Hà Nội: Quyết tâm xây dựng đô thị xanh trước thách thức ô nhiễm môi trường

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, Hà Nội vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn về môi trường. Ô nhiễm không khí, tắc nghẽn giao thông và thiếu không gian xanh đang đe dọa sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân.

Quang cảnh diễn đàn

Quang cảnh diễn đàn

Ngày 12/12, tại Hà Nội, Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức Diễn đàn phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững.

Phát triển đô thị bền vững là hướng đi tất yếu

Phát biểu tại diễn đàn, ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, phát triển xanh, phát triển đô thị xanh đã và đang trở thành xu hướng tất yếu. Đô thị xanh không chỉ đảm bảo môi trường sống trong lành, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, mà còn thúc đẩy sự cân bằng, hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, nâng cao chất lượng sống.

"Đó là nền tảng để xây dựng những cộng đồng thịnh vượng, bền vững, nơi mà tăng trưởng không còn phụ thuộc vào sự khai thác cạn kiệt tài nguyên, thiên nhiên mà dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, quản trị hiệu quả của chính quyền và sự đoàn kết chung tay của cả xã hội, quyết định đến sự thành công. Đây chính là con đường giúp các đô thị hiện thực hóa khát vọng trở thành nơi đáng sống, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa phát triển nhanh và bền vững", ông Hà Minh Hải chia sẻ.

Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng, Hà Nội cũng phải đối mặt với những thách thức lớn như: mật độ dân cư đông đúc, quá tải hệ thống y tế và giáo dục, cùng những vấn đề ô nhiễm không khí, nguồn nước, ùn tắc giao thông...

Ở góc độ cơ quan chuyên môn, ông Nguyễn Minh Tấn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, nồng độ bụi mịn PM10 và PM2.5 tại Hà Nội đang ở mức báo động, vượt xa tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Tình trạng ô nhiễm không khí này lan rộng khắp thành phố, đặc biệt nghiêm trọng ở các quận nội thành do mật độ dân số cao và hoạt động giao thông sôi động. Bên cạnh đó, các chất ô nhiễm khác như NO2 và O3 cũng được ghi nhận ở một số khu vực.

Ông Lê Thanh Nam - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, một phần lớn do hoạt động sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải. Theo ông Lê Thanh Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, với 17 khu công nghiệp, khoảng 1.300 làng nghề, và hơn 8 triệu phương tiện cơ giới, thành phố đang phải đối mặt với lượng khí thải khổng lồ.

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có chiều hướng gia tăng, có những thời điểm, chỉ số chất lượng môi trường không khí (ngưỡng giá trị AQI) đã lên đến mức xấu, có ảnh hưởng đến sức khỏe con người và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian ô nhiễm tập trung vào mùa đông, từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau.

Hành động quyết liệt

Theo PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội, thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố Hà Nội. Tại nhiều tọa đàm, hội thảo, đặc biệt lãnh đạo thành phố Hà Nội luôn dành thời gian để lắng nghe các ý kiến của nhà khoa học, chuyên gia góp ý cho công tác đảm bảo vệ môi trường tại Thủ đô.

PGS. TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị phát biểu khai mạc diễn đàn

PGS. TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị phát biểu khai mạc diễn đàn

PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, Hà Nội cần chọn các vấn đề nóng, ưu tiên thực hiện trước, không dàn trải để tập trung nhân lực, nguồn lực giải quyết từng vấn đề. Và câu chuyện với sông Tô Lịch mà thành phố Hà Nội đã và đang lựa chọn, thực hiện trong thời gian qua là một ví dụ điển hình.

Cùng với đó, Hà Nội cần tập trung nâng cao nhận thức về môi trường cho các chuyên gia, người làm chuyên môn và đặc biệt là người dân Thủ đô. Cần minh bạch phương án, kinh phí, đơn vị thực hiện… để các nhà khoa học, giới chuyên môn giám sát, phản biện. Làm rõ công tác quản lý, phân cấp quản lý sông Tô Lịch sau tiến hành cải tạo, rõ người, rõ trách nhiệm, rõ phương án… để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Bởi, sông Tô Lịch không của riêng ai, nó là của chung Nhân dân Thủ đô, gắn liền với cả quá trình phát triển của Thủ đô.

TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam chia sẻ: "Những ngày gần đây, tôi thấy lãnh đạo Hà Nội có những hành động rất quyết tâm về bảo vệ môi trường, trong đó có việc làm sạch sông Tô Lịch. Tôi hy vọng đến năm 2035, sông Tô Lịch sẽ lại xanh, sạch như hồi năm 1935".

Theo TS. Hoàng Dương Tùng, phát triển đô thị xanh cần được nhìn nhận dưới góc độ riêng của từng đô thị, và Hà Nội cũng như vậy. Thời gian qua, mặc dù Thành phố đã triển khai rất nhiều các biện pháp nhằm đảm bảo môi trường tại Thủ đô, nhưng có thể nói những biện pháp đó vẫn chưa đủ để xây dựng và phát triển đô thị xanh theo hướng bên vững.

Do đó, cần xác định rõ các mục tiêu phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững phù hợp với từng quận, huyện. Cụ thể, tại các huyện xa trung tâm – khu vực nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều nông nghiệp thì giao thông không phải là vấn đề trong công tác xanh hóa đô thị, vấn đề của họ là tình trạng đốt rơm.

Ngoài ra, Hà Nội cần tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, cơ chế, công tác thu gom rác thải; cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa về công tác đẩy mạnh cơ giới hóa, điều chỉnh đơn giá, định mức thu gom vệ sinh môi trường theo cơ chế thị trường để đảm bảo hoạt động sản xuất, đời sống của những công nhân vệ sinh môi trường; Cần công khai các thông tin, chỉ số về chất lượng môi trường, chất lượng không khí… để người dân cùng nắm được, từ đó có trách nhiệm hơn trong công tác đảm bảo môi trường.

Theo ông Hà Minh Hải, với mục tiêu hướng tới là đưa Hà Nội trở thành một trong những hình mẫu của đô thị xanh, thông minh, Hà Nội cần quy hoạch và phát triển không gian xanh, không gian công cộng, không gian ngầm, không gian trên cao, không gian số. Mọi dự án phát triển phải lấy tiêu chí xanh làm nền tảng. Các không gian xanh không chỉ tăng cường môi trường sống trong lành mà còn giúp gắn kết cộng đồng.

Đồng thời, cụ thể hóa Luật Thủ đô với phương châm “Thể chế thông thoáng - quản trị thông minh - nhận thức, tư tưởng thông suốt”. Với 3 “Quy” đồng bộ để tổ chức thực hiện hiệu quả “Quy hoạch chi tiết - Quy chế, quy trình - Quy chuẩn, tiêu chuẩn”.

Hải Yến

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ha-noi-quyet-tam-xay-dung-do-thi-xanh-truoc-thach-thuc-o-nhiem-moi-truong-158752.html