Hà Nội kích hoạt nguồn lực,bứt phá cùng Nghị quyết 68 - NQ/TW
Trong làn sóng chuyển động mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân trên cả nước, Hà Nội đang thể hiện quyết tâm bứt phá bằng loạt chính sách cụ thể, đồng bộ và thực chất. Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị được xem là 'kim chỉ nam' để Thủ đô định hình một giai đoạn phát triển mới, nơi doanh nghiệp tư nhân không chỉ là trụ cột tăng trưởng, mà còn là động lực đổi mới sáng tạo và hội nhập toàn cầu.
Xóa bỏ mọi rào rản…
Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động và tổ chức các hội thảo, hội nghị để quán triệt, gần đây nhất là Hội thảo khoa học “Khơi thông nguồn lực - Bứt phá phát triển kinh tế tư nhân Thủ đô”. Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Hội thảo được tổ chức nhằm triển khai các nghị quyết, kế hoạch, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, Nghị quyết số 68/NQ-TW của Bộ Chính trị đã xác định “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”.
Đây là định hướng lớn, khẳng định rõ vị trí, vai trò, sứ mệnh và kỳ vọng lớn lao đặt vào khu vực kinh tế tư nhân trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã có rất nhiều nỗ lực nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Theo đó, tốc độ tăng và tỷ trọng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội của khu vực kinh tế tư nhân tăng mạnh qua các năm (bình quân tăng 7,3% và chiếm tỷ trọng 57,8%); Đóng góp trên 45% GRDP của thành phố, tạo ra gần 80% việc làm mới mỗi năm.
Tuy đã có những bước phát triển khá tốt, nhưng Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, vẫn còn nhiều hạn chế như: Doanh nghiệp tư nhân đông về số lượng nhưng chủ yếu quy mô nhỏ, siêu nhỏ; Trình độ công nghệ, quản trị còn hạn chế; Khả năng liên kết, hợp tác kinh doanh hạn chế, năng lực cạnh tranh và năng lực tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu còn yếu…
Theo TS.Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, để tạo đà cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, trước hết, thành phố phải cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Giải pháp này không tốn kém nhiều chi phí nhưng có tác dụng lớn đối với huy động vốn đầu tư phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân và được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng nhiều nhất. Trong đó, trọng tâm là tháo bỏ mọi rào cản để doanh nghiệp và người dân đổi mới sáng tạo, tự do kinh doanh tất cả những gì mà luật không cấm.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cũng kiến nghị thành phố giảm thiểu sự can thiệp và xóa bỏ các rào cản hành chính, cơ chế “xin - cho”, tư duy “không quản được thì cấm”; Phân công, phân cấp, phân nhiệm rõ ràng giữa các cấp, ngành của từng cơ quan, đơn vị, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết thủ tục hành chính…
Tại Hội thảo, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cũng kiến nghị 4 nhóm giải pháp thành phố Hà Nội cần triển khai để phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, thành phố cần công khai thông tin về quỹ đất chưa sử dụng để doanh nghiệp có thể biết và phát triển cụm doanh nghiệp tư nhân; Thành phố cân nhắc thành lập Quỹ phát triển kinh tế tư nhân để hỗ trợ những doanh nghiệp có triển vọng, định hướng phát triển công nghệ cao.
Kết luận Hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, để tạo bứt phá trong phát triển kinh tế tư nhân, trước hết người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần thay đổi tư duy về vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân trong tổng thể nền kinh tế quốc gia, của Thủ đô. Từ đó, mỗi cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân của Thủ đô phát triển, nhất là tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính…
Đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, trong bối cảnh cả nước đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, thành phố Hà Nội đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các địa phương; Đặc biệt, tiếp tục xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp phát triển, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Với sự đồng hành của các cơ quan Trung ương, cộng đồng chuyên gia, doanh nghiệp và người dân, ông hy vọng khu vực kinh tế tư nhân của Hà Nội sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp xứng đáng vào tăng trưởng nhanh, bền vững của Hà Nội.

Ông Trần Văn Minh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Doanh nghiệp trẻ Thủ đô.
Tạo động lực cho kinh tế tư nhân… bứt phá
Trao đổi về các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và đội ngũ doanh nghiệp Thủ đô nói riêng, ông Trần Văn Minh - Phó Chủ tịch; Tổng Thư ký Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội cho hay, sau đại dịch Covid-19, tất cả các doanh nghiệp đều kỳ vọng vòng một sự phục hồi thần kỳ. Tuy nhiên, hàng loạt các sự kiện từ đó đến nay như Chiến tranh Nga - Ukraina; Đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; Nguy cơ lạm phát; Các chính sách thuế quan gây cản trở thương mại của các nước lớn... dẫn đến vấn đề chung của doanh nghiệp trong suốt mấy năm qua là khó khăn về mặt thị trường.
Ngoài những khó khăn có tính truyền thống như vốn, thủ tục hành chính, ông Trần Văn Minh cho rằng, vấn đề đầu ra của doanh nghiệp vẫn là vướng mắc lớn nhất trong mấy năm qua. “Năm nào chúng tôi cũng được nghe doanh nghiệp tâm sự về việc có thể bán hàng được như trước dịch hay không? Năm nào cũng hy vọng tình hình thị trường năm sau sẽ sáng hơn, nhưng với tình hình thực tế thì việc kinh doanh vẫn hết sức cầm chừng. Chính vì thế, trong 3 năm qua, Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội vẫn kiên trì một việc là triển khai xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp bán hàng, tìm đầu ra cho doanh nghiệp. Bản thân thường trực Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội cũng đi tìm khách hàng để kết nối cho các hội viên” - Lãnh đạo Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội cho hay.
Nhằm khơi thông những “điểm nghẽn” lớn của thị trường, giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa giải quyết vấn đề đầu ra mà Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội cho là vướng mắc lớn nhất hiện nay, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội kiến nghị:
Thứ nhất, tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành các công trình hạ tầng tạo điều kiện cho phát triển. Tuy nhiên, song hành với đó cần có cơ chế rõ ràng, công khai để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia rộng rãi vào chuỗi cung ứng của các chủ đầu tư…;
Thứ hai, tăng sức cầu nội địa để hỗ trợ mạnh mẽ cho vấn đề đầu ra của doanh nghiệp. Đây là một vấn đề lớn, đòi hỏi bộ giải pháp tổng thể. Cụ thể, việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cần có tính tầm nhìn trong điều kiện thị trường khó khăn hiện nay, tránh việc giảm ngắn hạn rồi lại gia hạn; Nghiên cứu giảm thuế cho doanh nghiệp kết hợp với việc triển khai thu đúng, thu đủ để tránh thất thu, qua đó gián tiếp giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm. Tiếp theo là kích cầu mua sắm thông qua việc đẩy mạnh các hệ thống thương mại điện tử, nâng cao năng lực logistics, hỗ trợ hệ thống bán lẻ thông qua các việc giảm thuế, phí, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ các chương trình xúc tiến, khuyến mại.
Một điểm nữa có thể hỗ trợ mạnh cho tăng cường lực cầu là thúc đẩy du lịch nội địa. Nếu các địa phương có thể liên kết tạo các sản phẩm du lịch liên hoàn, quản lý chất lượng dịch vụ, giá cả, phối hợp cùng doanh nghiệp đưa ra các sản phẩm mới thì việc tăng trưởng trong lĩnh vực này sẽ kéo theo rất nhiều dịch vụ và sản phẩm ăn theo.
Điểm cuối cùng và cũng đang là xu thế mới trong việc tìm kiếm đầu ra cho doanh nghiệp là xuất khẩu qua các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới. Lãnh đạo Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội Trần Văn Minh cho hay, hiện nay, các hội viên của Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội chủ yếu ở độ tuổi cuối 8X, đầu 9X đang tự mò mẫm và phát triển kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Alibaba, JD, Amazon... đã đạt doanh số rất tốt...