Hà Nội khuyến khích đầu tư đô thị ngầm, bãi đỗ xe

HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết ban hành danh mục các công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng trên địa bàn Thành phố.

Thông qua danh mục 150 khu đất thực hiện dự án thí điểm

Sáng 10/7, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 25 HĐND Thành phố Hà Nội, các đại biểu đã thông qua danh mục 150 khu đất dự kiến thực hiện dự án thí điểm trên địa bàn Thành phố theo Nghị quyết số 171/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội (Đợt 2).

UBND Thành phố đã rà soát, trình HĐND Thành phố đề nghị thông qua danh mục khu đất dự kiến thực hiện dự án thí điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội (đợt 2) theo Nghị quyết số 171/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội là cần thiết.

Đồng thời, HĐND Thành phố thống nhất, việc quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp.

Ban Kinh tế - Ngân sách đã tiến hành thẩm tra, trong đó nêu ra 7 nội dung cần được làm rõ, bao gồm việc bổ sung căn cứ pháp lý liên quan đến đất an ninh quốc phòng, rà soát lại phạm vi và tiêu chí một số khu đất, loại bỏ những khu đất chưa có ý kiến thống nhất hoặc có sự chồng chéo đề xuất từ nhiều tổ chức.

Căn cứ vào tờ trình và các báo cáo giải trình của UBND Thành phố, HĐND Thành phố thống nhất thông qua danh mục gồm 150 khu đất với tổng diện tích 690,04ha, thay vì 155 khu đất với diện tích 702,06 ha như tờ trình ban đầu.

Đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng trong sáng 10/7.

Đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng trong sáng 10/7.

Cụ thể, 5 khu đất đã được loại bỏ khỏi danh mục, bao gồm: 3 khu đất chưa đủ điều kiện thông qua kỳ này do các vấn đề liên quan đến hồ sơ và tiêu chí là Dự án Tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở Five Star Hà Đông; Dự án khu nhà ở cho lãnh đạo cao cấp Ban Đảng Trung ương; Dự án khu nhà ở Xuân Thanh.

2 khu đất được loại bỏ do trùng lặp với danh mục 148 dự án đã được HĐND thông qua tại kỳ họp trước là Khu đất thực hiện khu nhà ở Harizon Land Hoàng Mai; Khu đất thực hiện dự án khu nhà ở Hoàng Mai.

Khuyến khích đầu tư 8 tuyến đường sắt đô thị ngầm

Cũng tại kỳ họp, HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết ban hành danh mục các công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng trên địa bàn (đợt 1), nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024.

Nội dung đáng chú ý là thành phố khuyến khích đầu tư 8 tuyến đường sắt đô thị ngầm với tổng chiều dài khoảng 320,25 km, gồm 191 nhà ga (trong đó có 81,2 km đi ngầm và 68 ga ngầm). Cụ thể gồm các tuyến:

Tuyến số 2 (Nội Bài – Thượng Đình – Hà Đông); Tuyến số 2A (Cát Linh – Hà Đông); Tuyến số 3 (Trôi – Nhổn – Yên Sở); Tuyến số 4 (Mê Linh – Sài Đồng – Liên Hà);Tuyến số 5 (Văn Cao – Hòa Lạc); Tuyến số 6 (Nội Bài – Ngọc Hồi); Tuyến số 7 (Mê Linh – Hà Đông); Tuyến số 8 (Sơn Đồng – Dương Xá).

Thành phố khuyến khích đầu tư 8 tuyến đường sắt đô thị ngầm với tổng chiều dài khoảng 320,25 km.

Thành phố khuyến khích đầu tư 8 tuyến đường sắt đô thị ngầm với tổng chiều dài khoảng 320,25 km.

Đây là các tuyến nằm trong quy hoạch giao thông khung, có vai trò then chốt trong việc hình thành mạng lưới metro hiện đại, kết nối liên khu vực và giảm tải cho giao thông mặt đất.

Ngoài ra, Hà Nội cũng khuyến khích đầu tư 85 công trình ngầm khác, gồm năm hầm chui giao thông, 78 bãi đỗ xe ngầm và hai công trình công cộng ngầm; cùng với 95 tuyến phố hạ ngầm hệ thống dây điện, viễn thông và hạ tầng kỹ thuật dùng chung.

Theo UBND Thành phố Hà Nội, việc phát triển không gian ngầm là giải pháp tất yếu trong bối cảnh quỹ đất mặt đất ngày càng hạn chế, hệ thống thoát nước cũ kỹ và giao thông thường xuyên ùn tắc. Không gian ngầm sẽ phục vụ đa chức năng: từ tuyến metro, hầm chui, bãi đỗ xe ngầm đến trung tâm thương mại, văn hóa dưới lòng đất.

Đặt tên, đổi tên và điều chỉnh độ dài một số đường

Cũng trong sáng 10/7, HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc đặt tên, đổi tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố và công trình công cộng.

Theo đó, Hà Nội có thêm 38 tuyến đường, phố được đặt tên mới, trong đó có việc khôi phục tên phố Hàng Lọng – một tên gọi gắn liền với lịch sử văn hóa Thăng Long – Hà Nội.

Trong 38 tuyến đường, phố mới được đặt tên lần này, có 17 tuyến mang tên địa danh và 21 tuyến mang tên danh nhân thuộc các lĩnh vực chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học... Nổi bật có: Chử Đồng Tử, Tiên Dung, Tô Gĩ (tức Lê Giản), Doãn Tuế, Tưởng Dân Bảo, Phan Hiền, Học Phi, Dương Bá Trạc...

Ngoài ra, Hà Nội cũng dự kiến đặt tên 14 công trình công cộng: Vườn hoa Phúc Lợi, Vườn hoa Việt Hưng, Vườn hoa Sài Đồng, Vườn hoa Gia Quất, Vườn hoa Ái Mộ, Vườn hoa Bồ Đề, Vườn hoa Nghè Ngô, Vườn hoa Thạch Bàn, Vườn hoa Cự Khối, Vườn hoa Lâm Hạ, Vườn hoa Kim Quan), Vườn hoa Phạm Khắc Quảng, Vườn hoa Ngô Huy Quỳnh (quận Long Biên cũ). Vườn hoa Thường Tín (huyện Thường Tín cũ).

HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc đặt tên, đổi tên và điều chỉnh độ dài một số đường.

HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc đặt tên, đổi tên và điều chỉnh độ dài một số đường.

Đổi tên công trình công cộng Công viên Tuổi trẻ Thủ đô thành Công viên Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng cũ).

Tính đến hết năm 2024, Hà Nội đã có 1.414 tuyến đường, phố, ngõ và công trình công cộng được đặt tên. Trong đó, 864 phố, 340 đường, 1 đại lộ, 43 công trình công cộng và 166 ngõ. Về tên gọi, có 589 tuyến mang tên danh nhân, 594 tuyến mang tên địa danh và 231 tuyến mang tên sự kiện, di tích, danh từ chung...

Theo đánh giá của TP Hà Nội, việc đặt tên mới và điều chỉnh độ dài đường, phố không chỉ phục vụ công tác quản lý dân cư, đô thị, giao thông và hành chính mà còn góp phần giữ gìn di sản, nâng cao ý thức cộng đồng, khơi dậy niềm tự hào về lịch sử và văn hóa địa phương.

Quy định mới về kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển Thủ đô"

Các đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội đã thống nhất thông qua Nghị quyết quy định về việc xét tặng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển Thủ đô Hà Nội".

Theo đó, kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển Thủ đô Hà Nội" là hình thức khen thưởng cấp thành phố, do Chủ tịch UBND Thành phố trao tặng cho các cá nhân có thành tích đóng góp trong nhiều lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của Thủ đô.

Về nguyên tắc xét tặng, việc xét tặng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển Thủ đô Hà Nội" đảm bảo chính xác, công khai, công bằng, kịp thời. Việc xét tặng bảo đảm đại diện lĩnh vực, địa bàn; ưu tiên người lao động trực tiếp, cán bộ cơ sở.

Mỗi cá nhân chỉ được đề nghị một cơ quan, đơn vị hoặc địa phương xét, trình và chỉ được tặng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển Thủ đô Hà Nội" một lần; không áp dụng hình thức truy tặng.

Nguyễn Hữu Thắng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ha-noi-khuyen-khich-dau-tu-do-thi-ngam-bai-do-xe-204250710110957072.htm