Hà Nội không có hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc gia đình chính sách người có công

Với tình cảm và trách nhiệm với gia đình chính sách, người có công, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hà Nội đặc biệt quan tâm bằng các việc làm cụ thể, thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công, các phong trào Đền ơn đáp nghĩa với nhiều hoạt động phong phú và thiết thực.

Hà Nội không có hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc gia đình chính sách người có công.

Hà Nội không có hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc gia đình chính sách người có công.

Đã thành thông lệ hàng năm, Sở LĐ-TB&XH chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi với từng đối tượng chính sách; thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình đời sống người có công để tham mưu tặng quà đột xuất, hỗ trợ những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, cũng chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tích cực xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, trích ngân sách địa phương triển khai các hoạt động như: Tu sửa Nghĩa trang liệt sĩ; hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công; tặng quà đối tượng chính sách hoàn cảnh khó khăn… Đến nay trên địa bàn TP không có hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc gia đình chính sách người có công; 100% hộ gia đình chính sách đều có cuộc sống ổn định.

Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã ban hành gần 470 văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, TP và các cơ quan, đơn vị liên quan để phối hợp giải quyết chính sách ưu đãi đối với người có công trên địa bàn; Phối hợp tra cứu, cung cấp thông tin đối với 12 trường hợp liệt sĩ cho các các đơn vị quân đội để phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin; Hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã về việc tiếp nhận hồ sơ theo Nghị định 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ và thực hiện Nghị Quyết số 24/2022/NĐ-HĐND TP quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng; Tham mưu UBND TP ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ...

Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trước đó, để các gia đình chính sách, người có công được đón Tết trong không khí vui tươi, ấm áp, ngoài những phần quà của Chủ tịch nước, TP Hà Nội đã tổ chức các đoàn đại biểu đến thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách tiêu biểu và tặng các suất quà đến tận tay đối tượng. TP đã trao tặng gần 1,8 triệu suất quà cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí hơn 834 tỷ đồng, trong đó, nguồn vận động xã hội hóa bằng 15% tổng kinh phí quà tặng.

Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH và các quận, huyện, thị xã đã đi thăm và chuyển quà của TP tới 87 tổ chức tiêu biểu, bao gồm các đơn vị điều dưỡng, nuôi dưỡng người có công, bảo trợ xã hội, cơ sở cai nghiện, các hội, cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh, các hội người khuyết tật trên địa bàn; các trung tâm nuôi dưỡng người có công của Bộ LĐ-TB&XH, của các tỉnh liền kề…

Ngay từ cuối tháng 5/2023, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà gia đình chính sách. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đang phối hợp các BV quân đội, BV thuộc Sở Y tế Hà Nội tổ chức khám bệnh, tư vấn, cấp thuốc miễn phí tại 62 điểm trên địa bàn Thủ đô. Đã có hơn 4.000 đối tượng chính sách được khám bệnh, cấp thuốc trị giá hơn 900 triệu đồng.

Trong 5 năm gần đây, TP đã ban hành nhiều chính sách đặc thù, tăng mức tặng quà và mở rộng đối tượng hỗ trợ dành cho người có công và thân nhân. Sau Nghị quyết từ năm 2018, tại kỳ họp thứ 10, khóa 16 được tổ chức đầu tháng 12/2022, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công của TP Hà Nội; mức hỗ trợ kinh phí hoạt động hằng năm của đại diện các Ban liên lạc tù chính trị TP Hà Nội và nội dung, mức tặng quà của TP tới các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7, Ngày Quốc khánh 2/9.

Theo Nghị quyết mới, với việc mở rộng hỗ trợ người có công và thân nhân người có công; tăng mức quà tặng các đối tượng chính sách, dự kiến mỗi năm Hà Nội dành khoảng 114 tỷ đồng cho công tác này. Đáng chú ý, người có công và thân nhân liệt sĩ của Hà Nội sẽ được đi điều dưỡng mỗi năm một lần thay vì hai năm một lần theo quy định của Trung ương. Ngoài ra, đối tượng đi điều dưỡng được nhận hỗ trợ tiền khám sức khỏe 1.000.000 đồng/người/năm.

Hướng đến kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023). Theo kế hoạch, TP sẽ vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tặng 1.254 sổ tiết kiệm tình nghĩa; tu sửa, nâng cấp 53 công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ tu sửa, nâng cấp nhà ở đối với 143 hộ gia đình người có công; dự kiến trao 121.215 suất quà tới các đối tượng với tổng kinh phí hơn 192,8 tỷ đồng… nhằm tri ân những hy sinh, mất mát to lớn của các thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công.

Đến thời điểm này, các quận, huyện, thị xã cũng đang trong đợt cao điểm tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, tích cực huy động nguồn xã hội hóa để hỗ trợ người có công và thân nhân có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Tất cả các đơn vị đều quyết tâm hoàn thành công tác thăm hỏi, tặng quà trước ngày 27/7 và bảo đảm đúng chính sách, đúng đối tượng, công khai, dân chủ.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-khong-co-ho-ngheo-ho-can-ngheo-thuoc-gia-dinh-chinh-sach-nguoi-co-cong-344554.html