Hà Nội làm gì để giảm thiểu ùn tắc giao thông dịp Tết?
Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, năm 2023, Thành phố xử lý được 11/37 điểm ùn tắc giao thông và phấn đấu từ nay đến cuối năm sẽ xử lý thêm 1-2 điểm ùn tắc, tuy nhiên có thể phát sinh thêm 8 điểm ùn tắc mới.
Đặc biệt, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội nhận định, từ nay đến cuối năm, nhu cầu giao thương, buôn bán gia tăng đột biến, khiến tình trạng ùn tắc ngày càng nhiều. Vậy, Hà Nội đã chuẩn bị gì để khắc phục tình trạng này?
PV VOV Giao thông đã có cuộc đối thoại với ông Cao Văn Hiệp, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội xung quanh nội dung này:
PV: Thưa ông để ngăn ngừa tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân 2024, lực lượng thanh tra giao thông đã có kế hoạch bố trí lực lượng tại những điểm, chốt thường xuyên xảy ra ùn tắc như thế nào?
Ông Cao Văn Hiệp: Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, UBND Thành phố, trên cơ sở Sở GTVT chỉ đạo, thì thanh tra Sở đã phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, lực lượng công an.
Thanh tra Sở GTVT đã có phương án bố trí 106 các chốt, các vị trí thường xuyên có nguy cơ ùn tắc trong các khung giờ cao điểm, trong đó 66 chốt, vị trí là phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, để hướng dẫn điều tiết giao thông và 40 chốt, phối hợp với Công an của quận, các phường và các lực lượng chức năng khác để điều tiết, hướng dẫn giao thông.
Để chuẩn bị cho Tết dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân, tùy theo tình hình thực tế, Thanh tra Sở GTVT sẽ bố trí thêm 26 vị trí chốt nữa, tập trung ở các bến xe, các tuyến đường cửa ngõ ra vào Thành phố; trên các cây cầu lớn để điều tiết giao thông, giải quyết các sự cố mất an toàn giao thông, khắc phục các hậu quả mà có các nguy cơ xảy ra các va chạm, cũng như các tai nạn trên toàn địa bàn Thành phố.
PV: Cuối năm cũng là thời điểm thường xuyên xảy ra tình trạng vi phạm trật tự đô thị, lần chiếm vỉa hè, lòng đường, gây ùn tắc và mất ATGT. Lực lượng Thanh tra giao thông đã có kế hoạch gì để ngăn chặn tình trạng này?
Ông Cao Văn Hiệp: Thanh tra giao thông đã chỉ đạo 30 đơn vị, quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương; thứ nhất là tổ chức giải tỏa các vi phạm lấn chiếm lòng đường, hành lang an toàn giao thông đường bộ để đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Tăng cường công tác xử lý các vi phạm về xe dừng đỗ, các phương tiện đón trả khách, các điểm trông giữ phương tiện và các vi phạm khác là nguyên nhân gây nên ùn ứ giao thông, mất trật tự an toàn giao thông từ nay cho đến Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Lễ hội Xuân.
Thanh tra sẽ phải huy động 230 đồng chí một ngày để tổ chức triển khai thực hiện và đã huy động các đơn vị, các quận, huyện không có sự ùn tắc giao thông để hỗ trợ cho các đơn vị tại 12 quận, cộng với huyện Thanh Trì là những địa bàn có nguy cơ về ùn tắc giao thông.
PV: Điểm khác biệt trong kế hoạch khắc phục tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố năm nay là gì và mục tiêu đặt ra của kế hoạch ra sao?
Ông Cao Văn Hiệp: Với mục tiêu để thanh tra triển khai thực hiện, theo sự chỉ đạo của Sở là làm sao hạn chế thấp nhất việc ùn tắc giao thông, đặc biệt là trong khung giờ cao điểm.
Phối hợp với các lực lượng chức năng trực tiếp hướng dẫn đối với các phương tiện tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông để chấp hành và cố gắng để chúng ta làm sao xây dựng văn hóa giao thông.
Song song với đó thì các công tác đầu tư tổ chức giao thông chúng ta đã làm thường xuyên rồi, nhưng trước mắt là chúng ta vẫn phải sử dụng đến con người để làm sao mà hướng dẫn để cho người dân đi lại thuận tiện, an toàn.
PV: Xin cảm ơn ông!