Hà Nội: Nhiều kinh nghiệm hay giúp doanh nghiệp phát triển nhà máy thông minh
Ngày 29/11, tại Hà Nội vừa diễn ra Hội nghị Khởi động, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực phát triển khoa học công nghệ, nhà máy thông minh theo chuẩn 4.0.
Sự kiện do Sở Công Thương Hà Nội chủ trì tổ chức nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển nhà máy thông minh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Linh, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Trở thành nhà máy thông minh đang trở thành xu hướng tất yếu với nhiều doanh nghiệp Việt. Nhà máy thông minh với yếu tố cốt lõi là tận dụng các đột phá công nghệ số như Internet kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI)… áp dụng vào sản xuất, không chỉ giúp tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm, mà còn tối ưu về kinh phí, lợi nhuận, phòng ngừa những rủi ro nhất định cho doanh nghiệp.
“Cơ hội để Việt Nam phát triển đang rất nhiều, tuy nhiên, có nắm bắt để thành công được hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào lựa chọn của từng doanh nghiệp, vào quyết sách của các bộ, ngành trong việc tận dụng số hóa, chuyển đổi sang sản xuất thông minh, nhà máy thông minh trong thời gian tới”, ông Linh lưu ý.
Để khuyến khích các doanh nghiệp Việt phát triển theo xu hướng nhà máy thông minh, Chính phủ và các bộ, ngành đã nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thu hút nguồn lực vào lĩnh vực này, góp phần phát triển kinh tế số.
Hội nghị lần này được tổ chức nhằm giới thiệu rõ nét hơn về mô hình nhà máy thông minh để các doanh nghiệp nắm bắt, triển khai, trở thành nhà cung ứng trong chuỗi sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu trong nước và quốc tế.
Thông qua hội nghị, các nhà quản lý, doanh nghiệp được tiếp cận tình hình phát triển công nghiệp trong nước và quốc tế, đồng thời có thêm kinh nghiệm ứng dụng phát triển khoa học công nghệ, nhà máy thông minh theo chuẩn 4.0, qua đó có thể nâng cao năng lực phát triển sản phẩm công nghiệp, phát huy thế mạnh để tham gia chuỗi liên kết – cung ứng trong vùng kinh tế Thủ đô, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI trong nước và quốc tế.
Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện Cục Phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo – Bộ Khoa học và Công nghệ đã tư vấn khá chi tiết về những việc cần làm để xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp.
Đại diện một số doanh nghiệp như FPT Software, Tổng Công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel, Mitsubishi Electric Vietnam cũng đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về mô hình nhà máy thông minh.