Hà Nội: Quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ ngành gốm sứ - sơn mài năm 2023
Trên 400 mẫu sản phẩm đã tham dự Triển lãm chuyên đề các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu ngành gốm sứ - sơn mài năm 2023.
Chiều ngày 4/7, Sở Công Thương Hà Nội đã khai mạc Triển lãm chuyên đề các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu ngành gốm sứ - sơn mài năm 2023.
Điểm đặc biệt trong Triển lãm lần này đó là sự tham gia của Đoàn công tác của Sở Công Thương Viêng Chăn sang thăm và làm việc với Sở Công Thương Hà Nội nhằm thực hiện nội dung quan trọng trong việc thực hiện Biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Sở Công Thương Hà Nội và Sở Công Thương Viêng Chăn giai đoạn 2022 - 2025, ký tại Viêng Chăn ngày 4/11/2022.
Với quy mô khoảng 500m2, Triển lãm trưng bày, giới thiệu trên 400 mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề sáng tạo và độc đáo. Không gian trưng bày sẽ được chú trọng thiết kế trang trí theo không gian mở, nhằm tăng tính thẩm mỹ và cảm giác thoải mái, thân thiện với khách thăm quan, giao dịch.
Đây là dịp để công chúng, những người yêu thích, quan tâm đến ngành thủ công mỹ nghệ nói chung và ngành gốm sứ và ngành sơn mài nói riêng có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc, có giá trị thẩm mỹ cao được tạo ra từ đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, thợ giỏi.
Đến với triển lãm, các nghệ nhân, cá nhân sẽ có cơ hội học tập, tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm khi kết nối với cộng đồng thủ công mỹ nghệ tiêu biểu, đồng thời đưa các thiết kế này vào sản xuất thực tế, đáp ứng yêu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.
Không chỉ vậy, tại đây khách thăm quan sẽ được trải nghiệm quy trình sản xuất nghề gốm sứ và nghề sơn mài thủ công truyền thống và hiện đại, lịch sử nghề gốm sứ và nghề sơn mài; tham gia các hoạt động quảng bá kết nối giao thương các sản phẩm gốm sứ - sơn mài và các sản phẩm tiêu biểu khác.
Triển lãm chuyên đề các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu ngành gốm sứ - sơn mài năm 2023 sẽ là nơi kết nối, quảng bá các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP trong nước và quốc tế; bảo tồn, giữ gìn giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, truyền tải, quảng bá văn hóa vùng miền tới cộng đồng người tiêu dùng trên thị trường; hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn quảng bá, giới thiếu sản phẩm ra thị trường.
Phát biểu tại sự kiện, bà Trần Thị Phương Lan – Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội – cho biết, Triển lãm chuyên đề các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu ngành gốm sứ - sơn mài năm 2023 là sự kiện thứ 3 trong chuỗi các hoạt động triển lãm chuyên đề các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu tại “Điểm trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP Thủ đô” năm 2023 được Thành phố Hà Nội giao Sở Công Thương tổ chức.
Triển lãm sẽ giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội học tập, tìm hiểu và đưa các thiết kế này vào sản xuất thực tế, cũng như từ các thiết kế này phát triển các sản phẩm mới của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường.
Tại lễ khai mạc, đại diện doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội cho biết, là một trong những đơn vị tham gia Đoàn giao dịch xúc tiến thương mại, làng nghề tại Lào năm 2023 diễn ra hồi tháng 4/2023 và được tham quan vùng trồng nguyên liệu. Sau thời gian nghiên cứu, đại diện doanh nghiệp này mong muốn Sở Công Thương Viêng Chăn hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp địa phương nhằm phát triển vùng nguyên liệu tại Lào để phục vụ cho công tác sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ với diện tích khoảng 100 - 200 ha.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương bên lề sự kiện, Chuyên gia thủ công mỹ nghệ Vũ Huy Thiều – đánh giá, Triển lãm chuyên đề sẽ giúp khách hàng tiếp cận được sản phẩm một cách tập trung. Một phòng trưng bày tại đây sẽ hội tụ rất nhiều làng nghề, khách hàng không phải đi xa và tất cả các sản phẩm đã được lựa chọn, là tinh hoa của các làng nghề.
Đây là cơ hội để giới thiệu làng nghệ, năng lực sản xuất, nghệ nhân, bởi các thông tin trực quan bao giờ cũng sinh động hơn, tốt hơn thông tin qua hình ảnh hay báo chí. Trên cơ sở đó, khách hàng có thể tiếp cận, xuống dưới các làng nghề, cơ sở sản xuất.
Về vùng nguyên liệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Lào, ông Vũ Huy Thiều cho biết, với diện tích đất đai rộng, nhiều nguyên liệu họ chưa tận dụng hoặc chưa biết cách sử dụng. Do đó, việc liên kết giữa Việt Nam với Lào, chúng ta có thể tận dụng được vùng nguyên liệu này. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu giống, kỹ thuật gieo trồng, kỹ thuật sơ chế. Khi đó, chúng ta sẽ có được nguồn nguyên liệu mang tính thương mại đưa vào sản xuất hàng hóa chất lượng.
Hà Nội là Thủ đô có trên 1.000 năm tuổi, vùng đất với bề dày lịch sử truyền thống, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, con người Hà Nội thanh lịch, hào hoa. Hà Nội không chỉ nổi tiếng với những giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc, các công trình kiến trúc cảnh quan độc đáo, món ăn nổi tiếng mà còn được biết đến với nhiều sản phẩm thủ công tinh xảo được tạo ra từ những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, óc sáng tạo phong phú của các nghệ nhân làng nghề, đã quyến rũ hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Ngành thủ công mỹ nghệ trong những năm qua luôn nằm trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam và thủ công mỹ nghệ có vai trò quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn. Nhóm hàng thủ công mỹ nghệ được xếp vào nhóm sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu lớn và có tỉ suất lợi nhuận cao.
Triển lãm được diễn ra trong suốt tháng 7/2023 tại Điểm trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP Thủ đô – Số 176 Quang Trung, quận Hà Đông.