Hà Nội: Khai trương tuyến du lịch 'Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội'
Ngày 12/4/2024, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức Chương trình khảo sát trải nghiệm và công bố tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức với chủ đề 'Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội'. Với các điểm đến, đó là: Đình Đền Nội Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai); Làng nghề tăm hương (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa); Làng nghề dệt Phùng Xá (Xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức).
Theo đó, Đình Đền Nội Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai) gắn với truyền thuyết Lạc Long Quân cùng 50 người con xuống biển. Sự khéo léo và cần cù của người Việt sống trên đồng bằng Bắc Bộ đã hình thành ra bao nhiêu làng nghề với đa dạng sản phẩm. Tất cả đã phát triển đến những đỉnh cao khác nhau về tính nghệ thuật trong nghề truyền thống. Tại đây có Lễ hội Bình Đà diễn ra từ ngày 12/4 đến 14/4 (tức mùng 4 đến mùng 6 tháng 3 năm Giáp Thìn 2024) với nhiều nghi lễ đặc sắc. Đình Nội Bình Đà đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1990. Lễ hội Bình Đà được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể văn hóa cấp quốc gia đầu tiên của thành phố Hà Nội năm 2014. Đoàn khảo sát trải nghiệm tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội” được nghe hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về Đình Đền Nội Bình Đà và Lễ hội Bình Đà; tham quan khu trưng bày ảnh và các hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí tại Lễ hội; dâng hương, dâng văn tại Phương Đình.
Tới làng nghề tăm hương (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa), du khách trong và ngoài nước thích thú, vui vẻ, chụp ảnh với không gian văn hóa đình làng Bắc Bộ; không gian sắc màu của làng nghề tăm hương. Nơi đây là điểm đến không chỉ để chụp ảnh mà du khách còn được khám phá nhiều nét đẹp khác của làng nghề và văn hóa ẩm thực ở địa phương. Đoàn tập trung tại Đình Cầu Bầu làm lễ dâng hương và chụp ảnh; tham quan, trải nghiệm nghề làm tăm hương.Điểm đến cuối cùng của tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội” đó là Làng nghề dệt Phùng Xá (Xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội), thường gọi theo sản phẩm độc đáo Làng tơ tằm - tơ sen Mỹ Đức. Từ các công đoạn trồng dâu, nuôi tằm, se tơ, dệt vải, trồng sen làm sợi tơ sen, dệt thêu tơ sen đã làm cho sản phẩm trở nên độc đáo, đặc biệt là vải vải và thêu tơ sen, vải tơ tằm do con tằm tự dệt. Giới thiệu về xã Phùng Xá và làng nghề dệt; Giới thiệu và hướng dẫn cho đoàn về khu vực trồng dâu, sen, nuôi tằm và thăm xưởng dệt của nghệ nhân Phan Thị Thuận. Phối hợp với nghệ nhân để giới thiệu, biểu diễn, trải nghiệm quay tơ, làm tơ sen.
Trong buổi chiều ngày 12/4, tại huyện Thanh Oai, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức tổ chức tọa đàm "Giải pháp phát triển tuyến du lịch trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức, thúc đẩy kết nối các điểm đến di tích - di sản và làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội". Phát biểu tại tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, Sở Du lịch Hà Nội đã triển khai xây dựng tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức với chủ đề “Con đường di sản Nam Thăng Long”. Đây là bước đi nhằm từng bước đầu tư hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với di sản, di tích, làng nghề, góp phần tạo điểm đến du lịch chất lượng cao, tiêu biểu của thành phố Hà Nội; phát huy tính liên kết, hợp tác của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực du lịch theo hướng bảo tồn và phát triển du lịch bền vững. Đây cũng là tuyến du lịch nội đô chính thức đầu tiên được công bố trong kế hoạch phát triển hệ thống các tuyến du lịch kết nối trung tâm Hà Nội với các địa phương ở ngoại thành và xa hơn là kết nối với các tỉnh, thành phố khác trong vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng. Trên cơ sở đó, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch cần đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch mới, cung cấp các dịch vụ chất lượng phục vụ du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt sẽ hình thành các chương trình du lịch đa dạng với chủ đề khác nhau, kết nối các điểm du lịch trên một hay nhiều tuyến du lịch.
Nhân dịp này, đại diện Chi hội Du lịch xanh Việt Nam, Chi hội Lữ hành Hà Nội và Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với đại diện lãnh đạo của một số điểm đến du lịch trọng điểm trên tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức nhằm nâng cao chất lượng tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long”, đồng thời liên kết phát triển với các di tích - di sản và làng nghề khác trên địa bàn Thủ đô.
Lễ khai trương tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức với chủ đề “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội” điểm về nguồn cội do Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với 3 huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức đã diễn ra tại Lễ hội Bình Đà 2024. Các đại biểu, gồm: đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; đồng chí Phùng Thị Hồng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội; đồng chí Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội; PGS.TS. Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; Đồng chí Bùi Văn Sáng, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai; đồng chí Ngô Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa; đồng chí Đặng Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức; ông Phùng Quang Thắng, Chi hội trưởng Chi hội Du lịch Xanh Việt Nam cùng nhau nhấn nút ra mắt Tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội”.