Hà Nội nâng hiệu quả mô hình giáo dục chất lượng cao
LTS: Xây dựng và phát triển mô hình trường chất lượng cao là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển giáo dục và đào tạo Thủ đô, hiện thực hóa Luật Thủ đô 2012. Từ năm 2013 đến nay, 23 cơ sở giáo dục chất lượng cao của thành phố đã khẳng định được hiệu quả thực tiễn.
Tuy nhiên, qua đợt giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội về nội dung này cho thấy, để nâng cao chất lượng mô hình giáo dục mũi nhọn này, cần phải thay đổi, bổ sung một số tiêu chí.
Báo Hànôịmới xin giới thiệu đến bạn đọc loạt bài: Hà Nội nâng hiệu quả mô hình giáo dục chất lượng cao.
Bài 1: Đào tạo mũi nhọn phù hợp với xu thế phát triển
Việc xây dựng trường chất lượng cao góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục và từng bước giảm dần ngân sách cấp cho các trường công lập, đồng thời tạo tiền đề để các trường từng bước tiến tới tự chủ toàn bộ về tài chính. Tại Hà Nội, mô hình này đã đáp ứng nhu cầu của nhân dân, với nhiều lựa chọn trường học cho con em mình hơn.

Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội khảo sát mô hình học cụ của học sinh Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm).
Cơ sở vật chất hiện đại, giáo viên uy tín
Thực hiện Luật Thủ đô 2012, đến nay, toàn thành phố có 23 trường chất lượng cao được công nhận, trong đó có 17 trường công lập và 6 trường ngoài công lập; cấp học mầm non có 7 trường, tiểu học có 6 trường, trung học cơ sở có 5 trường, trung học phổ thông có 2 trường, liên cấp có 3 trường. Trong 17 trường công lập chất lượng cao có 7 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 5 trường trung học cơ sở và 2 trường trung học phổ thông; 1 trường đang trình UBND thành phố phê duyệt công nhận trường chất lượng cao.
Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, công tác xây dựng trường chất lượng cao, gắn liền với tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 luôn được các cấp, địa phương quan tâm. Nhiều trường được đầu tư xây mới với các điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ, như: Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân (quận Thanh Xuân); Trung học cơ sở Cầu Giấy, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu (quận Cầu Giấy); Trung học cơ sở Chu Văn An, Mầm non Đô thị Sài Đồng, Tiểu học Đô thị Sài Đồng (quận Long Biên). Hệ thống các phòng chức năng hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ giảng dạy, thực hành chuyên môn và các kỳ thi quốc tế. Giáo viên và học sinh sử dụng thường xuyên, phát huy hiệu quả tốt, đáp ứng nhu cầu dạy và học chất lượng cao…
Hầu hết cán bộ quản lý và giáo viên các trường chất lượng cao đều được tuyển chọn từ đội ngũ cán bộ quản lý giỏi và giáo viên giỏi của các trường thuộc quận, huyện, thị xã và thành phố, có trình độ chuyên môn vững vàng và nghiệp vụ quản lý tốt; 100% đạt chuẩn và trên chuẩn về đào tạo, không ngừng tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, trình độ ngoại ngữ, tin học... Các trường chất lượng cao cũng luôn quan tâm đến công tác bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng yêu cầu giảng dạy.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn, trên địa bàn quận có 2 trường chất lượng cao: Trường Mầm non 20-10; Trường Tiểu học Tràng An. Các trường được UBND quận cải tạo, đầu tư cơ sở vật chất khang trang với đầy đủ các phòng chức năng, sân chơi, được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại phục vụ công tác quản lý, dạy và học, camera giám sát bảo đảm hoạt động của học sinh được diễn ra an toàn. Bếp ăn được đầu tư đầy đủ các đồ dùng, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại gồm các khu sơ chế, chế biến, nấu ăn, chia ăn được thiết kế theo dây chuyền bếp một chiều. 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về đào tạo và không ngừng tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, trình độ ngoại ngữ, tin học.
Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Hồng Thắng cho biết, quận có 2 trường chất lượng cao: Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân với quy mô 33 lớp, 1.335 học sinh; Trường liên cấp Trung học cơ sở, Tiểu học tư thục Ngôi Sao Hà Nội với quy mô 78 lớp, 2.632 học sinh. 100% học sinh được học 2 buổi/ngày; bếp ăn bán trú bảo đảm an toàn, thực đơn phong phú; có phòng ăn riêng dành cho học sinh và giáo viên; tổ chức các câu lạc bộ thể dục thể thao, nghệ thuật theo sở trường, năng khiếu, sở thích của học sinh. Đặc biệt, Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân có bể bơi bốn mùa, học sinh được tham gia các tiết học bơi trong giờ chính khóa…
Quận Nam Từ Liêm cũng có 3 trường chất lượng cao: Tiểu học Nam Từ Liêm, Trung học cơ sở Nam Từ Liêm, Tiểu học Lê Quý Đôn, tổng số 137 lớp học, 373 cán bộ, giáo viên với 4.176 học sinh. Thời gian qua, giáo viên đã linh hoạt trong sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học, sử dụng hiệu quả các thiết bị dạy học hiện đại hướng tới mục tiêu tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm, tự tìm ra kiến thức, biết cách vận dụng vào thực tiễn. 100% học sinh được tham gia các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống và các môn năng khiếu như giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật theo nhu cầu.
Giúp học sinh phát triển toàn diện
Qua làm việc với các trường chất lượng cao ở các quận: Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội ghi nhận, các nhà trường chủ động, sáng tạo trong xây dựng và phát triển chương trình giáo dục dựa trên thế mạnh của từng trường và tiếp cận hội nhập quốc tế (chương trình bổ sung nâng cao), đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục “Học thông qua vui chơi, trải nghiệm”. Vì vậy, các trường đều tổ chức giảng dạy song song 2 nội dung chương trình, bao gồm chương trình chính khóa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chương trình bổ sung nâng cao của trường chất lượng cao.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An (Hoàn Kiếm) Trần Thị Bích Liên cho biết, tháng 8-2020, trường được phê duyệt đề án trường chất lượng cao; đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; đạt kiểm định chất lượng mức độ 3. Nhà trường được UBND quận cải tạo, xây mới, đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại với tổng diện tích 7.498,6m2 và đưa vào sử dụng từ giữa tháng 7-2020. Nhà trường đã thực hiện việc duy trì, phát triển thành công mô hình chất lượng cao, qua đó đã hiện thực hóa chủ trương xây dựng và phát triển mô hình trường chất lượng cao về giáo dục và đào tạo, đưa mô hình này đi vào cuộc sống.
Hiệu trưởng Trường Mầm non 20-10 Vũ Thị Kim Thanh cũng chia sẻ, sau hơn 10 năm thực hiện mô hình trường mầm non chất lượng cao, trường là đơn vị luôn đi đầu trong việc thực hiện thí điểm các chương trình giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; đi đầu xây dựng điểm các mô hình trường mầm non trong thành phố và toàn quốc. Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ngày càng có chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu tiêu chí trường mầm non chất lượng cao, phù hợp với xu hướng giáo dục hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay, được cha mẹ học sinh và cộng đồng tin tưởng, đánh giá cao.
Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (quận Hà Đông) Lê Minh Nguyệt cho biết, bên cạnh việc giảng dạy theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường còn bổ sung xây dựng chương trình giáo dục chất lượng cao, thực hiện chương trình giảng dạy tiếng Anh với giáo viên bản ngữ, hoạt động ngoại khóa, các môn học về kỹ năng sống. Hằng tháng, hoạt động thiện nguyện, dã ngoại khám phá, trải nghiệm thực tế cuộc sống cũng giúp trang bị nền tảng kiến thức, kỹ năng và là “chìa khóa” kích hoạt bản lĩnh công dân toàn cầu của học sinh.
Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Văn Thắng cho rằng, qua giám sát, các trường chất lượng cao đã ứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến linh hoạt, phù hợp, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động giáo dục. Các nhà trường đã triển khai có chất lượng một số dịch vụ giáo dục chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của học sinh và phụ huynh như: Nhiều trường tổ chức tốt các dịch vụ xe đưa đón học sinh, tổ chức cho học sinh bán trú, bảo đảm các điều kiện sinh hoạt hiện đại, khoa học phục vụ và chăm sóc học sinh ăn trưa và nghỉ trưa tại trường; sàng lọc, tư vấn tâm lý; tổ chức các câu lạc bộ tự chọn ngoài giờ học theo hình thức tự nguyện; tổ chức các chương trình giáo dục kỹ năng sống. Các trường đều được phụ huynh học sinh ủng hộ, tin tưởng, đánh giá tốt và hài lòng về chất lượng và dịch vụ giáo dục của trường chất lượng cao.
Chị Nguyễn Khánh Linh, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (Hà Đông) chia sẻ, gia đình chị thực sự tin tưởng vào phương pháp giáo dục của nhà trường. Nhà trường đã nắm bắt xu hướng phát triển mới của thời đại 4.0, luôn chú trọng việc đào tạo toàn diện từ trình độ, phẩm chất đến kỹ năng hội nhập toàn cầu cho học sinh.
(Còn nữa)