Hà Nội: Phân loại đối tượng được và không được nghỉ hưu sớm khi sắp xếp tổ chức bộ máy
TP. Hà Nội lưu ý cần ưu tiên giải quyết chính sách, chế độ đối với những người có sức khỏe yếu, thời gian công tác còn lại tính đến tuổi nghỉ hưu thấp hơn, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng theo tiêu chuẩn vị trí việc làm...

Ảnh minh họa.
Sở Nội vụ Hà Nội vừa hướng dẫn một số nội dung thực hiện chính sách, chế độ theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Theo đó, các đối tượng được xem xét giải quyết chính sách bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện hợp nhất, sáp nhập, giải thể hoặc điều chuyển chức năng, nhiệm vụ;
Cán bộ, công chức cấp xã, cấp huyện bị ảnh hưởng do sắp xếp đơn vị hành chính, hoặc được điều động sau sắp xếp;
Cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm; Viên chức, người lao động làm việc tại các Cơ sở cai nghiện ma túy chuyển giao sang Công an Thành phố quản lý…
Chưa xem xét giải quyết chính sách, chế độ đối với các trường hợp sau:
Là nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trừ trường hợp cá nhân tự nguyện nghỉ việc.
Những người đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị thanh tra, kiểm tra do có dấu hiệu vi phạm.
Viên chức làm việc (không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý/người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu) tại đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực Y tế, Giáo dục, Nội vụ chịu tác động của sắp xếp tổ chức bộ máy, nhưng chưa bảo đảm số lượng người làm việc theo định mức do bộ quản lý ngành, lĩnh vực quy định.
Không xem xét, thực hiện giải quyết đối với các trường hợp có đơn tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi, hoặc nghỉ thôi việc, nhưng được đánh giá có phẩm chất, năng lực nổi trội, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, có thành tích tiêu biểu, mang lại lợi ích cho cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Không thực hiện giải quyết chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã; người lao động có 2 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.
Đồng thời, không áp dụng giải quyết chính sách chế độ đối với các trường hợp có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc có đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021), và có đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động, nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên.
Theo đó, các trường hợp này thuộc đối tượng nghỉ hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Lao động năm 2019).
Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp huyện, cấp xã nghỉ hưu trước tuổi, hoặc nghỉ thôi việc do kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện, hoặc do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo mô hình chính quyền cấp xã mới:
Thời điểm nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc đối với cán bộ, công chức cấp huyện, được tính kể từ khi cấp huyện kết thúc hoạt động theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Cơ quan có thẩm quyền của đơn vị hành chính cấp xã mới (sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã) có trách nhiệm tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã do sắp xếp để thực hiện giải quyết và chi trả chính sách, chế độ theo quy định của pháp luật.
Các trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có đơn tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi, hoặc nghỉ thôi việc cũng phải thực hiện đánh giá và rà soát theo tiêu chí để xác định đối tượng nghỉ theo quy định tại Nghị định số 178 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67).
Thời điểm quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền là thời điểm có hiệu lực của văn bản về thành lập, quy định tên đơn vị mới.
Sở Nội vụ Hà Nội lưu ý, việc giải quyết chính sách, chế độ phải đảm bảo khách quan, dân chủ, công tâm và đúng theo quy định của pháp luật.
Ưu tiên giải quyết chính sách, chế độ đối với những người có sức khỏe yếu, thời gian công tác còn lại tính đến tuổi nghỉ hưu thấp hơn, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng theo tiêu chuẩn vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.