Hà Nội: Phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế 6,5-7%
Vượt qua những khó khăn, thách thức, 6 tháng đầu năm 2024, thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng. Những tháng cuối năm, thành phố Hà Nội sẽ bám sát tinh thần chỉ đạo '5 quyết tâm', '5 bảo đảm', '5 đẩy mạnh' của Chính phủ để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6,5-7%.
“Điểm sáng” phát triển chính quyền số, xây dựng thành phố thông minh
Trong bối cảnh khó khăn, thách thức đan xen, thành phố Hà Nội đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất và đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND thành phố tại Hội nghị lần thứ 18, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố 6 tháng ước thực hiện đạt 252.054 tỷ đồng, bằng 61,7% dự toán, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương là 36.417 tỷ đồng, đạt 24,9% dự toán đầu năm, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2023…
Mặc dù kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, song lĩnh vực xuất, nhập khẩu của thành phố phục hồi mạnh mẽ, tăng khá cao so với cùng kỳ và so với kế hoạch. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,15 tỷ USD, tăng 7,7%; kim ngạch nhập khẩu đạt 15,97 tỷ USD, tăng 11,5% (cùng kỳ giảm 14%).
Vốn đầu tư phát triển xã hội cũng tăng khá, cao hơn mức tăng cùng kỳ: 6 tháng đầu năm ước đạt 208.784 tỷ đồng, tăng 9,55%. GRDP của thành phố 6 tháng đầu năm ước tăng 6% (cùng kỳ tăng 5,97%)…
Một “điểm sáng” trong những tháng đầu năm là thành phố đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền số gắn với xây dựng thành phố thông minh, hiện đại. Trong đó, thành phố đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh năm 2024.
Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) trên địa bàn. Thành phố cũng đã triển khai thử nghiệm một số hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp, như: Ứng dụng công dân Thủ đô số (iHaNoi); Thẻ vé giao thông Hà Nội cho vận tải hành khách công cộng.
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế và an sinh xã hội của thành phố cũng tiếp tục phát triển. Chất lượng giáo dục và đào tạo của thành phố tiếp tục giữ vững. Một số di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Nội được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng.
Đáng chú ý, thành phố đã đẩy nhanh công tác quy hoạch; xây dựng và phát triển hạ tầng, đô thị. Trong đó, đã đôn đốc đẩy nhanh tiến độ để đưa vào vận hành tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội (đoạn trên cao) và tiến độ thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; dự kiến hoàn thành dự án đường Âu Cơ đoạn từ khách sạn Thắng Lợi - cầu Nhật Tân vào cuối tháng 6-2024...
Đến nay, tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch tập trung đạt trên 91%. Thành phố cũng tiếp tục duy trì và vận hành hiệu quả các nhà máy xử lý nước thải đã được đưa vào hoạt động, và chuẩn bị đầu tư dự án các nhà máy xử lý nước thải: Kiến Hưng, Sơn Tây, Tây sông Nhuệ…
Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng đồng bộ giữa cải cách thủ tục và cải cách bộ máy, thể chế. Các cơ quan, đơn vị của thành phố đã thực hiện 580 cuộc kiểm tra công vụ (chủ yếu là kiểm tra đột xuất). Chỉ số SIPAS của thành phố đã tăng 9 bậc, Chỉ số PAR-Index năm 2023 giữ nguyên thứ hạng…
Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thành phố cũng thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế còn tồn tại. Đó là số vụ tai nạn giao thông tăng ở cả 3 tiêu chí: Tăng 47,67% về số vụ, 12,36% về số người chết và 83,9% về số người bị thương. Tình hình cháy, nổ trên địa bàn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, diễn biến phức tạp, nhất là các vụ cháy tại các khu dân cư, chung cư cao tầng, cơ sở sản xuất, kinh doanh…
Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng của thành phố cũng tăng khá cao (5,31%), thách thức tăng trưởng bền vững và khả năng hoàn thành mục tiêu cả năm là kiểm soát dưới 4%. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm đạt 18,6% - thấp hơn cùng kỳ (24,8%). Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) giảm bậc xếp hạng…
Trong 6 tháng cuối năm, bám sát tinh thần chỉ đạo "5 quyết tâm", "5 bảo đảm", "5 đẩy mạnh" của Chính phủ để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7%, thành phố sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp.
Theo đó, cùng với việc bảo đảm ổn định và tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, thành phố sẽ tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Song hành với việc xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, thành phố sẽ thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị; nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, đô thị và bảo vệ môi trường.
Thành phố cũng sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, triển khai hiệu quả các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…
Đáng chú ý, thành phố sẽ tăng cường công tác trật tự an toàn xã hội, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với nhà trọ và các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao; duy trì tốt công tác đối ngoại; tăng cường công tác thông tin, truyền thông; đẩy mạnh công tác dân vận nhằm tạo đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-phan-dau-dat-muc-tang-truong-kinh-te-6-5-7-670265.html