Hà Nội phải được tự chủ đầu tư theo mô hình hợp tác công tư trong nhiều lĩnh vực

Sáng 27/7, Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã làm việc với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để làm rõ một số vấn đề liên quan tới chức năng quản lý nhà nước của ngành.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng - Phó Trưởng Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chủ trì buổi làm việc.

Tách bồi thường ra khỏi dự án đầu tư công

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, dự thảo Luật hiện tại gồm 6 chương, 59 điều, tăng 2 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô hiện hành, trong đó kế thừa nguyên vẹn 4 điều của Luật Thủ đô năm 2012, 23 điều còn lại kế thừa một phần và có sửa đổi, bổ sung.

Trong đó, liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được quy định tại Chương IV (Tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô) và Chương V (Liên kết, phát triển Vùng Thủ đô), cụ thể tại các điều từ Điều 38 đến 52. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng Luật còn một số nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ cần tiếp tục nghiên cứu, trao đổi để thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết số 15-NQ-TW.

Toàn cảnh buổi làm việc

Toàn cảnh buổi làm việc

Trong đó, đáng quan tâm là các quy định về tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công (Điều 38), Dự thảo Luật giao Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố quyết định: (1) cho phép tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đốc lập khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổng thể đối với các dự án nhóm B, nhóm C; (2) quyết định mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn địa điểm đầu tư của dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng tại quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể; (3) ban hành danh mục các dự án đầu tư thực hiện tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư quy định tại Điều này.

Căn cứ chủ trương đầu tư dự án tổng thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội quyết định đầu tư dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm để thực hiện, đồng thời là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất ban hành thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất.

Trường hợp điều chỉnh dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng phát sinh yếu tố phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tổng thể, HĐND thành phố Hà Nội thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tổng thể trước khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố điều chỉnh dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng.

Trong quá trình soạn thảo, các ý kiến đều nhất trí việc cho phép tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc cho phép tách dự án nhóm C vì quy mô nhỏ, khi tách thì có thể thêm thủ tục quản lý dự án.

Cho phép mở rộng phạm vi áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa và thể thao

Về thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Điều 39), Dự thảo Luật cho phép mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa và thể thao; trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% trong tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không đảm bảo khả năng hoàn vốn, HĐND Thành phố được xem xét, quyết định tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia nhưng không lớn hơn 70% tổng mức đầu tư của dự án và giao HĐND Thành phố quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa.

Đại diện các đơn vị phát biểu đóng góp ý kiến vào Dự luật

Đại diện các đơn vị phát biểu đóng góp ý kiến vào Dự luật

Về thực hiện mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (Điều 40), Dự thảo Luật cho phép việc thực hiện các dự án TOD theo cơ chế dự án phát triển đô thị và dự án giao thông nằm trong một tổng dự án và chỉ áp dụng đối với dự án giao thông công cộng lớn (tuyến đường sắt đô thị). Hà Nội được giữ lại nguồn lực từ đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, không gian ngầm, không gian trên cao của điểm kết nối giao thông và vùng phụ cận và được phân bổ toàn bộ kinh phí thu được vào xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phát triển hệ thống giao thông….

Về thực hiện hình thức hợp đồng theo phương thức xây dựng chuyển giao (Điều 41), Thành phố được thực hiện hình thức hợp đồng theo phương thức xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT) đối với các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hạ tầng xã hội, theo đó cho phép Thành phố được thực hiện BT bằng tiền và BT bằng đất.

Về thẩm quyền đầu tư (Điều 44), Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định phân quyền mạnh mẽ thẩm quyền đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công cho HĐND, UBND thành phố Hà Nội…

Đại diện các Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Vụ Phát triển hạ tầng và đô thị, Vụ Quản lý các khu kinh tế, Vụ Pháp chế, Cục Đầu tư nước ngoài, Cục Quản lý đấu thầu Bộ Xây dựng đã đóng góp nhiều ý kiến vào Dự thảo Luật.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông ủng hộ ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo Thứ trưởng, để đạt được các mục tiêu đề ra trong Dự thảo Luật, cần có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho Hà Nội, toàn diện trên các mảng kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Bày tỏ đồng tình với các quan điểm trong dự thảo Tờ trình, Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị cần rà soát chi tiết, kỹ lưỡng các điều luật, cân nhắc thêm tính ổn định, lâu dài, chi tiết hóa tối đa các trình tự, thủ tục với các vấn đề liên quan đến tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; đầu tư theo phương thức đối tác công tư, cho phép mở rộng phạm vi áp dụng PPP; thẩm quyền đầu tư. Với các vấn đề về thực hiện mô hình phát triển đô thị, Thứ trưởng đề nghị cân nhắc, xem xét kỹ dự án, mô hình TOD…

Thay mặt Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến và đề nghị lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phối hợp Bộ Tư pháp để chỉnh lý, hoàn thiện Dự luật.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ha-noi-phai-duoc-tu-chu-dau-tu-theo-mo-hinh-hop-tac-cong-tu-trong-nhieu-linh-vuc-158788.html