Hà Nội lập 39 chốt, kiểm soát chặt việc ra đường

Hà Nội triển khai 39 chốt kiểm soát để dừng phương tiện, đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế, kiểm tra giấy đi đường do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định.

Sáng 4-9, 39 chốt kiểm soát mới, được bố trí tại các khu vực có nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn TP Hà Nội, bắt đầu thực hiện việc kiểm soát những người ra đường.

Theo nhiệm vụ được phân công, các chốt này sẽ dừng phương tiện, đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế; kiểm tra giấy đi đường do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định; kiểm tra phương tiện được phép vận chuyển các loại hàng hóa thiết yếu.

Tại mỗi chốt cũng có thể xét nghiệm nhanh COVID-19 trong trường hợp nghi ngờ, khử trùng trong trường hợp cần thiết; kiểm tra, đối chiếu kết quả xét nghiệm, chủ động sàng lọc toàn bộ người được phép đi vào phân vùng 1.

Hà Nội sẽ kiểm soát chặt việc ra đường trong những ngày tới. Ảnh: DƯƠNG HIỆP

Hà Nội sẽ kiểm soát chặt việc ra đường trong những ngày tới. Ảnh: DƯƠNG HIỆP

Trong số 39 chốt, 21 chốt kiểm soát loại 1 được đặt tại các vị trí có mật độ giao thông cao. Mỗi chốt chia làm 4 ca, mỗi ca 6 tiếng, kiểm soát 24/24.

Tại các chốt loại 1, mỗi ca trực sẽ có 16 cán bộ, trong đó 10 cán bộ chiến sĩ Công an TP Hà Nội, 2 cán bộ Thanh tra giao thông của Sở GTVT, 3 cảnh sát sơ động của Bộ tư lệnh thủ đô và 2 cán bộ của Sở Y tế Hà Nội. Chốt trưởng do 1 cán bộ Phòng CSGT Công an Hà Nội đảm nhiệm.

Ngoài ra, 9 chốt loại 2 đặt tại vị trí có mật độ giao thông trung bình, chia làm 4 ca, mỗi ca 9 cán bộ, trực 24/24. Chốt trưởng do Công an quận, huyện đảm nhiệm.

Có 9 chốt loại 3 đặt tại vị trí có mật độ giao thông thấp, mỗi chốt chia làm 4 ca, mỗi ca 4 cán bộ trực, chốt trưởng do công an đảm nhiệm.

Trước đó, để phòng chống dịch, UBND TP Hà Nội quyết định phân vùng đối với các quận, huyện trên địa bàn và có biện pháp áp dụng tương ứng.

Vùng 1 (gồm 10 quận/huyện) là khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ được xác định là vùng đỏ, tập trung nhiều khu vực, nhiều đối tượng nguy cơ rất cao. Vùng này sẽ tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn.

Vùng 2 (gồm 5 quận/huyện) được phân cách bởi hệ thống Sông Hồng, Sông Đuống với Vùng 1. Phòng chống nguy cơ xâm nhập phía Bắc, Đông Bắc. Vùng này thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15 và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn.

Vùng 3 (gồm 10 quận/huyện) là vùng sản xuất nông nghiệp và các khu, cụm công nghiệp, có mật độ và sinh hoạt dân cư đặc trưng nông nghiệp, có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp. Vùng này sẽ thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15 và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn.

Đề xuất 6 nhóm được cấp giấy đi đường

Công an TP Hà Nội cũng đề xuất chỉ cấp giấy đi đường cho 6 nhóm đối tượng, nhằm kiểm soát chặt việc ra đường của người dân.

Nhóm 1: Các cá nhân thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao.

Nhóm 2: Cá nhân thực hiện các nhiệm vụ, công tác trong lĩnh vực dịch vụ công ích thiết yếu.

Nhóm 3: Cá nhân trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch, bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch; các cá nhân khác được huy động tham gia, hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại các cơ sở phường, xã, thị trấn.

Nhóm 4: Phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên các cơ quan báo chí truyền thông thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao.

Nhóm 5: Công dân thuộc các trường hợp sau: đi cấp cứu, khám chữa bệnh, mua thuốc định kỳ, đi tiêm vaccine và xét nghiệm COVID-19; người chăm sóc người bệnh và người xuất viện; đi mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, yêu cầu cụ thể là thời gian mua 2 lần/ tuần.

Ngoài ra, cá nhân đi sân bay, mua vé; cá nhân đi đến các cơ quan ngoại giao theo giấy hẹn của cơ quan ngoại giao; cá nhân đến tòa theo giấy triệu tập của tòa án.

Nhóm 6: Các tổ chức cá nhân và trường hợp cấp thiết khác phục vụ, thực hiện các hoạt động công vụ, công ích, thiết yếu.

T.PHAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/ha-noi-lap-39-chot-kiem-soat-chat-viec-ra-duong-1013075.html