Hà Nội: Phát hiện ổ bệnh dại do chó cắn tại Sóc Sơn

Một con chó dại chưa rõ nguồn gốc lao vào cắn 3 người và 13 con chó, mèo ở Sóc Sơn (Hà Nội). Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đang giám sát, xử lý ổ bệnh dại tại xã Hiền Lương và Minh Phú (Sóc Sơn).

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, con chó dại chưa rõ nguồn gốc, giống chó ta nặng khoảng 15kg. Từ khoảng 9h30 đến 11h ngày 25/7, con chó xuất hiện tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn. Tại đây, con chó dại đã cắn, tiếp xúc với 13 con chó, mèo của 4 hộ gia đình và cắn 1 người.

Từ khoảng 11h đến 12h cùng ngày, con chó dại di chuyển sang khu du lịch Việt Phủ Thành Chương (thôn Ninh Môn, xã Hiền Ninh) và cắn 2 người, gồm 1 khách thăm quan và 1 bảo vệ.

Nhân viên tại Việt phủ Thành Chương đã đánh chết con chó và báo nhân viên thú y xã Hiền Ninh. Nhân viên thú y xã Hiền Ninh đã gửi mẫu đến Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương để xét nghiệm và cho kết quả dương tính với virus dại.

Hãy đưa chó, mèo đi tiêm vaccine dại.

Hãy đưa chó, mèo đi tiêm vaccine dại.

Như vậy, tại ổ bệnh dại trên đã ghi nhận 3 trường hợp người phơi nhiễm với con chó dại. Các trường hợp này đã được xử lý vết thương, tư vấn tiêm chủng vaccine và huyết thanh kháng dại theo quy định.

Trước tình hình đó, UBND huyện Sóc Sơn đã họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch các xã và thông báo đến người dân để xác minh nguồn gốc con chó dại. Đồng thời, yêu cầu người dân phải xích nhốt, không được thả rông chó, mèo.

UBND huyện Sóc Sơn cũng yêu cầu UBND các xã bố trí đội tuần tra, tiêu diệt chó thả rông. Đồng thời, tiêu hủy con chó dại và 13 con chó, mèo đã tiếp xúc với con chó dại theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Đoàn công tác của CDC Hà Nội đề nghị Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động phòng chống bệnh dại. Người dân khi bị chó mèo cắn, cào cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị dự phòng bệnh dại.

Đoàn công tác cũng đề nghị Trạm y tế xã Minh Phú và Trạm y tế xã Hiền Ninh theo dõi sát tình hình ổ bệnh dại trên địa bàn, phát hiện sớm các trường hợp bị động vật nghi dại cắn. Đồng thời giám sát, nhắc nhở người phơi nhiễm đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

BS Nguyễn Tuấn Hải, Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec cho hay, dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dại gây nên. Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương.

Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật).

Theo Chương trình phòng chống bệnh dại Quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tính đến 15/7/2024, cả nước xảy ra 56 ca tử vong do bệnh dại, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023.

BS Hải cho biết, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine và huyết thanh kháng dại. Tiêm vaccine dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại.

BS cũng khuyến cáo, người dân nếu có điều kiện có thể tiến hành tiêm vaccine dự phòng trước phơi nhiễm dại.

Theo đó, nếu tiêm dự phòng, chỉ cần tiêm 3 mũi, hoàn toàn linh động về mặt thời gian. Khi chẳng may bị chó, mèo cắn, lịch tiêm sẽ đơn giản hơn, chỉ cần tiêm 2 mũi vaccine mà không cần phải tiêm huyết thanh kháng dại kể cả khi vết thương nặng, vị trí cắn gần với thần kinh trung ương hoặc nơi tập trung nhiều dây thần kinh.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/ha-noi-phat-hien-o-benh-dai-do-cho-can-tai-soc-son-i739140/