Hà Nội ô nhiễm không khí nhất thế giới sáng nay
Nhiều khu vực ở Hà Nội bị bao phủ bởi sương mù, chỉ số ô nhiễm không khí vượt ngưỡng 200, ở mức 'rất không tốt' cho sức khỏe.
![Cảnh báo màu tím mô tả chất lượng không khí ở nhiều nơi tại Hà Nội ở mức "rất không tốt".](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_119_51456734/0010dec5e98b00d5599a.jpg)
Cảnh báo màu tím mô tả chất lượng không khí ở nhiều nơi tại Hà Nội ở mức "rất không tốt".
Theo AirVisual (Tổ chức đo chất lượng không khí thế giới), chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội sáng 12/2 là 235, ở mức rất không tốt. Thậm chí, chỉ số AQI ở khu vực Tây Hồ lên đến 318, mức nguy hiểm (0-50 là chỉ số tốt).
Đặc biệt, chỉ số bụi mịn PM 2.5 tại Hà Nội dao động khoảng 154 µg/m³, cao hơn gấp 30,7 lần quy chuẩn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới (5 µg/m3).
Cảnh báo tím khắp nơi
Bụi mịn hay bụi PM 2.5 là những hạt bụi li ti trong không khí, khi nồng độ tăng lên, không khí sẽ mờ đi và tầm nhìn bị giảm trông giống như sương mù. Bụi mịn cản trở giao thông và tầm nhìn của các phương tiện di chuyển.
Đáng chú ý, AirVisual cũng ghi nhận Hà Nội ô nhiễm không khí nhất thế giới sáng nay, vượt qua cả những điểm đen ô nhiễm không khí của thế giới như thành phố Kathmandu (Nepanl) hay Delhi (Ấn Độ).
![Theo AirVisual sáng 12/2, Hà Nội ô nhiễm không khí nhất thế giới.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_119_51456734/e9c73212055cec02b54d.jpg)
Theo AirVisual sáng 12/2, Hà Nội ô nhiễm không khí nhất thế giới.
Theo dữ liệu ô nhiễm không khí được đo bởi Trạm đo lường chất lượng không khí đặt tại Đại sứ quán Mỹ, tình hình ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội còn có thể kéo dài ít nhất trong một tuần tới, khi điều kiện khí tượng tiếp tục không thuận lợi cho việc phát tán chất ô nhiễm.
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho biết tình hình ô nhiễm không khí ở nhiều tỉnh thành ở phía Bắc, trong đó có Hà Nội, diễn biến xấu nhiều năm qua, bởi các nguyên nhân như giao thông, công nghiệp, xây dựng và các hoạt động dân sinh. Ô nhiễm cao điểm tập trung vào mùa đông (từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 3 năm sau).
"Thời điểm mùa hè, thời tiết có nhiều nắng, gió, mưa, sẽ tạo điều kiện cho khuếch tán không khí. Tuy nhiên, vào mùa đông, ít nắng, độ ẩm không khí cao, các chất ô nhiễm không khuếch tán được, tích tụ gây ô nhiễm kéo dài", TS Tùng phân tích.
Vì vậy, theo vị chuyên gia này, chỉ số ô nhiễm không khí cao như sáng 12/2 tại Hà Nội có thể do sương mù, độ ẩm cao, ít gió, khiến nguồn ô nhiễm khó khuếch tán dù có mưa. Khi vào mùa nắng nóng, có nhiều mưa rào, gió mạnh, bụi mịn PM2.5 phân tán, chất lượng không khí sẽ dần được cải thiện.
![Chất lượng không khí không tốt âm thầm ảnh hưởng sức khỏe con người, đặc biệt với nhóm dễ bị tổn thương như trẻ nhỏ và người có bệnh lý nền. Ảnh: Thạch Thảo.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_119_51456734/9bc14214755a9c04c54b.jpg)
Chất lượng không khí không tốt âm thầm ảnh hưởng sức khỏe con người, đặc biệt với nhóm dễ bị tổn thương như trẻ nhỏ và người có bệnh lý nền. Ảnh: Thạch Thảo.
Âm thầm ảnh hưởng sức khỏe
Theo Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, chất lượng không khí xấu, trong đó có bụi mịn PM2.5 ảnh hưởng đến sức khỏe. Những người khỏe mạnh có thể khó cảm nhận ngay, nhưng theo thời gian sẽ ảnh hưởng đến đường hô hấp và nhiều cơ quan khác của con người.
PGS.TS Trần Quỳnh Anh, Trưởng bộ môn Sức khỏe môi trường, Viện đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội, cho biết nhóm dễ bị tổn thương do ô nhiễm không khí, bụi mịn là trẻ em và người già, người có bệnh nền về hô hấp, tim mạch, cơ địa dị ứng. Họ sẽ có cảm nhận rõ nhất về ô nhiễm không khí.
"Hệ hô hấp là cơ quan chịu ảnh hưởng nhiều nhất, người dân có thể bị kích ứng như chảy mũi, hắt hơi, viêm họng. Mức độ tiếp xúc lâu, nhiều hơn, chúng có thể gây viêm nhiễm đường hô hấp trên như viêm thanh quản, viêm mũi, viêm xoang. Trẻ em rất dễ bị viêm tai giữa. Người có tiền sử dị ứng như hen xuyễn dễ tái phát đợt hen cấp do ô nhiễm không khí", vị chuyên gia cho hay.
Theo The Guardian, tiếp xúc với PM2.5 làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh, bao gồm các bệnh về phổi như ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và viêm phổi; bệnh tim mạch; đột quỵ và các bệnh về thần kinh.
Bụi mịn gây ra mối đe dọa lớn nhất cho phổi. Theo nghiên cứu của Đại học Utrecht (Hà Lan), ngay cả với lượng ô nhiễm không khí tối thiểu từ bụi mịn, nguy cơ ung thư phổi vẫn tăng 20%. Ở những điểm nóng về bụi mịn như khu vực thành thị, nguy cơ ung thư phổi tăng 80%.
Các nghiên cứu đã chỉ ra phơi nhiễm PM2.5 khi mang thai làm tăng các rủi ro khi sinh bao gồm nguy cơ sinh non và trẻ sơ sinh nhẹ cân. Bụi mịn cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch bằng cách làm hỏng mạch máu và gây ra phản ứng viêm dẫn đến huyết áp cao, rối loạn nhịp tim, đột quỵ và đau tim. Điều này đặc biệt đúng đối với những người mắc bệnh tim từ trước hoặc có các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, mức cholesterol cao và tiểu đường.
Để bảo vệ sức khỏe trước tình trạng ô nhiễm không khí, các chuyên gia khuyến nghị:
Giữ vệ sinh cá nhân: Rửa tay khi về nhà, vệ sinh mũi họng hàng ngày để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn.
Đeo khẩu trang khi ra đường, đặc biệt là khi di chuyển trong khu vực có mức độ ô nhiễm cao hoặc giao thông đông đúc.
Hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm: Tránh đi vào khu công nghiệp hoặc những nơi có mật độ khói bụi cao.
Tăng cường sức khỏe: Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ dưỡng chất, uống đủ nước và tập thể dục thường xuyên để tăng sức đề kháng.
Lưu ý với trẻ nhỏ: Do hệ miễn dịch còn yếu, trẻ em cần được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước và tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm như khói thuốc hoặc bụi mịn.