Hà Nội lên kế hoạch khảo sát nguyện vọng để bồi dưỡng học sinh cuối cấp

Từ ngày 14/2, khi Thông tư 29 về dạy thêm học thêm chính thức có hiệu lực, 100% trường học Hà Nội dừng mọi hoạt động dạy thêm trong nhà trường. Riêng với học sinh cuối cấp (lớp 9, 12), các nhà trường đã và đang lên kế hoạch để bồi dưỡng miễn phí cho các em.

Thực hiện nghiêm quy định

Ngay sau khi Thông tư số 29/TT-BGDĐT được Bộ GD&ĐT ban hành, hiệu trưởng, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Hà Nội đã gửi văn bản, đồng thời quán triệt tinh thần của thông tư đến cán bộ, giáo viên, nhân viên cũng như phụ huynh, học sinh toàn trường.

Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025.

Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025.

Với cán bộ, giáo viên, các điều khoản đáng lưu ý về dạy thêm trong trường, dạy thêm ngoài trường, các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm; trách nhiệm của cơ sở dạy thêm, cá nhân tham gia dạy thêm; tổ chức dạy thêm… được phổ biến rất kỹ để cùng nắm và thực hiện.

Nhà giáo Đ.T.B., hiệu trưởng một trường THPT tại Hà Nội cho biết: sau khi phổ biến Thông tư 29 với hội đồng giáo dục nhà trường, ban giám hiệu giao tổ trưởng chuyên môn tiếp tục quán triệt với các thầy cô tổ mình; yêu cầu đọc kỹ và thực hiện theo quy định tại thông tư; bất cứ cá nhân nào vi phạm sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm với cơ quan cấp trên.

Với phụ huynh học sinh, do các nhà trường đều dừng hoạt động tổ chức dạy thêm khi Thông tư 29 có hiệu lực nên lịch học bị xáo trộn. Nhiều trường đã tổ chức cuộc họp phụ huynh đột xuất để giải thích và thông tin cho cha mẹ học sinh hiểu để có phương án quản lý con.

Với học sinh, mục đích của Thông tư 29 hướng đến là trường học không có dạy thêm, học thêm. Học sinh cần rèn luyện thói quen tự học, tự tìm tài liệu, tự bồi dưỡng và trang bị cho mình kiến thức qua các kênh thông tin, nguồn học liệu đa dạng. Khi không học thêm tại trường, học sinh sẽ tự sắp xếp, quản trị thời gian hợp lý để vừa học, vừa chơi.

“Thông tư 29 ban đầu khiến nếp sinh hoạt, học tập của học sinh thay đổi khi phải sắp xếp lại lịch trình phù hợp. Trước yêu cầu đặt ra, bố mẹ và con đã ngồi nói chuyện để đưa ra phương pháp học tập phù hợp nhất”, anh Nguyễn Đăng Minh, trú tại quận Tây Hồ chia sẻ.

Khảo sát nguyện vọng, lên kế hoạch ôn tập

Hiện tại, các trường THCS, THPT tại Hà Nội đang nghiêm túc thực hiện kế hoạch giáo dục học kỳ II, năm học 2024 – 2025. Quy định tại Thông tư 29 nêu rõ 3 nhóm đối tượng dạy thêm trong nhà trường nhưng không thu phí vì thuộc trách nhiệm của nhà trường, đó là: học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Công tác ôn tập, bồi dưỡng học sinh được các trường học quan tâm.

Công tác ôn tập, bồi dưỡng học sinh được các trường học quan tâm.

Cô N.T.L., hiệu trưởng một trường THCS tại Hà Nội cho biết: học sinh giỏi sẽ được bồi dưỡng, ôn luyện theo kế hoạch. Học sinh các khối 6, 7, 8 có học lực chưa đạt ở môn nào cũng được nhà trường phân công giáo viên bồi dưỡng ở môn đó trong thời gian phù hợp. Hiện nhà trường ưu tiên công tác ôn tập cho học sinh khối 9 và đang xây dựng kế hoạch bồi dưỡng riêng.

“Trường thực hiện dạy 2 buổi/ngày nên với học sinh lớp 9 sẽ bồi dưỡng sau 16 giờ chiều, một môn học 2 tiết/tuần. Nhà trường sẽ khảo sát để phụ huynh, học sinh có nguyện vọng đăng ký, sau đó tổ chức ôn tập cho các em”, cô N.T.L cho biết.

Với lớp 12, công tác khảo sát học sinh học lực dưới trung bình, có nguy cơ trượt tốt nghiệp đã được nhiều nhà trường hoàn thành vào cuối học kỳ I. Thực hiện quy định tại Thông tư 29, các nhà trường lên kế hoạch bồi dưỡng miễn phí cho nhóm đối tượng này bắt đầu khoảng giữa tháng 3 và duy trì đến trước kỳ thi tốt nghiệp THPT.

“Mọi năm, nhà trường vẫn dạy miễn phí với nhóm đối tượng có học lực chưa đạt hoặc yếu ở những môn thi tốt nghiệp. Năm nay, theo yêu cầu của Thông tư 29, hiện nhà trường mới dự kiến kế hoạch ôn tập và chuẩn bị thực hiện các bước đúng quy trình, như: cho học sinh đăng ký (theo mẫu); căn cứ số lượng đăng ký, trường xây dựng kế hoạch ôn tập ở từng môn, mỗi môn học không quá 2 tiết/tuần… Cuối tháng 3/2025 trường sẽ chính thức khởi động lớp bồi dưỡng, phụ đạo học sinh lớp 12”, Hiệu trưởng một trường THPT tại huyện Chương Mỹ thông tin.

Chỉ còn khoảng 4 tháng nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi lớp 10 THPT sẽ chính thức diễn ra. Liên quan đến công tác dạy thêm, học thêm, trong công văn gửi UBND các tỉnh/TP vừa phát đi, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương tuyệt đối không buông lỏng việc tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho những học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt; tổ chức cho học sinh lớp cuối cấp tăng cường ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường; đồng thời xác định đây là trách nhiệm.

Bộ cũng đề nghị tùy điều kiện thực tế của địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các cơ sở giáo dục để tổ chức ôn tập, bồi dưỡng học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Cùng với đó, Bộ lưu ý việc ra đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ; xét tuyển học sinh đầu cấp (tiểu học, THCS) và thi tuyển sinh vào lớp 10 cấp THPT của các địa phương phải phù hợp với yêu cầu cần đạt của Chương trình mới, không gây áp lực học thêm cho học sinh.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-len-ke-hoach-khao-sat-nguyen-vong-de-boi-duong-hoc-sinh-cuoi-cap.html