Hà Nội: Phạm nhân được đặc xá xúc động khi nhận căn cước công dân
Vừa được đặc xá, cầm tấm thẻ căn cước trên tay, nhiều người công dân tái hòa nhập cộng đồng đã vỡ òa cảm xúc như được tái sinh lần thứ hai và gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng cán bộ, giám thị Trại tạm giam số 1.
Ngày 1/9, 40 phạm nhân tại Trại tạm giam số 1 thuộc Công an thành phố Hà Nội (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) đã rất xúc động khi được nhận quyết định đặc xá của Chủ tịch nước để trở về tái hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, những công dân vừa được tái hòa nhập cộng đồng đều được trao căn cước công dân gắn chíp.
Thay mặt cho 40 phạm nhân Trại Tạm giam số 1, anh Trần V. L. (sinh năm 1985 ở huyện Hoài Đức, Hà Nội) xúc động cho biết, trong quá trình cải tạo giam giữ, anh và những phạm nhân đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của những giám thị. Đồng thời, các giám thị đã luôn quan tâm, động viên, ổn định tư tưởng để các phạm nhân luôn lạc quan trong cuộc sống, sống có khát vọng, mong muốn trở về với đời thường làm công dân tốt.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám thị Trại tạm giam số 1, Công an thành phố Hà Nội cho biết, những phạm nhân được đặc xá đợt này đã có quá trình phấn đấu, cải tạo tốt được ghi nhận. Nắm bắt tâm tư và nguyện vọng của những phạm nhân, đơn vị đã có quá trình giáo dục tư tưởng để họ nhanh chóng trở về với cuộc sống đời thường, ổn định cuộc sống. Để bảo đảm đầy đủ quyền công dân cho những phạm nhân, đơn vị đã phối hợp cùng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an thành phố Hà Nội) tổ chức làm căn cước công dân gắn chíp tại cơ sở giam giữ trước đó.
Đợt đặc xá tha tù trước thời hạn nhân dịp Quốc khánh (2/9/2022) thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân văn của dân tộc đối với người lầm lỡ, phạm tội; khuyến khích họ phấn đấu học tập, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội. Bên cạnh đó, hậu đặc xá, tái hòa nhập cộng đồng cho những người lầm lỡ, phạm tội sẽ là cả một quá trình lâu dài và bền bỉ. Do đó, để chính sách khoan hồng, nhân văn của Đảng, Nhà nước phát huy tối đa hiệu quả, đòi hỏi phải có sự vào cuộc sâu sát của các ngành, cấp, chính quyền địa phương.
Các đơn vị thuộc Công an thành phố Hà Nội theo chức năng, nhiệm vụ đã xây dựng kế hoạch thực hiện, đồng thời tham mưu cho Ban Giám đốc Công an thành phố để triển khai những công việc, phần việc cụ thể. Theo đó, trọng tâm là đẩy mạnh việc tuyên truyền tái hòa nhập cộng đồng đến từng người được đặc xá và đến từng khu phố, tổ dân cư bằng các tài liệu, ấn phẩm; nói chuyện chuyên đề cùng các hoạt động văn hóa, văn nghệ cộng đồng. Đồng thời, các đơn vị sẽ trợ giúp tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho người chấp hành xong án phạt tù tại địa phương; định hướng, hỗ trợ kinh phí trong đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến về tái hòa nhập cộng đồng và kịp thời khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác này.
Theo Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Công an thành phố Hà Nội), thực hiện Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng, các đơn vị của Công an thành phố Hà Nội hiện đã thực hiện hiệu quả đợt đặc xá tha tù trước thời hạn nhân dịp Quốc khánh 2/9/2022. Theo đó, tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ của Hà Nội có hơn 90 phạm nhân được hưởng chính sách khoan hồng. Tất cả trường hợp trong diện được đặc xá tại các cơ sở giam giữ ở Hà Nội sẽ có người thân, gia đình đến đón, tiếp nhận.