Hà Nội phấn đấu giải quyết dứt điểm việc thiếu trường, lớp

Thừa nhận mạng lưới trường học chưa đáp ứng được tốc độ tăng dân số, năm học tới, Hà Nội nỗ lực giải quyết dứt điểm việc thiếu trường, lớp học, đặc biệt tại các quận trung tâm.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết, thời gian qua, quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục phát triển. Thành phố có 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp (tăng 39 trường so với cùng kỳ năm trước), gần 2,3 triệu học sinh và 130.000 giáo viên; 1 trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục; 29 Trung tâm GDNN - GDTX.

Thành phố có gần 80% trường công lập đạt chuẩn quốc gia; công nhận 23 trường chất lượng cao; chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp hiện đại có diện tích 5 ha trở lên.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội.

Tuy nhiên, theo đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội, việc triển khai kế hoạch năm học 2023-2024 vẫn còn một số tồn tại. Cụ thể, việc phát triển mạng lưới trường học theo quy hoạch chưa đáp ứng được tốc độ tăng dân số; tiến độ triển khai một số dự án xây dựng trường học còn chậm. Tại một số quận có tốc độ đô thị hóa nhanh, sĩ số học sinh cao như: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đống Đa...

Chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, chất lượng giáo dục giữa các trường nội thành và ngoại thành vẫn nhiều chênh lệch. Một số đơn vị còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; đội ngũ cán bộ nhân viên kế toán, y tế, giáo viên âm nhạc, tin học toàn Ngành vẫn thiếu nhiều...

Nói về một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới, ông Trần Thế Cương cho biết, Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo. Thành phố tiếp tục rà soát bổ sung, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, bảo đảm chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Thành phố đề xuất xây dựng phương án, giải pháp và giải quyết dứt điểm việc thiếu trường, lớp học, nhất là các quận trung tâm.

Ngoài ra, trong năm học mới, thành phố tăng cường chất lượng công tác dự báo về phát triển trường lớp, đội ngũ phù hợp với điều kiện thực tiễn. Ưu tiên đầu tư phòng học, thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch; rà soát, bổ sung các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với cơ sở vật chất và thiết bị dạy học.

Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, năm học 2024-2025, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành là xây dựng và hoàn thiện đề án đưa Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây thành trường THPT chuyên.
Khi hai trường này chính thức trở thành trường chuyên, Hà Nội sẽ có 4 trường THPT chuyên, gồm: Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Huệ, Chu Văn An và Sơn Tây.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, giai đoạn 2025 - 2030, toàn thành phố có kế hoạch xây thêm 30-35 trường THPT công lập, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Các quận huyện đã dành quỹ đất để xây dựng trường và hiện trong giai đoạn rà soát. Ví như, quận Cầu Giấy sẽ xây thêm 3 trường THPT công lập; quận Tây Hồ sẽ xây 8 trường nữa từ bậc mầm non tới THPT từ nay tới năm 2025...

Cũng trong năm qua, quận Hoàng Mai khởi công xây dựng 17 trường công lập. Có 4 dự án trường học từ mầm non tới THPT dự kiến hoàn thành trong năm học 2024-2025.

Đặc biệt, có 7 trường liên cấp tiểu học, THCS - THPT hiện đại đã được lên kế hoạch đầu tư công trung hạn và bố trí nguồn vốn để xây dựng.

Hoàng Thanh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ha-noi-phan-dau-giai-quyet-dut-diem-viec-thieu-truong-lop-o-cac-quan-trung-tam-2311599.html