Hà Nội: Nhiều sân chơi đặc sắc, hấp dẫn dịp Trung thu

Tiếng trống rộn ràng, điệu múa lân rực rỡ, ánh đèn lồng lung linh luôn mang đến một bầu không khí đặc biệt cho những mùa trăng nơi phố thị. Tết Trung thu tại Thủ đô năm nay diễn ra với nhiều hoạt động, sự kiện đặc sắc, góp phần tạo ra một sân chơi hấp dẫn, với những trải nghiệm ý nghĩa.

Đây cũng là dịp để tìm về những giá trị truyền thống, nét đẹp văn hóa nơi phố thị cổ, đồng thời, nâng cao ý thức bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, đẩy mạnh hoạt động giáo dục di sản cho thế hệ trẻ, hướng tới hình thành thế hệ công dân hiểu biết về văn hóa di sản và có sức sáng tạo trên nền tảng đó.

Nhiều hoạt động ý nghĩa sẽ được tổ chức nhân dịp Tết Trung thu 2023 tại Thủ đô Hà Nội.

Nhiều hoạt động ý nghĩa sẽ được tổ chức nhân dịp Tết Trung thu 2023 tại Thủ đô Hà Nội.

Bảo tồn các giá trị truyền thống giữa lòng phố thị

Từ ngày 22–29.9.2023, tại nhiều điểm di tích trong khu Phố cổ Hà Nội và không gian bích họa phố Phùng Hưng, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội (UBND quận Hoàn Kiếm) đã tổ chức chuỗi hoạt động trưng bày, tương tác, trải nghiệm Trung thu.

Điểm nhấn của chuỗi hoạt động là Trưng bày Trở về Trung thu xưa với gần 80 tài liệu bằng chữ Hán Nôm, tiếng Pháp và các tư liệu hình ảnh quý giá.

Các em học sinh chăm chú xem các tư liệu tại Trưng bày “Trở về Trung thu xưa”.

Các em học sinh chăm chú xem các tư liệu tại Trưng bày “Trở về Trung thu xưa”.

Đúng như chủ đề, Trưng bày đưa công chúng ngược thời gian tìm về với không khí Tết Trung thu trên phố phường Hà Nội những năm 1900. Ở đó, các gian hàng rực rỡ của phố Hàng Gai với các tượng sư, kiệu nhỏ làm bằng giấy màu, các chùm bóng bay hình con vật… tạo nên một bức tranh Trung thu truyền thống thật gần gũi và sinh động.

Gần 80 tài liệu về Trung thu được trưng bày.

Gần 80 tài liệu về Trung thu được trưng bày.

Nhiều hoạt động quảng bá văn hóa chơi tết Trung thu phố cổ tại nhiều điểm di tích lịch sử, trung tâm giao lưu văn hóa cũng được tổ chức, hứa hẹn những trải nghiệm thú vị cho du khách.

Tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật - 22 Hàng Buồm và đình Đồng Lạc 38 Hàng Đào tổ chức không gian sắp đặt Tết Trung thu, giới thiệu, hướng dẫn cách làm đồ chơi Trung thu…

Ngôi nhà Di sản (số 87 phố Mã Mây, phường Hàng Buồm) tổ chức không gian tái hiện không khí đón Tết Trung thu của một gia đình Hà Nội truyền thống, nơi lưu giữ phong tục phá cỗ, trông trăng, làm bánh Trung thu…

Không gian bích họa phố Phùng Hưng với các gian hàng giới thiệu về đồ chơi Trung thu, hướng dẫn cách làm cũng như không gian tái hiện trò chơi dân gian ngày Tết Trung thu truyền thống.

Đặc biệt, vào các khung giờ cố định sẽ có các chương trình biểu diễn múa rối nước, trình diễn thời trang và biểu diễn âm nhạc thiếu nhi…

Đây là cơ hội để đẩy mạnh hoạt động giáo dục di sản cho thế hệ trẻ.

Đây là cơ hội để đẩy mạnh hoạt động giáo dục di sản cho thế hệ trẻ.

Đến với các điểm di tích của phố cổ Hà Nội dịp này, các em nhỏ không chỉ được tìm hiểu về Tết Trung thu xưa mà còn được trải nghiệm nhiều hoạt động với các nghệ nhân, thợ thủ công tới từ các làng nghề nổi tiếng như: Trải nghiệm làm con giống bột với Lớp học Tò he cũng nghệ nhân Đặng Văn Hậu, đến từ làng Xuân La; làm đèn ông sao truyền thống Lồng đèn đón trăng cùng nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, đến từ xã Vân Canh, Hoài Đức; trải nghiệm làm các sản phẩm đồ chơi trung thu truyền thống: mặt nạ bồi, làm và trang trí diều giấy, chơi trò chơi Trí Uẩn….

Các hoạt động vui Tết Trung thu là chương trình thường niên tại khu phố cổ Hà Nội, nhằm hướng tới việc lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống, tôn vinh các nghệ nhân, thợ thủ công, những người đã hết lòng với nghề truyền thống của gia đình, của làng nghề.

Tái hiện vẻ đẹp Trung thu xưa trong khu di sản

Dịp này, khi đến Hoàng Thành Thăng Long công chúng và du khách, nhất là các bạn trẻ sẽ có thêm cơ hội tìm hiểu về những món đồ chơi xưa chỉ có trong dịp tết trông trăng, từ đó thêm yêu mến, trân trọng văn hóa của dân tộc mình.

Chương trình diễn ra đến ngày Rằm Trung thu (tức 29.9 dương lịch). Trong dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội còn tổ chức tour đêm Đèn thu lung linh sẽ diễn ra trong ba buổi tối, từ ngày 27-29.9, với các hoạt động đặc sắc: Tham quan không gian trưng bày các loại đèn trung thu cổ truyền dưới hình thức là các gian hàng trên phố cổ xưa, thưởng thức nghệ thuật múa sư tử…

Những vẻ đẹp của Trung thu xưa được tái hiện tại Hoàng Thành Thăng Long.

Những vẻ đẹp của Trung thu xưa được tái hiện tại Hoàng Thành Thăng Long.

Dựa trên các nguồn tư liệu quý của các nhà nghiên cứu nước ngoài như Henri Oger, Albert Kant; bảo tàng Quai Branly (Pháp), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp với nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách cùng nghệ nhân các làng nghề chuyên làm đèn Trung thu xưa ở phố cổ (Hà Nội), Thanh Oai (Hà Nội), Báo Đáp (Nam Định), Đông Hồ (Bắc Ninh),... phục dựng các mẫu đèn cổ đã bị thất truyền.

Trưng bày nhiều mẫu đèn cổ.

Trưng bày nhiều mẫu đèn cổ.

Tại đây, các loại đèn trung thu cổ truyền được bài trí dưới hình thức là các gian hàng trên phố cổ hiện lên lung linh với đủ sắc màu. Những mẫu đèn xưa cũ từ đèn cá chép hóa rồng, đèn cá chép trông trăng, đèn con cua, đèn thỏ, đèn bướm, đèn tôm đến đèn quả đào, quả lựu, đèn trống... đã được tái hiện đầy lung linh và cuốn hút.

Các bạn nhỏ thích thú bên những món đồ chơi Trung thu truyền thống.

Các bạn nhỏ thích thú bên những món đồ chơi Trung thu truyền thống.

Từ xa xưa, ông cha ta quan niệm trò chơi và đồ chơi không đơn thuần để giải trí mà còn là công cụ giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ. Đồ chơi Trung thu truyền thống Việt Nam như ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, mặt nạ giấy bồi; đèn ông sao, con giống bột,… là lời nhắn nhủ, gửi gắm mong muốn của cha ông với thế hệ trẻ về tinh thần hiếu học, khuyến khích sự học, sự sáng tạo.

Cùng với đó, những món đồ chơi mặt nạ, đầu sư tử, trống ếch, trống bỏi, tàu thủy sắt tây, thỏ đánh trống, tò he, thiên nga nhồi bông... khiến nhiều trẻ nhỏ thích thú, tò mò còn người lớn thì bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm đã qua.

Những chiếc đèn thu lung linh chứa đựng kỷ niệm của bao người về một thời đã qua.

Những chiếc đèn thu lung linh chứa đựng kỷ niệm của bao người về một thời đã qua.

Trên nền các nguyên liệu truyền thống giấy dó, giấy nhiễu, giấy bóng kính, nan tre, mây, hồ dán... các nghệ nhân tham gia chương trình đã mang cái lung linh của những ánh đèn xưa trở về.

Trả lời phỏng vấn phóng viên Người Đô Thị, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến cho biết, năm nào vào dịp này bà cũng dành thời gian tham gia các chương trình Trung thu để hướng dẫn cho các cháu nhỏ về công đoạn tạo ra một món đồ chơi, cũng như ý nghĩa của chúng với mong muốn truyền thống luôn tồn tại trong trí nhớ của trẻ.

Trong nhịp sống hiện đại, ngày càng có nhiều loại đồ chơi Trung thu khác nhau trên thị trường thu hút trẻ nhỏ nhưng đèn ông sao, ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy trông trăng,… luôn mang giá trị tinh thần to lớn mà những loại đồ chơi Trung thu khác không có được.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến giới thiệu về ý nghĩa của các món đồ chơi Trung thu truyền thống.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến giới thiệu về ý nghĩa của các món đồ chơi Trung thu truyền thống.

Là đời thứ ba nối nghiệp gia đình, hơn 40 năm gắn bó với những đồ chơi Trung thu truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến chia sẻ: “Với tôi đây không chỉ là nghề truyền thống của gia đình mà còn là niềm đam mê và trách nhiệm. Dù những đồ chơi Trung thu dân gian không còn là sự lựa chọn duy nhất nữa nhưng tôi hạnh phúc khi thấy các cháu nhỏ vui vẻ, hào hứng và tò mò với việc làm một chiếc đèn ông sao, một ông Tiến sĩ giấy. Hy vọng các cháu sẽ là những người gìn giữ những nét đẹp văn hóa dân gian này mãi về sau”.

Thu xưa về trong phố

Một trạm ký ức tuyệt đẹp, kỳ công và hoành tráng với con đường lồng đèn rực rỡ sắc màu vừa ra mắt tại Ngon Garden, 70 Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) với chủ đề Thu xưa về trong phố.

Những sắp đặt vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính nghệ thuật đã hiện thực hóa câu chuyện về những mùa trăng cổ tích mà những đứa trẻ con ở phố thị bây giờ thường chỉ được nghe qua lời kể của ông bà, cha mẹ….

Không gian của trạm ký ức "Thu xưa về trong phố".

Không gian của trạm ký ức "Thu xưa về trong phố".

Tại đây có khu chợ trung thu truyền thống, những di sản con giống nặn bằng bột được phục dựng qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân, những quầy photobooth với thiết kế dành riêng cho cả gia đình ngược dòng về quá khứ, những đêm rước đèn dưới con đường lồng đèn lung linh, kỳ ảo…

Trong 4 ngày diễn ra sự kiện (ngày 23, 24 và 28, 29.9), chương trình hứa hẹn mang đến nhiều bất ngờ, bởi lẽ, Trung thu sẽ không chỉ là Tết của thiếu nhi, mà còn là nơi nhiều người lớn có thể cùng chạm vào ký ức.

Hội sách Trung thu

Hội sách Trung thu, diễn ra từ ngày 22-24.9 tại Phố Sách Hà Nội với sự góp mặt của các đơn vị nhà sách uy tín như: Nhã Nam, Đinh Tị, Alphabooks, Phương Nam, Minh Long, Tân Việt, Tiền Phong… cùng 20 gian hàng hội chợ, workshop như làm bánh trung thu, làm đồ chơi dân gian, đồ handmade, văn phòng phẩm, trang sức, gấu bông, đồ ăn…

“Hội sách Trung thu” diễn ra tại Phố Sách Hà Nội với sự tham gia của nhiều đơn vị nhà sách nổi tiếng.

“Hội sách Trung thu” diễn ra tại Phố Sách Hà Nội với sự tham gia của nhiều đơn vị nhà sách nổi tiếng.

Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình có rất nhiều sự kiện đặc sắc: Sự kiện Vui trung thu với các gian hàng đồ chơi, tò he, chú hề vặn bóng… và chương trình múa lân, ca múa nhạc thiếu nhi đặc sắc; Lễ hội Trung thu 2023 với các hoạt động văn nghệ, tặng thư pháp, thi mâm cỗ, tặng sách miễn phí; Tọa đàm Nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc cho trẻ với chia sẻ của chuyên gia tâm lý Đỗ Thị Hoài Thu; Ca múa nhạc thiếu nhi đặc sắc, chủ đề Vui hội Trung thu - Trọn vẹn tuổi thơ.

Tết Trung thu có nguồn gốc từ một nghi lễ nông nghiệp, thời xa xưa, người nông dân thường ngắm trăng, tiên đoán thời tiết, dự đoán mùa màng “Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng rằm tháng Tám”.

Tết Trung thu diễn ra vào ngày Rằm tháng Tám hàng năm nên còn gọi là tết trông trăng. Trong phong tục dân gian truyền thống, Trung thu không chỉ là ngày tết của trẻ con mà còn là dịp để các thành viên trong gia đình đoàn tụ, sum vầy bên nhau.

Tết Trung thu không chỉ là ngày hội của trẻ thơ mà còn là nơi để những ký ức của người lớn được trở về.

Tết Trung thu không chỉ là ngày hội của trẻ thơ mà còn là nơi để những ký ức của người lớn được trở về.

Trải qua bao biến thiên của thời cuộc, những thanh âm trong trẻo, hồn nhiên, những sắc màu rực rỡ nhuộm cả phố phường của Trung thu vẫn luôn có một vai trò và vị trí quan trọng trong tâm thức của người dân Việt Nam. Đó không chỉ là ngày hội của trẻ thơ mà còn là nơi để những ký ức của người lớn được trở về.

Và cứ thế, Tết Trung thu được duy trì, tiếp nối qua bao thế hệ, như mạch nguồn kết nối cho nét đẹp truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc.

Bài và ảnh: Tùng Lâm

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nhieu-san-choi-dac-sac-hap-dan-dip-trung-thu-41074.html