứng dụng VNeID, dịch vụ công trực tuyến trong các giao dịch hàng ngày; giúp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam cư trú trên địa bàn Thành phố nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật về định danh điện tử, dịch vụ công trực tuyến.

Đồng thời, cuộc thi nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam (9/11) trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến” do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức sau 1 tháng đã thu hút 1.512.991 người tham gia dự thi, trở thành cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật có số lượng người dự thi cao nhất từ trước tới nay trên địa bàn Hà Nội.

Nhiều đơn vị có số người tham gia dự thi đông như: Huyện Đông Anh có 231.995 người tham gia dự thi; huyện Hoài Đức có 255.119 người tham gia dự thi, quận Cầu Giấy có 212.887 người tham gia dự thi, quận Thanh Xuân có 103.439 người tham gia dự thi, quận Bắc Từ Liêm có 93.233 người tham gia dự thi...

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ha-noi-hon-15-trieu-nguoi-thi-tim-hieu-ve-dinh-danh-dien-tu-va-dich-vu-cong-truc-tuyen-160070.html