Mekong ASEAN ghi nhận tại nhiều tuyến phố trung tâm mua sắm của Hà Nội như Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc, Thái Hà, Phố Huế, Bà Triệu... xuất hiện không ít mặt bằng trống khi các cửa hàng phải đóng cửa, dừng kinh doanh. Phần lớn hộ kinh doanh đã trả lại mặt bằng vì tình trạng buôn bán ế ẩm kéo dài. Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN.
Đi dọc tuyến đường phố Huế, không khó bắt gặp những cửa hàng đóng cửa, không hoạt động, bên ngoài có dán tấm biển cho thuê cửa hàng. Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN.
Không chỉ riêng phố Huế, nhiều tuyến phố khác cũng trong tình cảnh tương tự. Chia sẻ với Mekong ASEAN, chị Trang, chủ cửa hàng thời trang trên phố Hàng Bông chia sẻ: "Thời gian gần đây, lượng khách giảm mạnh, thậm chí có ngày chỉ có khoảng 3-4 khách ghé vào. Với số tiền thuê hơn 60 triệu/tháng, cộng thêm vốn nhập hàng và chi phí khác ngày càng leo thang khiến tôi khó có thể gánh nổi. Những ngày này tôi phải kéo móc đồ ra tận cửa và gắn biển giảm giá sâu nhưng không ăn thua".
Anh Thắng, chủ một mặt bằng trên phố Phạm Ngọc Thạch cho biết: "Một ngày cũng có đến 4-5 khách gọi liên hệ hỏi thuê nhưng khi tôi báo giá xong thì ậm ừ hoặc đến xem cũng đều lắc đầu ra về nên gần một năm nay, mặt bằng này vẫn để trống, chưa có khách thuê".
Nhiều người dân sinh sống xung quanh đây cho biết, không ít cửa hàng kinh doanh trên phố Phạm Ngọc Thạch đã phải đóng cửa từ cuối năm ngoái. Trong số đó, cho đến nay, chỉ một số nhỏ đã may mắn tìm được người thuê mới, còn lại gần như vẫn bỏ trống. Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN.
Do lâu ngày chưa có người thuê nên phía trước một số mặt bằng đang trở thành nơi để xe của các nhà bên cạnh. Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN.
Nơi thì tạm nghỉ, nơi thì treo biển thanh lý, chuyển nhượng cửa hàng hoặc cho thuê mặt bằng. Do số lượng mặt bằng đợi cho thuê khá lớn nên đây được xem là thời điểm vàng cho những ai đang tìm kiếm cửa hàng để kinh doanh. Một số người còn nói rằng, chưa bao giờ việc tìm kiếm mặt bằng dễ dàng đến thế. Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN.
Chị Hằng, nhân viên công ty bất động sản Thiên Khôi thông tin: "Giá tiền thuê mặt bằng tại một số tuyến phố trung tâm như phố Huế, Bà Triệu thời điểm hiện tại đang khá rẻ so với những năm trước. Các chủ nhà đã hạ giá để tìm khách thuê dễ hơn do làn sóng trả mặt bằng quá lớn".
Theo chị Hằng, phần lớn người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển sang mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử. Các mặt hàng đa dạng, người mua có thể lựa chọn, so sánh giá cả, mẫu mã chỉ bằng vài cú "click chuột". Nhiều sàn thương mại điện tử còn liên tục trợ giá, tung ra các chương trình khuyến mãi đặc biệt. "Cũng chính vì vậy mà nhiều người kinh doanh đang chuyển sang bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử thay vì phải bỏ ra một số tiền lớn để thuê mặt bằng ở những vị trí đắc địa nhằm thu hút khách đến xem," chị Hằng nói thêm.
Trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, một số chủ cửa hàng kinh doanh tại Hà Nội cũng liên tục đăng tin cho thuê, sang nhượng gấp toàn bộ cửa hàng. Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN.
Hà Anh