Hà Nội mở rộng cánh cửa thu hút người tài

Thành phố Hà Nội đang xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết một số chính sách đặc thù phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó dành riêng một chương quan trọng về thu hút, trọng dụng chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng.

Chính sách này không chỉ cụ thể hóa Điều 16 của Luật Thủ đô năm 2024, mà còn được kỳ vọng tạo cú hích mạnh mẽ, tháo gỡ điểm nghẽn trong sử dụng nhân lực chất lượng cao để người tài được cống hiến thực chất cho sự phát triển của Thủ đô.

Nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH).

Nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH).

Đột phá trong chính sách

Với vai trò là trung tâm lớn về chính trị, kinh tế, giáo dục, khoa học và công nghệ, Hà Nội có nhu cầu đặc biệt cao về nguồn nhân lực chất lượng, nhất là trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hà Nội tập trung số lượng lớn trí thức hàng đầu cả nước, nhiều người trong số đó có trình độ tiệm cận quốc tế. Tuy nhiên, trong thực tế, đội ngũ chuyên gia tinh hoa, đặc biệt là những người có khả năng dẫn dắt, chuyển giao công nghệ, kết nối quốc tế, vẫn còn thiếu.

Thành phố vẫn chưa thu hút được các chuyên gia đầu ngành hay những cá nhân có sáng kiến đột phá đến làm việc tại các cơ quan, đơn vị công lập. Các chính sách hiện hành chưa mang lại kết quả rõ rệt. Nguyên nhân chủ yếu đến từ cơ chế chưa đủ linh hoạt, thủ tục hành chính rườm rà, môi trường làm việc chưa chuyên nghiệp và thiếu một chiến lược sử dụng trí thức lâu dài.

Vì vậy, việc xây dựng một cơ chế riêng, rõ ràng cho việc thu hút nhân lực chất lượng cao là bước đi cần thiết. Dự thảo nghị quyết mới sẽ nhắm tới hai nhóm đối tượng chính: Công dân Việt Nam (trong và ngoài nước) có năng lực vượt trội và chuyên gia nước ngoài có trình độ cao, công trình đã được ứng dụng hiệu quả. Các hình thức thu hút được thiết kế linh hoạt, từ ký kết hợp đồng làm việc, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tư vấn đến tham gia hội đồng khoa học...

Một điểm đột phá trong chính sách là cho phép người đứng đầu trực tiếp lựa chọn chuyên gia theo nhu cầu của đơn vị. Cơ chế này sẽ rút ngắn quy trình hành chính, tăng tính chủ động và giúp các đơn vị tìm được đúng người, đúng việc.

Chế độ đãi ngộ được thiết kế theo hướng cạnh tranh quốc tế, với thu nhập thỏa thuận dựa trên yêu cầu công việc, có tham chiếu mức lương của tổ chức quốc tế hoặc doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, chuyên gia sẽ được hỗ trợ chi phí vé máy bay, lưu trú (tối đa 50 triệu đồng/tháng), thiết bị làm việc, thư ký, dịch thuật và được tạo điều kiện tiếp cận phòng thí nghiệm hiện đại, tham gia sâu vào các chương trình đổi mới sáng tạo trọng điểm.

Để người tài phát huy tối đa khả năng

Theo giới chuyên môn, một chính sách hiệu quả không thể chỉ dừng ở mức đãi ngộ mà cần đồng bộ từ tư duy đến hành động. Vấn đề then chốt là tạo cơ chế làm việc thực chất để người tài phát huy tối đa khả năng.

Tiến sĩ Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, nay là Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) cho rằng, dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết một số chính sách đặc thù phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có nhiều điểm đột phá. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng cần làm rõ một số nội dung để nâng cao tính khả thi. Cụ thể là xác định rõ lĩnh vực nào là ưu tiên chiến lược để thu hút chuyên gia. “Không thể dàn trải hay chạy theo trào lưu, Hà Nội cần căn cứ vào định hướng phát triển thành phố, từ đó xác định ngành trọng điểm cần người dẫn dắt, như: Công nghệ lõi, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học, đô thị thông minh và chuyển đổi số”, Tiến sĩ Dương Thị Thanh Mai bày tỏ.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần làm rõ vai trò của chuyên gia: Có phải chỉ cần người giỏi nghiên cứu hay cần những người vừa nghiên cứu giỏi, vừa có khả năng dẫn dắt chương trình liên ngành, từng làm việc tại các hệ sinh thái quốc tế, phòng nghiên cứu tiên tiến, có kỹ năng phản biện chiến lược và tư vấn chính sách?.

Theo Tiến sĩ Dương Thị Thanh Mai, chuyên gia cần được giao nhiệm vụ cụ thể, gắn với quyền chủ động thực chất. "Phải thể hiện quyền và nghĩa vụ của họ bằng hợp đồng đặt hàng rõ ràng. Họ cần được chủ trì phòng thí nghiệm, chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D) liên ngành, sử dụng ngân sách đã cam kết, được lựa chọn cộng sự”, Tiến sĩ Dương Thị Thanh Mai nêu quan điểm.

Về mặt tài chính, chính sách cần đủ linh hoạt và công bằng. Đặc biệt là nên cho phép chia sẻ lợi nhuận từ kết quả thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu; áp dụng mô hình “một chân công - một chân tư” phổ biến trên thế giới. Cụ thể là chuyên gia có thể làm việc tại tổ chức nhà nước nhưng vẫn được phép đầu tư, sáng lập doanh nghiệp spin-off, tham gia các dự án khởi nghiệp sáng tạo, miễn là không xung đột lợi ích.

Cùng quan điểm, GS.TS Bùi Thị Minh Hồng, nhà khoa học Việt Nam được Đại học VinUni trải thảm đỏ mời về từ Đại học Birmingham (Anh) chia sẻ: “Là một nhà khoa học trở về từ nước ngoài, điều đầu tiên tôi quan tâm là đơn vị có tầm nhìn lớn và đang giải quyết những vấn đề thực sự thách thức. Các nhà khoa học không tìm kiếm sự dễ dàng, họ muốn được thử sức với điều mới, được học hỏi, được sáng tạo. Chính vì thế, việc xây dựng một hệ sinh thái nghiên cứu với những mục tiêu rõ ràng, quy mô đủ lớn, có ý nghĩa xã hội là yếu tố quyết định. Theo tôi, đãi ngộ là cần thiết nhưng không phải yếu tố quyết định. Người giỏi sẽ đến nếu họ nhìn thấy cơ hội cống hiến thực chất và được làm việc trong một môi trường tôn trọng giá trị khoa học”.

Thu Hằng

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-mo-rong-canh-cua-thu-hut-nguoi-tai-709786.html