Hà Nội: Nhu cầu đăng kiểm tăng mạnh trở lại
Lượng phương tiện đi kiểm định ở Hà Nội đã có dấu hiệu tăng trở lại sau nhiều tháng chỉ đạt công suất khoảng 50%.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Quốc Hoan, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2903V, Cầu Giấy (Hà Nội), lượng phương tiện đi kiểm định đã có dấu hiệu tăng trở lại sau nhiều tháng chỉ đạt công suất khoảng 50%.
"Từ đầu tháng 12. số lượng phương tiện đi kiểm định bắt đầu tăng. Đặc biệt ngày 4/12 đơn vị đã kiểm định được 150 phương tiện, cao hơn nhiều so với mức bình quân 90 phương tiện/ngày tháng trước đó và gần tiệm cận mức bình quân 170 xe/ngày tháng 11/2022", ông Hoan cho hay.
Dự báo nhu cầu đăng kiểm sẽ tăng trong dịp này, ông Hoan cho hay đã chuẩn bị công tác bảo dưỡng thiết bị, máy móc và sắp xếp đội ngũ nhân sự làm sao hoạt động khoa học và hiệu quả, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân, không để hiện tượng ùn tắc xảy ra.
Dù vậy, ông Hoan cũng bày tỏ lo ngại sẽ có biến động về nhân sự nếu hoạt động xét xử của các cơ quan tố tụng diễn ra vào đúng thời kỳ cao điểm đăng kiểm: "Trung tâm chúng tôi hiện tại có 7 đăng kiểm viên bị khởi tố và đang tại ngoại.
Nếu đồng loạt tất cả những người bị khởi tố mà phải tham gia hầu tòa cùng thời điểm thì sẽ cực kỳ khó khăn. Bởi số lượng nhân sự còn lại thậm chí vẫn đủ phục vụ 2 dây chuyền kiểm định, nhưng số lượng người rất ít - chỉ đảm bảo mức tối thiểu thì tốc độ sẽ rất chậm, sẽ không đạt được công suất cao như hiện tại có đủ người".
Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, dự báo nhu cầu đăng kiểm vào dịp cuối năm rất lớn và có thể xảy ra những di biến động về nhân sự, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản đề nghị các trạm đăng kiểm nâng cao hiệu quả công suất của từng dây chuyền, bố trí phương pháp làm việc khoa học, hợp lý và xây dựng những phương án/kịch bản để khi lượng xe tăng đột biến sẽ có giải pháp như: Tăng ca, tăng giờ, làm thêm vào ngày nghỉ.
Sở GTVT Hà Nội cũng giao thanh tra sở phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng công an, để đảm bảo TTATGT tại khu vực các trạm đăng kiểm.
Về nhân sự, ông Tuyển thông tin, hiện một số đơn vị đang tìm nguồn từ các trường học, các đơn vị bảo dưỡng sửa chữa ô tô, tìm nguồn để kí hợp đồng và sau đó sẽ đưa đi đào tạo các lớp của Cục Đăng kiểm Việt Nam và Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục quan tâm, mở thêm các lớp đào tạo và tạo nguồn đăng kiểm viên.
Để tránh hiện tượng ùn tắc tại các trạm đăng kiểm, ông Nguyễn Tuyển khuyến cáo, các chủ phương tiện nên chủ động đăng kí lịch đăng kiểm online; đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện về xe như bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện và nộp phạt nguội (nếu có) và chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ hợp pháp trước khi đi đăng kiểm.
Được biết, hiện Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đẩy mạnh đào tạo, tập huấn để bổ sung nguồn nhân lực, tuy nhiên nguồn nhân lực không thể bổ sung nhanh được, bởi để có 1 đăng kiểm viên thì ít nhất phải có 5 năm Đại học và 1 năm đào tạo nữa là 6 năm. Việc này Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã chủ động dự báo và trao đổi với 63 tỉnh thành có giải pháp điều động nguồn lực dự phòng từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ chỗ dư thừa sang chỗ thiếu hụt để đảm bảo nguồn lực phục vụ người dân.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực, về lâu dài để bù đắp lượng nhân sự thiếu hụt và thu hút nhân sự vào ngành đăng kiểm thì chế độ đãi ngộ đối với đăng kiểm viên cần phải được thay đổi. Đồng thời cơ quan chức năng cần sớm xem xét nâng giá dịch vụ đăng kiểm sao cho phù hợp với tình hình thực tế.
Bởi mức giá dịch vụ đăng kiểm hiện đã duy trì trong khoảng 10 năm qua chưa được điều chỉnh, trong khi vật giá leo thang hàng năm, khiến các Trung tâm đăng kiểm gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động và trả lương cho người lao động.