Hà Nội: Họp báo tình hình kinh tế - xã hội tháng 2-2023

Chiều 9-3, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2-2023 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

 Quang cảnh cuộc họp báo tình hình kinh tế - xã hội tháng 2-2023.

Quang cảnh cuộc họp báo tình hình kinh tế - xã hội tháng 2-2023.

Chánh Văn phòng UBND Thành phố kiêm người phát ngôn của UBND Thành phố Trương Việt Dũng; Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Việt Hùng đồng chủ trì họp báo.

Tham dự họp báo có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, quận, huyện và đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương, Thành phố. Buổi họp báo được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu UBND Thành phố tới điểm cầu UBND 30 quận, huyện, thị xã.

Nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội tăng trưởng khá

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Văn Quân, bức tranh kinh tế - xã hội của Thủ đô hai tháng đầu năm có nhiều điểm nổi bật. Cụ thể,tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 108.761 tỷ đồng, đạt 30,8% dự toán. Chi ngân sách địa phương 10.879 tỷ đồng, đạt 10,4% dự toán, bằng 114,2% so với cùng kỳ.

Xuất, nhập khẩu tháng 2 tăng khá, so với tháng 2-2022 kim ngạch xuất khẩutăng 17,2% (cùng kỳ tăng 53%); kim ngạch nhập khẩu tăng 13,2% (cùng kỳ tăng 37,8%). Ngành Thương mại - Dịch vụ tăng trưởng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 đạt 59,490 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với tháng 2-2022 (cùng kỳ tăng 11,1%). Tổng doanh thu ngành vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 15,864 nghìn tỷ đồng, tăng 22,9% so với tháng 2-2022 (cùng kỳ tăng 26,3%).

Trong lĩnh vực du lịch, tháng 2-2023, Hà Nội đón 340 nghìn lượt khách, tăng hơn 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế (có lưu trú) đạt 210 nghìn lượt khách, tăng 14,7 lần, khách du lịch nội địa đạt 130 nghìn lượt khách, tăng 39%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nhẹ 0,49% so với tháng 1-2023 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2022. Một số nhóm hàng có chỉ số CPI tăng cao như: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống, đồ uống và thuốc lá... Tuy nhiên, có hai nhóm hàng giảm nhẹ là: Giáo dục giảm 0,31%; bưu chính, viễn thông giảm 1,94%.

Sản xuất công nghiệp tháng 2-2023 tăng khá, tuy nhiên lũy kế hai tháng giảm so với cùng kỳ. Một số ngành công nghiệp chủ lực có chỉ số sản xuất tăng khá so với cùng kỳ năm trước như: Chế biến thực phẩm, đồ uống, sản phẩm thuốc lá, trang phục, xe có động cơ tăng...

Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định. Sản lượng thịt gia súc, gia cầm trong tháng dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân sau dịp Tết Nguyên đán, không xảy ra tình trạng khan hiếm thực phẩm.

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư của Thành phố tiếp tục được cải thiện. Trong tháng 2-2023 có 2.045 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 23.482 tỷ đồng (tăng 48% về số lượng doanh nghiệp và giảm 17% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước). Lũy kế 02 tháng đầu năm, có 3.691 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 38.218 tỷ đồng (tăng 2% về số lượng doanh nghiệp và giảm 39% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước). Thành phố thu hút 14,37 triệu USD vốn FDI. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 4.948 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ.

Công tác tổ chức Tết Nguyên đán 2023 và bảo đảm an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện nghiêm túc. Hàng hóa cung ứng phục vụ Tết dồi dào, đa dạng, giá bán tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng. Công tác phòng chống dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm cấp cứu, khám chữa bệnh được triển khai nghiêm túc, theo quy định. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện, chính trị, văn hóa; mục tiêu trọng điểm, các điểm vui chơi công cộng... Trong tháng 2-2023, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 14.095 lao động, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 92,9% dân số. Số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp đều tăng.

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2023

Năm 2023, Thành phố tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm. Hoàn thành Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện hiệu quả các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế; giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công; xử lý dứt điểm, hiệu quả các vấn đề tồn đọng trong đầu tư ngoài ngân sách, nhất là các dự án đầu tư chậm tiến độ. Triển khai thực hiện Kế hoạch của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa và các sáng kiến gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Bên cạnh đó, Thành phố sẽ đẩy mạnh công tác quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị, nông thôn; Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; xử lý các dự án có sử dụng đất chậm tiến độ trên địa bàn; phát triển hạ tầng số, các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; cải cách hành chính; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…

Cũng tại buổi họp báo, lãnh đạo các sở, ngành của thành phố đã thông tin nhiều vấn đề dư luận quan tâm, như: quản lý, sử dụng tài sản công; đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, lập lại trật tự vỉa hè; hạ tầng giáo dục; giải phóng mặt bằng Dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô ...

Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Sáng đã thông tin về lộ trình điều chỉnh giá nước sạch trên địa bàn Hà Nội trong thời gian tới. Theo đó, hệ thống sản xuất, phân phối nước sạch đã đáp ứng được nhu cầu nước sạch trên địa bàn Thành phố, khắc phục được tình trạng thiếu nước sạch. Nguồn nước cũng chuyển đổi từ nước ngầm sang nước mặt để từng bước đảm bảo nguồn cung và chất lượng nước.
Hiện nay, các chi phí cấu thành giá nước sạch, như tiền lương, chi phí điện năng, nguyên vật liệu và chi phí đầu tư đều tăng, dẫn đến việc cần phải điều chỉnh giá nước sạch nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, khuyến khích các chủ thể sử dụng nước tiết kiệm, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, phân phối nước sạch giảm chi phí, giảm thất thoát; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, phân phối nước sạch. Mức giá sẽ áp dụng cho các đối tượng khách hàng cụ thể, như hộ gia đình, đơn vị cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp, trong đó phương án giá dự kiến 1 hộ gia đình tiêu thụ thực tế đến 10m3 trong 1 tháng sẽ tăng 15.270 đồng/tháng. Các nhóm khách hàng khác có hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ thì tăng khoảng 20%. Mức tăng này chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng chi phí của các doanh nghiệp, các đơn vị.
Về vấn đề lập lại trật tự vỉa hè, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội Dương Đức Hải cho biết, Công an Thành phố đã chuẩn bị các giải pháp để tham mưu cho BCĐ 197 duy trì thường xuyên liên tục, việc "giành lại vỉa hè cho người đi bộ", để người dân ý thức về "vỉa hè không phải là nơi kinh doanh buôn bán" và việc tuyên truyền này phải làm một cách bền bỉ. Kế hoạch được chia làm 3 giai đoạn cụ thể, gồm: Giai đoạn 1: Tuyên truyền trước khi ra quân tổng kiểm tra; Giai đoạn 2: Ra quân tổng kiểm tra, xử lý; Giai đoạn 3: Kiểm tra, duy trì, không để tái diễn vi phạm. Ngoài việc tuyên truyền và xử lý cứng rắn, công an Thành phố sẽ có giải pháp tham mưu cụ thể như chợ cóc phải vào chợ chính; điều chỉnh quy hoạch các điểm đỗ xe. Theo Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội, vừa qua một số quận đã vào cuộc rất tốt, tuy nhiên một số quận, huyện chưa vào cuộc một cách quyết liệt, còn thụ động. Vì vậy, Công an Thành phố sẽ là đơn vị tham mưu chính để phân công rõ người, rõ trách nhiệm. Công an Thành phố đã thành lập các đoàn kiểm tra, trực tiếp quay phim, chụp ảnh, xem xét, trách nhiệm từng nơi.
Liên quan đến dư luận phản ánh về dẹp vỉa hè có thể ảnh hưởng đến người lao động mưu sinh kiếm sống, ông Dương Đức Hải cho biết: "Chúng tôi đánh giá thực tế số người bám vỉa hè mưu sinh không nhiều, hầu hết là các cửa hàng kinh doanh thì sắp xếp lùi vào trong; với các cửa hàng tạp vụ khác sắp xếp gọn lại".
"Với các hàng trà đá vỉa hè, từ thực từng địa phương, mỗi khu dân cư, tổ dân phố sẽ xem xét bố trí, đưa các hàng này vào ngõ sao cho gọn gàng; nhất là ở các tuyến phố chính", Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội nêu rõ.

Tin, ảnh: HƯƠNG SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/ha-noi-hop-bao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-thang-2-2023-721147