Hà Nội - mùi hương cốm mới
Trong bộn bề của cuộc sống hôm nay, những mất mát và bất an bủa vây người thành thị, vẫn còn một mùi hương có thể khiến tâm trí chúng ta dịu dàng trở lại, bình tĩnh hơn. Hương cốm mùa thu, hương lúa non được nâng niu trên tay người trẻ khởi nghiệp bằng nghề truyền thống như Vũ Thị Phúc là câu chuyện ai cũng cảm kích.
Tôi gặp Vũ Thị Phúc - một cô gái trẻ ở một hội thảo kết nối các thanh niên startup thành công với nhau để chia sẻ lợi ích. Vũ Thị Phúc là chủ nhân của một thương hiệu cốm mộc Hà Nội vẫn còn mới mẻ và chưa có nhiều danh tiếng trên thương trường.
Cốm là thức quà lâu đời của người Hà Nội, nổi danh bởi làng nghề cốm Vòng xưa kia. Làng Vòng giờ đây chỉ còn vài gia đình sản xuất, còn hương danh lưu truyền mà thực chất sản phẩm cốm Hà Nội lại được sản xuất chủ yếu ở làng cốm Mễ Trì.
Vũ Thị Phúc về làm dâu ở làng Mễ Trì, thừa hưởng nghề cốm mộc từ mẹ chồng. Sở dĩ gọi là cốm mộc, vì người làm cốm muốn nhấn mạnh cách làm cốm của người Mễ Trì, không trộn hương liệu, để nguyên mùi hương lúa non đặc trưng. Công cuộc làm cốm gian nan khiến Vũ Thị Phúc không ít lần muốn bỏ cuộc.
Nhắc đến việc từ bỏ cuộc sống của một công chức văn phòng sau khi tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng để về nhà... làm cốm, Vũ Thị Phúc rơm rớm nước mắt. Cô gái này đã có một sự vất vả trong tâm trí để lựa chọn giữa việc làm bàn giấy công sở hay là làm cái nghề thức khuya, dậy sớm, tỉ mẩn từng chút và kiếm tiền không ổn định như lương tháng văn phòng.
Và rõ ràng, mùi hương cốm mới đã thắng, mang Phúc về với làng nghề. Cô chính là một trong những người trẻ có công giữ nghề làm cốm gia truyền làng Mễ Trì mà chính bố mẹ chồng của cô đã theo đuổi hơn 40 năm qua. Vũ Thị Phúc xây dựng thương hiệu Mộc Lam – Cốm Hà Nội và từ đó mang hương cốm đi khắp thế giới để chào hàng.
Khi lấy chồng về Mễ Trì năm 2016, Vũ Thị Phúc sống với bố mẹ chồng là gia đình có xưởng làm cốm, thi thoảng Phúc bán online các sản phẩm cốm theo mùa trong khi vẫn làm công sở. Một năm chỉ có vụ sản xuất cốm từ rằm tháng 7 âm lịch đến hết rằm tháng 9 âm lịch là mùa lúa non.
Phúc nghĩ ra cách thức làm cốm quanh năm, biến cốm trở thành hàng hóa đặc sản. Từng công đoạn làm cốm đòi hỏi kỹ thuật rất cao, tỉ mỉ mà chỉ người lành nghề mới hiểu. Ngoài những bí quyết không thể chia sẻ cho "người ngoài", Phúc được bố mẹ chồng truyền lại, cô tìm tòi làm ra nhiều sản phẩm mới, có thể bảo quản được lâu, phù hợp với thị hiếu và khẩu vị mới của thời đại.
Ví dụ giờ đây, người ăn không còn thích vị ngọt, vị béo, mà chuyển qua thích vị thanh tao, mùi thơm mộc không phải là hương liệu... Chỉ có sự nhạy bén tinh tế của một cô gái trẻ, có học thức mới có thể thành công trong việc xây dựng thương hiệu ẩm thực quá khó này.
Và mùa thu Hà Nội, chỉ nhìn ngắm thức quà này, để dịu lại những bộn bề hôm nay.